Khi người dân Trung Quốc lên tiếng
Mẫu hộ chiếu của Trung Quốc in hình đường lưỡi bò không chỉ gây phản ứng trong dư luận khu vực và thế giới, mà còn trở thành tâm điểm tranh luận trên chính các diễn đàn trực tuyến của nước này.
Mạng Thanh niên Bắc Kinh dẫn lời một người dân Trung Quốc đang làm việc ở một nước thành viên ASEAN cho biết ba người bạn của anh đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xin thị thực xuất nhập cảnh vào nước khác.
Tương tự, một cư dân mạng Trung Quốc có biệt danh David cũng than thở trên trang mạng Weibo rằng chỉ vì tấm hộ chiếu mới mà anh ta đã gặp nhiều phiền toái khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Một vài học giả Trung Quốc cũng bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc in hình đường lưỡi bò trên hộ chiếu.
Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng việc in yêu sách chủ quyền trên hộ chiếu muốn “chứng minh chủ quyền quốc gia” nhưng cũng có thể làm cho vấn đề “vốn đã rắc rối lại càng phức tạp thêm”.
Hoa Kỳ: Hộ chiếu “vô bổ” của Trung Quốc gây căng thẳng
Dư luận cũng quan tâm đến thái độ của Mỹ khi Bộ Ngoại giao nước này cho rằng hộ chiếu mới có in tấm bản đồ “vô bổ” ấy đã gây ra căng thẳng và lo ngại giữa các nước ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định những hộ chiếu mới không “giúp ích cho môi trường mà tất cả chúng ta tìm kiếm nhằm giải quyết những vấn đề này”.
Bà Nuland cho biết Mỹ sẽ chấp nhận hộ chiếu mới của Trung Quốc là giấy thông hành hợp lệ, do các nước được quyền “quyết định hình thức của hộ chiếu của họ, miễn là chúng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc Trung Quốc in bản đồ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trên hộ chiếu không làm thay đổi quan điểm của Hoa Kỳ đối với cuộc tranh chấp này, rằng vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nên được đàm phán giữa các nước có liên quan, giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của báo chí rằng việc hải quan Hoa Kỳ đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình bản đồ có đồng nghĩa với việc Mỹ chấp nhận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh hay không, bà Nuland khẳng định: “Đó không phải là sự công nhận”. Bà nói thêm: “Chúng ta đều biết rõ là tấm bản đồ đi lạc đường mà Trung Quốc đưa vào hộ chiếu của họ không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế”.
Dư luận quốc tế phê phán Trung Quốc
Nhật báo Anh Financial Times cho rằng các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc không thể chấp nhận trước việc các viên chức ngoại giao và cửa khẩu của họ bị buộc phải mặc nhiên công nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, mỗi khi cấp visa hay đóng dấu xuất nhập cảnh trên hộ chiếu của một công dân Trung Quốc.
Hãng AFP ngày 22-11 cũng dẫn lời ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho rằng: “Nếu để yên cho Trung Quốc làm như vậy, điều đó có nghĩa là chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc trên toàn bộ vùng Biển Đông”.
Bên cạnh các hành vi cụ thể thô bạo như tung các đội tàu cá hùng hậu ra đánh bắt tại các vùng ở Biển Đông đang tranh chấp, chặn bắt hay xua đuổi ngư dân các nước khác đến hoạt động tại các nơi mà họ cho là thuộc chủ quyền của mình, mời thầu dầu khí quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì đây lại thêm một thủ đoạn khác của Trung Quốc.
Báo Độc lập (Nga) ngày 26-11 nhận định rằng qua việc cấp cho công dân hộ chiếu có in bản đồ hình lưỡi bò, Trung Quốc đã nổ thêm một phát súng vào bầu không khí vốn đang căng thẳng liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Một chuyên gia nổi tiếng với các nhận định đầy thuyết phục liên quan đến tranh chấp Biển Đông, giáo sư Carlyle A. Thayer – thuộc Học viện Quốc phòng Australia – khẳng định, việc Trung Quốc sử dụng hộ chiếu lưỡi bò là hành động khiêu khích, bởi chưa quốc gia nào có tiền lệ in bản đồ có vùng đang tranh chấp vào hộ chiếu của mình.
Theo ông Thayer, đây là hành động gây áp lực, gây căng thẳng và lấn tới, giống như chiến tranh tâm lý. Điều này không phải ngẫu nhiên xảy ra. Chủ trương in đường lưỡi bò đã được chuẩn bị từ lâu và bằng tất cả những hành động này, Trung Quốc muốn biến yêu sách của mình thành hiện thực.
Tuy nhiên, cũng như nhiều học giả khác, ông Thayer khẳng định, việc Trung Quốc in hình đường lưỡi bò lên hộ chiếu cũng không thể hợp pháp hóa yêu sách phi lý của họ. Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được một lời giải thích rõ ràng nào về đường lưỡi bò, sau khi lần đầu tiên đệ trình lên Liên Hiệp Quốc văn bản đính kèm bản đồ đường chín đoạn năm 2009.
Trong khi đó, Tổng thư ký ASEAN sắp mãn nhiệm Surin Pitsuwan cảnh báo, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có nguy cơ trở thành vấn đề “Palestine của châu Á”, diễn biến xấu đi thành xung đột bạo lực, gây chia rẽ các nước và gây bất ổn toàn bộ khu vực.
Đối mặt trước sự phản đối của nhiều nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cố gắng hạ nhiệt vấn đề khi cho rằng bản đồ trong hộ chiếu “không nhằm vào một nước cụ thể nào”.
Nguyễn Nam tổng hợp