Những bạn trẻ tuổi từ 20 đến 27 có khát vọng và tố chất lãnh đạo trên cả nước có thể ứng tuyển để được tài trợ học bổng toàn phần cho một chương trình đào tạo đặc biệt nhằm biến tiềm năng của bản thân thành tài năng lãnh đạo thực sự. Học bổng Hạt giống Lãnh đạo Open IPL lần thứ 5 sẽ tuyển chọn 30 ứng viên ưu tú từ nay đến hết ngày 15-4-2017 với mỗi phần học bổng trị giá 150 triệu đồng.
Từ câu chuyện đại bàng ngủ quên trong kiếp gà…
Chuyện kể rằng có một cái trứng đại bàng rơi vào nhà của chị gà mái sắp đến ngày làm mẹ. Thế là chú “gà đại bàng” lớn lên cùng đàn gà con lông vàng, theo chân gà mẹ đi kiếm mồi mỗi ngày. Tình cờ một ngày kia, chú ta trông thấy những con đại bàng bay lượn trên bầu trời trông thật oai hùng và dũng mãnh. Chú thầm ước “giá mà mình cũng bay được như thế!”. Đến đây, câu chuyện có thể được viết tiếp với hai “kịch bản” như sau: (1) Thỉnh thoảng, “gà đại bàng” vẫn dõi theo những màn trình diễn ngoạn mục của đại bàng, nhưng chưa một lần dám thử đập cánh bay lên. Và chú sống như những con gà bình thường đến cuối đời. (2) “Gà đại bàng” bắt đầu nuôi giấc mơ, khát vọng và âm thầm tập bay. Nhưng do không có người hướng dẫn, chú ta không biết cách bay như thế nào. Chẳng bao lâu sau, chú nản chí và bỏ cuộc, trở lại sống kiếp gà bình thường như trước.
“Gà đại bàng” có thể ví nôm na như những con người có những tố chất đặc biệt và mang trong mình những khát vọng lớn. Nếu không biết rằng mình có tố chất thì “gà đại bàng” sẽ không dám nuôi hoài bão lớn. Có những trường hợp “gà đại bàng” biết mình có tố chất và âm thầm nuôi dưỡng khát vọng, nhưng lại không có một môi trường để rèn luyện, để thoát kiếp gà.
Liệu còn có một kịch bản nào khác cho cuộc đời của “gà đại bàng”, cho những người trẻ ưu tú biến tố chất của mình thành tài năng để thành công và đóng góp nhiều hơn cho xã hội? Đây cũng chính từ nỗi trăn trở ấy, Chương trình IPL đã được khai lập.
Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE cùng 30 người tâm huyết với giáo dục đã quyết định theo đuổi dự án này. “Để hội nhập và cạnh tranh với thế giới phải có những doanh nhân giỏi. Vì vậy, khi nghe ý tưởng này, tôi rất tâm đắc và muốn tham gia ngay”, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Sacombank cho biết. “Ngoài các tiêu chí khá minh bạch, rõ ràng, dự án đã “đánh trúng” vào kỳ vọng đào tạo người giỏi cho các doanh nghiệp cũng như nỗi lo về sự khốc liệt của hội nhập hiện nay nên dễ dàng được hưởng ứng”, ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch HĐQT Công ty Giấy Sài Gòn nói.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, kể: “Có nỗi buồn là mỗi lần đi nước ngoài người ta cứ tưởng tôi là người Nhật, hay Hàn Quốc, Trung Quốc. Có lần đi công tác tại một nước Đông Âu, tôi ghé vào một nhà hàng. Nhân viên tiếp tân chào tôi bằng một câu tiếng Nhật, thấy tôi im lặng, họ lại tiếp tục bằng một câu tiếng Hàn. Tôi tự hỏi: “Chẳng lẽ Việt Nam lu mờ trên thế giới vậy sao? Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ toàn cầu? Những câu hỏi ấy cứ làm tôi day dứt mãi, nên khi biết về dự án đào tạo tài năng trẻ này, tôi nhận lời ngay”.
…Đến hành trình “thực học” không dễ dàng
GS Trần Văn Thọ, đến từ Đại học Waseda, Nhật Bản cho biết ông tự hào được vào đội ngũ những người “trồng cây” cho IPL. Ông nói: “Có ba điểm khác biệt lớn góp phần khẳng định thành công của dự án là: tính thực tế, chú trọng kỹ năng và kiến thức cập nhật, hiện đại. Kinh nghiệm thực tế về kinh doanh của các thành viên doanh nhân sáng lập sẽ được chọn lọc và đưa vào nội dung đào tạo. Khác với giáo dục tại các trường đại học, chúng tôi chú trọng xây dựng kỹ năng làm việc đồng thời giới thiệu những kiến thức hiện đại đang được áp dụng thành công tại một số quốc gia trên thế giới”.
Nhưng để trở thành “đại bàng” ứng viên phải trải qua “Hành trình năm – một – năm” không mấy dễ dàng, đó là năm vòng thi tuyển sinh, một năm được đào tạo và năm kỳ tự trải nghiệm thực tế nghề nghiệp.
Với chương trình học nghiêm túc, đòi hỏi mỗi giảng viên, mỗi học viên đều thực sự hết mình trong dạy và học, IPL mong muốn tạo ra một nơi mà ở đó giá trị “thực học”, là điều kiện cốt yếu để mỗi người có thể được “khai phóng”, từ đó mới có thể trở thành con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú. Chính vì vậy, ứng viên được nhận học bổng phải cam kết nghiêm túc và có sự thể hiện xứng đáng với học bổng mà mình được nhận. Trong trường hợp học viên nào không vượt qua giai đoạn một năm được đào tạo thì phải bồi thường cho Quỹ IPL một số tiền tương đương 50% giá trị học bổng toàn phần.
Trách nhiệm của mỗi người trẻ trong IPL không chỉ là nỗ lực học tập để “khai phóng” cho chính bản thân mình, mà còn là dùng sự hiểu biết và minh định ấy để góp sức cho hành trình “tự khai phóng” của những người quanh mình, của xã hội. Đây cũng là chương trình mang “tinh thần chuyên sâu” giúp các bạn giỏi chuyên môn để thành công trong nghề.
“Các bạn trẻ hiện nay đang sốt sắng đi tìm một câu trả lời, về đam mê, về nghề nghiệp, về tình yêu. Mình đã trải qua nhiều năm ở giai đoạn này, luôn loay hoay tìm một câu trả lời chung cho mọi vấn đề cuộc sống, và đến bây giờ, mình nghĩ, quan trọng hơn là chúng ta cần tìm một câu hỏi. Người có hiểu biết, có văn hóa sẽ đặt câu hỏi đúng, và người được hỏi khi dấn thân đi tìm câu trả lời sẽ có câu trả lời hay. Hỏi và trả lời cuộc sống là một hành trình rất dài, rất may mắn là IPL đã giúp mình bắt đầu sớm hơn”, anh Nguyễn Xuân Huy, học viên IPL năm trước hiện là Trưởng phòng Phụ trách Khách hàng Trọng điểm Toàn quốc của Công ty Unilever Food Solution cho biết. Anh nói thêm: “Câu nói mà luôn đi suốt chương trình, của một người thầy mà mọi khóa IPL luôn quý mến đó là: “IPL không chỉ là tên một chương trình học, mà còn là tên của một nền văn hóa”. Tôi nghĩ rằng nền văn hóa ấy đáng được trân trọng và đáng được nhân rộng nhiều hơn”…
- Tường Lam