Lạc đà đã được loài người thuần hóa từ lâu, có 3 nhóm: lạc đà một bướu sống ở Bắc Phi và Trung Đông; lạc đà 2 bướu sống ở vùng Trung Á; lạc đà không bướu sống ở Nam Mỹ. Lạc đà hoang dã chỉ có duy nhất một loài, có 2 bướu, nhưng có nguồn gốc khác hẳn.
“Thuyền trên sa mạc”
Lạc đà có đặc tính chịu đựng được gió cát sa mạc, lại chịu đói nhịn khát nên từ lâu đã dược loài người thuần hóa thành phương tiện giao thông không thể thay thế trên sa mạc, dùng để chở người và hàng nên có biệt hiệu “thuyền trên sa mạc”. Ngoài việc làm sức kéo, người ta còn ăn thịt, uống sữa lạc đà, lông lạc đà có thể dệt thảm nên lạc đà có giá trị kinh tế rất cao.
Người Trung Quốc có câu “Lạc đà chết ốm còn to hơn ngựa”, nói lên rằng lạc đà to con nhất trong các loài có móng guốc trên đồng cỏ. Con lạc đà đực một bướu có thể nặng tới 1 tấn. Lạc đà thuộc động vật nhai lại như trâu bò, hươu nai. Lạc đà một bướu (Camelus dromedarius) sống ỏ sa mạc nhiệt đới chiếm 88% số lượng lạc đà; lạc đà 2 bướu (C. bactrianus) có thể hình nhỏ hơn, sống ở sa mạc ôn đới; lạc đà không bướu thường gọi là Lama, gồm 3 loài khác biệt rất lớn, trông giống dê hơn lạc đà.
Lama thể hình nhỏ nhất trong họ lạc đà, vai cao 1,2m, lông dài, sống nhiều ở Peru, thích nghi với xứ lạnh. Chúng chỉ thồ được 45-60kg, nếu tải nặng quá, chúng sẽ lăn đùng ra đất ăn vạ, sủi bọt mép, trông thật dễ thương. Lama cũng hiện diện trên quốc huy Peru, cùng với cây cankina.
Lama hiền lành vậy, nhưng hay gây hấn với chó, thấy chó là xua đuổi cho bằng được. Phản ứng đó thuần túy do bản năng. Nguyên do là họ hàng của loài chó sói từng là thiên địch của lama. Khi phát hiện sói, lama “lên tiếng” cảnh cáo; nếu sói làm ngơ, chúng sẽ xông tới đá cho sói bị thương, có khi đá chết sói luôn.
Lạc đà hoang dã có 2 bướu, tên khoa học là C. ferus. Có tài liệu nói là ở châu Úc có hàng triệu con lạc đà hoang dã 2 bướu, tôi tra cứu thì thấy đây chỉ là lạc đà nhà bị xổng ra thiên nhiên. Miền Tây và miền Trung nước Úc có sa mạc mênh mông khô cằn, từ cuối thế kỷ 19, người Anh cho du nhập lạc đà nhà 2 bướu từ Afganistan làm công cụ giao thông. Sang thế kỷ 20, đường xe lửa xuyên Úc đã hoàn thành, lạc đà hết vai trò lịch sử nên đã bị bỏ mặc. Gặp đồng cỏ phì nhiêu, chúng thả sức sinh sôi, có lúc lên đến 1,2 triệu con. Chính phủ Úc đã nhận thấy chúng ăn cỏ ăn cả rễ, tàn phá đồng cỏ nên tiêu diệt chúng, nhưng vẫn duy trì không gian sinh tồn cho chúng ở quy mô 800.000 con như hiện nay.
Chiến binh lạc đà
Lạc đà không chỉ được dùng trong lao dịch, mà còn xông pha trận mạc, tung hoành trên sa mạc, thịnh hành ở các nước Ả Rập vào thời Trung thế kỷ. Đoàn quân lạc đà Ai Cập của Mamuruc múa dao khoắm, mặc giáp trụ, từng chặn đánh kỵ binh Mông Cổ ở vùng rìa sa mạc thuộc Syria ngày nay, buộc gót sắt Mông Cổ phải chuyển hướng qua châu Âu.
Tôn Tử binh pháp có câu: “Đai quân vị động, lương thảo tiên hành” (Đoàn quân chưa xuất phát, lương thảo phải đi trước); binh sĩ cần lương thực, ngựa cần cỏ, đó là việc hiển nhiên. Lạc đà vốn ăn kham khổ, các cây bụi có gai cúng không chê nên giảm nhẹ được khâu cung ứng hậu cần.
