Nếu cảm xúc cũng là tài sản thì họa sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo thật giàu có. Trở thành họa sĩ vì yêu cái đẹp, trở thành nhà hoạt động xã hội vì không chịu nhân nhượng với cái xấu, những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ này luôn mạnh mẽ, đôi lúc khiến bản thân Phương Thảo cũng rơi vào mất cân bằng.
Nhưng đó là lựa chọn của một người luôn sống như mình muốn, luôn hành động đúng với mức năng lượng dồi dào mà tạo hóa ban cho.
Ở tuổi đa số phụ nữ vun vén gia đình, chị dành hầu hết thời gian, sức lực cho những nạn nhân của mạng lưới buôn người.
Bước vào tuổi 60, khi hầu hết phụ nữ Việt Nam lo chăm đến cháu, chị lại tiếp tục yêu và kết hôn! Cuộc sống lại là chuỗi ngày cùng người đàn ông của mình vẽ tranh, trồng hoa, đọc sách…
Trong những ngày dư luận xã hội Việt Nam đầy bất bình, xoay quanh thực tế an toàn cho phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái luôn bị đe dọa nghiêm trọng, Nguyễn Thị Phương Thảo đã chia sẻ một số câu chuyện trong những năm chị làm việc cho tổ chức Vòng tay Thái Bình có nhiều chương trình phòng chống mua bán người.
“Mọi người thường nghĩ rằng nạn nhân buôn người thường là phụ nữ, trẻ em ít học vùng sâu vùng xa, vùng cao hẻo lánh nhưng thực tế, nạn buôn người xảy ra ở tất cả mọi tỉnh thành, xảy đến với nhiều đối tượng, chỉ là nơi ít nơi nhiều. Nạn nhân mà chúng tôi từng tiếp xúc có cả nữ phóng viên trẻ, cô giáo mầm non sắp làm mẹ và đang tưởng mình chuẩn bị được làm cô dâu”.
____
Vòng tay Thái Bình (VTTB) là một trong những tổ chức phi chính phủ hoạt động lâu năm nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực chống buôn người. Sau nhiều năm gắn bó với tổ chức này, chị cảm thấy thế nào khi quyết định khép lại quãng thời gian hầu như dành toàn bộ cuộc sống cho lý tưởng nhân đạo?
Những ngày tháng mới rời khỏi VTTB là một trong những quãng thời gian khó khăn nhất trong đời tôi. Sau sáu năm đảm nhiệm vai trò điều phối viên chương trình tái hòa nhập, rồi tiếp tục giữ vị trí quản lý chương trình trong quãng thời gian không ngắn, cảm giác gắn bó trong tôi rất lớn.
Tôi gần như bị trầm cảm vì nhớ công việc, nhớ các cộng sự, nhớ các em gái ở nhà Nhân Ái do mình phụ trách. Tôi phải thử nhiều cách để vượt qua cơn khủng hoảng này, trong đó có việc tham gia vào một nhóm chuyên đạp xe đường trường.
Đạp xe đạp đường xa là cách giúp tôi nguôi dần nỗi buồn nhớ, có ngày tôi đạp đến cả trăm cây số để hướng toàn bộ tâm trí, sức lực vào những vòng quay bánh xe. Như vậy cơn trầm cảm mới không còn cơ hội nhấn chìm mình…
____
Nếu rời bỏ công việc khiến chị khủng hoảng như thế, tại sao chị vẫn quyết định rẽ sang hướng khác?
Vì nếu tiếp tục ở lại, tôi sẽ còn khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Hơn 300 em gái thoát khỏi bọn buôn người về ở trong hai nhà Nhân Ái tại An Giang và Lào Cai của VTTB là hơn 300 bi kịch đau lòng. Riêng tôi đã lắng nghe câu chuyện của hơn 200 em.
Sau khi tiếp xúc với hàng chục, rồi hàng trăm cuộc đời bi kịch, nếu cảm xúc của một người làm hoạt động xã hội không bị chai sạn thì chắc chắn người đó sẽ bị ám ảnh ngày càng nặng bởi các câu chuyện đau buồn.
Những tháng cuối cùng ở VTTB, tôi biết nếu tiếp tục có lẽ mình sẽ phát điên, vì không còn chịu thêm được nữa. Đã đến lúc tôi nên rời đi để những người mới thay mình, tiếp tục công việc không biết bao giờ mới kết thúc này…
____
Nhưng nhìn thấy kết quả những gì mình đã làm tại VTTB sẽ là niềm vui để cân bằng lại cuộc sống hôm nay phải không chị?
Đúng là như vậy. Trong số các cô gái từng được học nghề trong thời gian ở nhà Nhân Ái, hiện nay nhiều em đã có việc làm tốt, một số em lập gia đình và sống hạnh phúc, có em ở vùng Tây Bắc còn kết hôn với con trai gia đình quan chức.
