Những năm Đổi mới, đất nước biến chuyển về nhiều mặt, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của báo chí. Một thế hệ nhà báo đã tạo dựng được tên tuổi của mình trong lòng bạn đọc, nhắc đến một bút danh là người ta nhớ ngay đến tên chuyên mục cùng với tờ báo mà họ đầu quân. Ba Thợ Tiện chính là một trong những cái tên như vậy. Đó là bút danh của nhà báo Hoàng Thoại Châu trên tờ Lao động Chủ nhật. Chuyên mục Nói hay đừng gắn liền với tên tuổi của ông, đụng sâu vào những vấn đề nóng bỏng của đất nước. “Nói” hay “đừng” tưởng là câu hỏi mở, nhưng thực ra đã được ông “nói” hết, nói thẳng, nói đúng trọng tâm, khiến cho những “chuyện khó nói” của một thời kỳ nhiễu nhương trở nên rõ ràng trước mắt bạn đọc. Ông trải qua đời làm báo ở Tuổi trẻ, Lao động, Thanh niên Thời đại, Lao động – Xã hội, Giáo dục – Sáng tạo…
Cuộc đời riêng của Hoàng Thoại Châu là một chuỗi lên thác xuống ghềnh. Cay đắng, cơ cực và vinh quang với nghiệp viết lách cứ liên tiếp nối nhau đi tới, khiến ông luôn bị hút vào tâm điểm “vùng xoáy” trong những cơn biến động của đất nước. “Trong vở kịch của đời mình, tôi đã trải qua rất nhiều vai. Từ cậu bé có cha đi tham gia kháng chiến từ rất sớm nên phải chăn trâu, bắt ốc, hái rau cùng mẹ và các em để sống và học từng con chữ tại một vùng quê nghèo miền Trung, bị chiến tranh tàn phá ác liệt, đến một anh phụ hồ “bất đắc dĩ”, vào vai Thị giả một vị cao tăng đức độ, một chú Sa di chỉn chu tại một ngôi chùa giữa Sài Gòn hoa lệ. Từ một sinh viên trong áo blouse trắng, đến một nhà thơ đoạt giải nhất Giải thưởng văn học – nghệ thuật về bộ môn Thi ca, do Tổng thống chế độ cũ trao tại Dinh Độc lập. Rồi, từ một “sinh viên đấu tranh” bị bắt, đưa vào khám Chí Hòa, đày ra Côn Đảo cho tới sau ngày 30-4-1975 mới được đưa về đất liền, đến một phóng viên tay ngang phấn đấu thành một nhà báo chuyên nghiệp…”. Giới thiệu về mình, nhà báo Hoàng Thoại Châu kể khá ngắn gọn, những sự kiện nổi bật trong cuộc đời gắn với một giai đoạn lịch sử thăng trầm cũng được ông kể lại một cách giản dị mà chân thực.
Trong tự truyện Sâu thẳm buồn vui của ông, số phận của nhiều lớp người từ trí thức, văn nghệ sĩ, người lao động… trong những năm tháng bể dâu được khắc họa ngắn gọn mà rõ nét. Có những câu chuyện tình người luôn thắp sáng ký ức tuổi trẻ, cũng có những đổ vỡ buồn đau đến tận đáy lòng. Tất cả rồi cũng đi qua, để đến một lúc đã “trả nợ xong” thì có thể thanh thản cảm nhận trọn vẹn cái đẹp trong kiếp người hư ảo: “Cuộc đời, dù sang giàu hay nghèo khó đến mấy cũng đều đẹp, đều mong manh đến độ chỉ cần chạm phải một làn gió mỏng, vào một thời khắc liêu xiêu nào đó cũng trở thành tro bụi”. Và điều quan trọng nhất là: “Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi vai diễn nào cũng đẹp. Tôi yêu tất cả”.
Sâu thẳm buồn vui do NXB Hội Nhà Văn xuất bản, Công ty Phương Nam phát hành. Sách dày 350 trang, giá 127 ngàn đồng.
Ly Lam (DNSGCT)