Lạc đà tuy không chạy nhanh bằng ngựa, nhưng lại có sữc chở vượt trội. Nếu kỵ sĩ áo giáp nai nịt cộng với vũ khí đây đủ, đảm bảo ngựa sẽ sụm lưng. Trường đua Phú Thọ, Q.11, TP.HCM toan sử dung nài ngựa 13-14 tuổi, bị nghi ngờ sử dụng lao động vị thành niên. Báo Thanh niên vào cuộc điều tra thì phát hiện giống ngựa của ta là ngựa cỏ, chỉ thồ được tối đa 35kg nên phải có nài ngựa nhỏ con. Muốn có ngựa xịn, phải nhập giống ngựa Ả Rập có phả hệ rõ ràng, nhựng phải tốn ít nhất 1 triệu USD/con!
Ngựa rất ghét mùi hôi của lạc đà, khi giáp mặt, ngựa đều bỏ chạy, hất tung cả kỵ sĩ trên lưng. Trong thời đại vũ khí lạnh, lính lạc đà là vô địch trên sa mạc; khi quân viễn chinh của tướng Napoléon Bonaparte tấn công Ai Cập vào thế kỷ 18, sử dụng hỏa khí, thế như chẻ tre, vai trò của lính lạc đà mới cáo chung.
Ở Trung Quốc, đến đời nhà Thanh vẫn còn sử dụng lính lạc đà tác chiến ở vùng biên thùy Tây Bắc, nhà thơ biên cương Ngô Gia Kỷ từng có bài thơ vịnh rằng:
Sau chiến cảnh điêu tàn,
Ruộng vườn đã bỏ hoang,
Lạc đà nay mập ú,
Chăn thả đỡ quân lương.
Ấn Độ là nước duy nhất trên thế giới khi diễu binh còn xuất hiện binh chủng lạc đà.
Tung vó trên hoang mạc Gobi
Trên vùng đất rộng lớn phía Nam nước Mông Cổ và phía Bắc Trung Quốc là hoang mạc Gobi, gồm những vùng sa mạc và nửa sa mạc, tung tăng vó lạc đà hoang cực kỳ quý hiếm. Cả thế giới hiện nay chỉ còn khoảng 900 con lạc đà hoang, trong đó 650 con sống ở bãi Gobi gần hồ Lop Nor; số còn lại sống ở hoang mạc phía Nam nước Mông Cổ. Số lượng lạc đà hoang chỉ bằng 1/10 gấu trúc nên dưới khía cạnh đó, lạc đà hoang còn quý hiếm hơn gấu trúc nổi tiếng là “quốc bảo” của Trung Quốc, chỉ kém gấu trúc ở giá trị thưởng ngoạn. Lạc đà hoang đã được liệt vào “Sách đỏ”, thuộc diện cực kỳ quý hiếm, đối diện nguy cơ tuyệt chủng.
Lạc đà hoang sống thành đàn 5-6 con, có khi lên tới cả trăm con. Chúng tung vó trên hoang mạc, tốc độ đạt 50km/giờ, bỏ xa lạc đà nhà. Lạc đà hoang có 2 bướu, bướu nặng 50 kg, dùng để dự trữ năng lượng; khi nhịn đói, bướu sẽ nhanh chóng xẹp xuống. Tuy sống ở sa mạc, nhưng chúng vẫn thích nơi gần nguồn nước và nhiều cỏ, khi có dông, chúng chạy ẩn sâu trong sa mạc, không ai đuổi kịp. Chúng có khứu giác nhậy bén, khi đánh được hơi người là chuồn biệt tăm, nên du khách ít khi gặp chúng.
Trên bãi Gobi chỉ có loại cây bụi nhỏ có gai, dân du mục gọi là “gai lạc đà”, tất cả động vật ăn cỏ như ngựa hoang, lừa hoang, linh dương đều chê, chỉ có lạc đà hoang là tiêu hóa được nhờ bao tử có 3 ngăn. Khi đói, chúng ăn cả vải bạt và giầy dép.
Lạc đà hoang động dục vào mùa thu, 2 năm sinh sản 1 lứa, thời gian mang thai 13 tháng, đẻ 1 con. Lạc đà con sinh ra đã năng 36kg, lông khô là chạy được ngay. Lạc đà hoang có tuổi thọ trên 50 năm, cao hơn Lạc đà nhà. Khi gặp người hoặc xe cộ, lạc đà mẹ thường hốt hoảng bỏ chạy, bỏ rơi lạc đà con.
Khi giao phối, con trống và con mái đều ngồi xuống, con trống giao hợp từ phía sau. Mỗi lần giao phối con trống có thể phóng tinh 3-4 lần, là động vật có móng guốc duy nhất giao hợp ở tư thế ngồi.