Rất nhiều em vẫn giữ quan hệ thân thiết với tôi. Có em thậm chí còn nài nỉ: “Cô có tuổi rồi nên nghỉ ngơi đi. Con có việc làm nhưng không lập gia đình nên con sẽ nuôi cô”. Mỗi lần dự lễ tốt nghiệp, lễ cưới… của các em gái từng có quá khứ đau lòng, tôi rất hạnh phúc và cả tự hào nữa.
Nhưng dù nhìn thấy thành quả là vậy, áp lực của người làm công việc tình nguyện vẫn quá lớn. Chúng tôi luôn có bốn áp lực phải đối mặt: Thứ nhất là đối với các tổ chức buôn người, thứ nhì là nạn nhân, rồi gia đình nạn nhân và cuối cùng là chính quyền địa phương.
Với thực trạng nạn buôn người không giảm mà có phần gia tăng ở Việt Nam, áp lực cảm xúc với cá nhân tôi cũng ngày càng lớn.
“Lòng tốt phải đi cùng với lý trí. Giúp người phải đi cùng với sự thấu hiểu về nguyên nhân gây ra vấn đề của họ. Đừng giúp tiền bạc vật chất cho ai đó khi sự hỗ trợ khiến người ta ỷ lại. Làm người khác mất động lực làm việc hay cố gắng học hành chính là làm hại họ”.
____
Bất chấp nỗ lực của chính quyền và các tổ chức xã hội, nạn buôn người ở Việt Nam vẫn không giảm sao, thưa chị?
Theo nhận định cá nhân tôi là không giảm. Khi việc đi lại giữa các quốc gia càng thuận tiện, sự tiếp cận giữa người với người ngày càng dễ dàng nhờ mạng xã hội thì cơ hội cho bọn buôn người ngày càng tăng.
Tốc độ nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức cho các đối tượng dễ trở thành nạn nhân đang không theo kịp tốc độ phát triển của các phương tiện đẩy họ ra xã hội.
Mọi người thường nghĩ rằng nạn nhân buôn người thường là phụ nữ, trẻ em ít học vùng sâu vùng xa, vùng cao hẻo lánh nhưng thực tế, nạn buôn người xảy ra ở tất cả mọi tỉnh thành, xảy đến với nhiều đối tượng, chỉ là nơi ít nơi nhiều.
Nạn nhân mà chúng tôi từng tiếp xúc có cả nữ phóng viên trẻ, cô giáo mầm non sắp làm mẹ và đang tưởng mình chuẩn bị được làm cô dâu. Tội phạm buôn người ngày càng tinh vi, khôn khéo, không ít người có học vẫn bị chúng lừa đảo.
Tại một khu công nghiệp ở miền Tây, đã có trường hợp 6, 7 nữ công nhân bị bắt cóc một lúc khi cùng nhau đi gặp “người bạn mới quen”.
Nghĩa là các cô gái trẻ này đã nghe về nạn buôn người và tự bảo vệ bằng cách rủ nhiều bạn bè khi có bạn mới muốn gặp gỡ. Tuy nhiên bọn buôn người giờ táo tợn đến mức dám bắt cả nhóm đông.
Các cô gái này bị đưa sang Campuchia phục vụ cho các động mãi dâm. Những cô có nhan sắc bị bắt tiếp khách, còn cô gái kém nhan sắc nhất bị cắt gân chân để cảnh cáo những ai có ý định bỏ trốn.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, có đến hơn 60% tội phạm buôn trong đường dây buôn người từng là nạn nhân của các đường dây này.
Lý do rất đơn giản: Khi đã tả tơi và được các tổ chức tội ác thả về, họ cũng chẳng biết sẽ tiếp tục kiếm sống bằng cách nào. Thế nên để có được một số tiền cho việc lừa đảo thêm nạn nhân mới, họ sẽ không mấy đắn đo.
Nếu việc giúp đỡ các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng không làm tốt, nạn buôn người sẽ khó giảm. Đừng để nạn nhân khi trở về không còn lựa chọn nào khác là phải tiếp tay với những kẻ từng hại mình.
____
Sau nhiều năm làm việc với tổ chức nhân đạo quốc tế, chị rút ra được điều gì?
Đó là lòng tốt phải đi cùng với lý trí. Giúp người phải đi cùng với sự thấu hiểu về nguyên nhân gây ra vấn đề của họ. Đừng giúp tiền bạc vật chất cho ai đó khi sự hỗ trợ khiến người ta ỷ lại.
Làm người khác mất động lực làm việc hay cố gắng học hành chính là làm hại họ. Tôi cho rằng làm thiện nguyện cũng cần sự chuyên nghiệp, không nên hời hợt. Chuyên nghiệp ở đây không có nghĩa là không còn cảm xúc, mà là không để cảm xúc chi phối hành động.
Người Việt mình đa số làm từ thiện còn theo cảm tính, để sự thương xót hoặc phẫn nộ lấn át sự suy xét. Cho ai đó con cá là chuyện rất dễ làm, còn cho họ cần câu và hướng dẫn cách câu sẽ đòi hỏi cả lòng nhân ái lẫn sự kiên nhẫn, sự hiểu biết.
Tất nhiên trong những trường hợp quá cấp bách chúng tôi vẫn hỗ trợ tiền và vật chất. Còn trong tất cả các trường hợp, VTTB luôn cố gắng mở rộng nhận thức cho họ từng chút một. Phải nói là việc này rất cần sự kiên nhẫn.
Có gia đình khi chúng tôi tìm đến, mặc dù quanh nhà của họ cũng có thẻo đất nhỏ nhưng đàn con chỉ ăn cơm với chút cá khô chứ không có rau củ gì. Tôi phải giảng giải ăn rau cần thiết thế nào, hướng dẫn cho họ cách trồng rau ra sao.
Đi về các vùng sâu, dân trí thấp hơn nhiều so với chúng tôi có thể tưởng tượng. Nhiều gia đình gần như không bao giờ nghĩ ra phải làm gì đó để cải thiện chất lượng bữa ăn. Ngay cả việc đơn giản như ra vườn trồng vài luống rau.
Trẻ em lớn lên trong các gia đình này cực kỳ thiếu kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân. Ai nói gì họ cũng tin. Chỉ cần một lời hứa lên thành phố có việc làm tốt là nhiều gia đình sẵn sàng cho con đi theo người lạ.
Có một gia đình ở An Giang có con gái bị rơi vào tay bọn buôn người. Em gái này sau đó may mắn được giải cứu và được đưa vào mái ấm của chúng tôi. Khi trở về nhà chưa bao lâu, em lại theo một người lạ lên thành phố để tìm việc làm.
Lúc chúng tôi tìm đến gia đình và hỏi tại sao lại cho con đi theo người lạ lần nữa, họ hồn nhiên chỉ tay vào khạp gạo đã trống rỗng.
Không ít bậc cha mẹ ít học ở miền Tây có suy nghĩ rằng con gái lớn sinh ra để lo cho gia đình. Họ không nghĩ nhiều đến các rủi ro rình rập ở ngoài xã hội.
“Ở các nước phương Tây tôi từng sống, nạn buôn người cũng luôn tồn tại và bọn tội phạm cũng rất tinh vi, tuy nhiên luật pháp trừng trị tội phạm loại này rất nghiêm khắc. Phải nghiêm trị và coi trọng nỗi đau mất mát của nạn nhân mới mong diệt được nạn buôn người”.
____
Đã từng có nhiều năm sống ở Hungary, Pháp, Mỹ trước và trong khi tham gia tổ chức chống buôn người, chị nghĩ điều gì là quan trọng nhất để hạn chế các tội ác đối với phụ nữ, đặc biệt là các trẻ em gái?
Đó là luật pháp phải chặt chẽ, chi tiết và thật sự nghiêm minh! Ở các nước phương Tây tôi từng sống, nạn buôn người cũng luôn tồn tại và bọn tội phạm cũng rất tinh vi, tuy nhiên luật pháp trừng trị tội phạm loại này rất nghiêm khắc. Phải nghiêm trị và coi trọng nỗi đau mất mát của nạn nhân mới mong diệt được nạn buôn người.
____
Năm năm trở lại đây chị được biết đến nhiều với vai trò tập huấn các lớp “Múa giải tỏa cảm xúc” – chị có thể nói thêm về một khái niệm còn rất mới mẻ ở Việt Nam?
Cũng như vẽ hay chơi đàn, nhảy múa là một trong những cách có thể giúp bản thân mỗi người vượt qua trạng thái tâm lý tiêu cực.
Cũng từ công việc ở VTTB mà tôi được tham gia các khóa huấn luyện Dance Theraphy (Múa trị liệu) của Creative Dance Center tại bang Arizona, Mỹ trong các mùa hè từ 2013 đến 2015. Đời sống càng hiện đại, đa số con người càng chịu nhiều áp lực.
Thông qua chuyển động của cơ thể – âm thanh tự tạo hay từ các vật dụng xung quanh, múa giải tỏa cảm xúc sẽ giúp người múa thả trôi tất cả tiêu cực để trở nên thoải mái và một tinh thần tốt hơn, mang đến nhiều cảm giác tích cực.
Cũng như các lớp vẽ tôi từng tổ chức, các lớp múa này cũng được đón nhận rất tốt ở Việt Nam. Chắc chắn với thực trạng xã hội như hiện nay, nhu cầu giải tỏa cảm xúc thông qua các hoạt động văn thể mỹ đúng nghĩa sẽ ngày càng lớn.
____
Tạm dừng các công việc xã hội – ở vào độ tuổi mà đa số phụ nữ Việt Nam không còn nghĩ đến tình yêu, có phải chị lại sắp bắt đầu một cuộc sống mới với một nhân duyên mới?
Đúng là khi đang muốn nghỉ ngơi thì tôi có người ngỏ lời: “Về Paris sống với anh em nhé! Mình sẽ cùng vẽ tranh, cùng trồng hoa ngắm hoa…” – anh ấy là họa sĩ Nguyễn Cầm. Điều vui nhất là cậu con trai 38 tuổi của tôi khi biết mẹ sắp kết hôn mới… quyết định kết hôn, dù trước đó đã có bạn gái khá lâu (cười).
____
Xin cảm ơn chị!