Những bí mật chưa có lời giải
“Thuyền trên sa mạc” nói chung có sức chịu đựng phi thường, lạc đà hoang còn có sức chịu đựng cao hơn. Người ta đã làm thí nghiệm, nhốt những con lạc đà trong lồng dưới điều kiện nóng bức, cắt nguồn nước và thức ăn: lạc đà nhà sống được 7 ngày, lạc đà hoang sống được 16 ngày. Chúng có nhiều cơ chế thích nghi sinh lý với nghịch cảnh mà loài người chưa khám phá ra.
Chúng còn đặc biệt chịu được khát, mùa nóng nhịn được vài ngày, mùa lạnh nhịn cả tháng. Khi có nguồn nước, chúng có thể uống một hơi 100 lít. Giải thích về hiện tượng này, các nhà khoa học đưa ra giải thuyết:
– Xung quanh hệ thống bao tử của chúng có nhiều túi nhỏ chứa nước;
– Bướu lạc đà dự trữ mỡ, khi đốt cháy thành 1 calo năng lượng sẽ sinh ra 1g nước.
Khi quá thiếu nước, lạc đà hoang còn là động vật duy nhất trên thế giới uống nước hồ vừa mặn vừa chát. Chúng cũng chẳng ưa gì nước mặn, nhưng bị loài người o ép, buộc phải lánh vào vùng sâu sa mạc, ở đó chỉ có nước mặn. Chúng tuy có thận công suất lớn, nhưng không đủ để giải thích cơ chế “ngọt hóa” nước mặn như thế nào, cơ chế “thẩm thấu ngược” khá phức tạp, các nhà sinh học vẫn khám phá không ra.
Sống trên sa mạc, nhiệt độ ngày, đêm chênh lệch rất lớn, lạc đà hoang còn có biệt tài đến đêm điều tiết thân nhiệt lên 41oC, sáng hôm sau tự động hạ xuống còn 34oC. Chỉ khi nhiệt độ ngoài trời lớn hơn 41oC, chúng mới “chịu” ra mồ hôi, giúp chúng tiết kiệm được 25% lượng nước tiêu hao. Ngay cả lạc đà nhà cũng không có khả năng tự điều tiết thân nhiệt kỳ lạ như vậy. Chúng còn biết dự báo bão cát, khi bão cát sắp nổi lên, chúng tìm ngay đến chỗ khuất, nằm chụm vào nhau, vùi đầu trong cát, tránh bị bão thổi bay.
Bảo tồn lạc đà hoang đang lâm nguy
Lạc đà hoang tuy nhỏ con hơn, nhưng về ngoại hình không khác biệt so với lạc đà 2 bướu nên trước đây người ta không đánh giá đúng mức sự quý hiếm của lạc đà hoang. Phân tích di truyền học cho thấy lạc đà hoang và lạc đà 2 bướu khác biệt 3 cặp gien, là 2 loài riêng biệt đã “đường ai nấy đi” hàng vạn năm trước, nhưng không hình thành cách ly sinh dục.
Những con lạc đà hoang đực khi động dục đôi khi lẻn vào giao phối với lạc đà nhà, lạc đà con lai sinh ra không thể thuần hóa được, nhất định sẽ chạy theo “tiếng gọi nơi hoang dã”. Những con lạc đà hoang lai tạp như vây làm rối loạn “kho gien”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự thuần nhất của bầy đàn.
Khả năng tái tạo của chuỗi thực vật sơ cấp vùng Gobi là rất thấp, chỉ có thể duy trì được đàn lạc đà hoang ở quy mô hiện tại, muốn phát triển lên là vượt ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái. Trên thế giới chỉ có sở thú Bắc Kinh và Urumxi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương Trung Quốc, là có trưng bày lạc đà hoang. Sinh sản nhân tạo lạc đà hoang cũng chưa thành công.
Hiện nay, Trung Quốc đã phối hợp với Mông Cổ xây dựng Khu bảo tồn Thiên nhiên lạc đà hoang Lop Nor, cấm ngặt người đi săn cũng như du khách quấy nhiễu để bảo tồn loài vật quý hiếm này. Hình sau đây là cột mốc phía Đông khu bảo tồn.
Diện tích khu bảo tồn quá lớn, Trung Quốc đã dùng hệ thống định vị vệ tinh HP1 để theo dõi đàn lạc đà hoang. Thông qua phân tích hình ảnh, các nhà khoa phát hiện lạc đà hoang chỉ còn 900 con, mỗi ngày chúng di chuyển vài trăm cây số chỉ vì tìm nguồn nước nên khu bảo tồn đã nhắm vào vấn đề quy hoạch và bảo vệ nguồn nước. Bảo tồn lạc đà hoang còn tốn kém và khó khăn hơn bảo tồn gấu trúc!
- Xem thêm: Tiến vào Sahara