Bạn đã kết hôn và nhiều năm trôi qua. Bạn và người bạn đời ngày càng tranh cãi nhiều hơn. Không hẳn là bạn không hạnh phúc, nhưng bạn không thực sự hạnh phúc.
Mọi việc dường như vẫn ổn, nhưng thiếu vắng sự sâu sắc, phong phú và lửa nhiệt tình trong mối quan hệ của các bạn. Câu chuyện thường gặp này dường như có lẽ là một điều hiển nhiên, nhưng không hẳn là thế. Các cuộc nghiên cứu cho thấy tình yêu lãng mạn có thể tồn tại dài lâu. Bạn có thể “chiến thắng số mệnh”.
Có một “bí quyết” đã được nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm qua khảo sát và nó thật sự không phức tạp, thậm chí đó là niềm vui. Tất cả những gì mà bạn phải làm là nghĩ về mối quan hệ giống như một tài khoản ngân hàng – một dạng “tín dụng” được bồi đắp bằng cách gửi vào sự tích cực, sẽ giữ cho cuộc hôn nhân của bạn khỏi “phá sản”.
Trước khi tìm hiểu lý do vì sao bạn nên xem quan hệ hôn nhân giống như tài khoản ngân hàng, hãy cùng điểm qua những lầm tưởng về hôn nhân mà nhiều người mắc phải.
Những lầm tưởng phổ biến
Những cặp đôi hạnh phúc không cãi nhau? Sự thật là “Họ có thể cãi nhau, ít hoặc nhiều và vẫn hạnh phúc”.
Tiến sĩ John Gottman là người đã dành 16 năm nghiên cứu về những nguyên do làm cho các cuộc hôn nhân hạnh phúc và thất bại tại “phòng thí nghiệm tình yêu” của ông ở Trường Đại học Washington. Ông nổi tiếng với khả năng đoán chính xác 90% rằng liệu một cặp nào đó sẽ ly dị hay không chỉ bằng cách nhìn họ tương tác với nhau trong 15 phút.
- Xem thêm: Tài khoản tình cảm của cặp đôi hạnh phúc
Theo Gottman, những cặp đôi hạnh phúc không nhất thiết ít mâu thuẫn, ít cãi vã hơn so với các cặp không hạnh phúc. Một số đôi thật sự hiếm khi cãi nhau, và nếu có, họ ít ầm ĩ. Nhưng các đôi khác thường xuyên mâu thuẫn, ồn ào và giận dữ; họ cũng cãi nhau về những chuyện như tiền, con cái và tình cảm, v.v… Tuy nhiên, quan hệ của họ vẫn phát triển tốt đẹp.
Giao tiếp tốt và giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực là chìa khóa của một cuộc hôn nhân hạnh phúc? Sự thật thì một đôi vợ chồng không giỏi giải quyết mâu thuẫn vẫn có thể hạnh phúc.
Nếu có thể thảo luận mọi thứ một cách bình tĩnh thì sẽ dễ chịu hơn. Nhưng theo khảo sát của Gottman, nhiều cặp không theo bất cứ nguyên tắc giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn nào – họ mất bình tĩnh, không “lắng nghe chủ động” – nhưng dù sao thì họ vẫn hạnh phúc.
Hôn nhân không hạnh phúc là do các cặp vợ chồng dành cho nhau những mong đợi không thực tế? Sự thật thì mong đợi nhiều là điều tốt cho hôn nhân.
Tiến sĩ Donald Baucom của Đại học North Carolina (Mỹ) là người bác bỏ ý tưởng rằng bạn nên hạ thấp mong đợi đối với người bạn đời để giảm bớt tranh cãi và ít cảm thấy thất vọng hơn. Qua nghiên cứu, Baucom thấy rằng những người mong đợi nhiều nhất với hôn nhân của họ thường có được cuộc sống hôn nhân mỹ mãn nhất. Điều này ngụ ý rằng một khi bạn đặt ra tiêu chuẩn cao cho mối quan hệ, bạn sẽ có khả năng nhiều hơn để đạt được chất lượng cuộc sống hôn nhân mà bạn mong muốn thay vì để cho mọi thứ trượt dài.
Vậy, đâu là bí quyết của một cuộc hôn nhân thành công?
Gần 70% những mâu thuẫn trong hôn nhân là kéo dài và không thể giải quyết – chúng cứ tiếp diễn trong cả cuộc đời của một đôi vợ chồng. Những cặp vợ chồng cứ đối đầu nhau vì cùng những chuyện nào đó, năm này sang năm nọ.
Nếu bạn tin rằng giải quyết mâu thuẫn là chìa khóa của một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì… khá là vô vọng. Nó cũng có nghĩa là hầu như không có cuộc hôn nhân nào có thể hạnh phúc.
Thật sự thì mọi chuyện vẫn ổn nếu như các khía cạnh tích cực được cân bằng. Tiến sĩ Gottman đã định ra “công thức cân bằng” để một cuộc hôn nhân có thể giữ được ổn định và hạnh phúc. Theo ông, một đôi vợ chồng cần có lượng tương tác tích cực lớn hơn gấp năm lần so với tương tác tiêu cực. Vậy, hôn nhân hạnh phúc không có nghĩa là không có mâu thuẫn, mà sự tích cực sẽ thắng thế so với tiêu cực.
Nếu xem sự cân bằng này là một dạng tài khoản ngân hàng và nếu tài khoản của một mối quan hệ cứ liên tục xuống thấp (do tương tác tiêu cực nhiều hơn tích cực) và mỗi lần xảy ra mâu thuẫn sẽ đưa trạng thái cân bằng đến gần hơn với số không, hay thậm chí tiến tới tình trạng “thấu chi”. Như thế, mỗi cuộc cãi vã sẽ trở nên nặng nề – giống như mối quan hệ đang tiến tới bờ vực “phá sản” – một sự đổ vỡ hay ly dị.
- Xem thêm: Hôn nhân đem lại cuộc sống tốt nhất
“Một tài khoản dư dả” sẽ dẫn đến những nỗ lực hàn gắn thường xuyên, nhanh chóng và sẽ làm cho cuộc hôn nhân vững vàng hơn. “Nỗ lực hàn gắn” là những dấu hiệu nhỏ thể hiện qua cử chỉ hoặc lời nói – một nụ cười, một lời xin lỗi… để phá vỡ tình trạng căng thẳng và giữ cho mâu thuẫn trong tầm kiểm soát. Nhà “giàu” thì phía đồng chủ nhà đang nhận dấu hiệu muốn được hàn gắn cũng dễ tiếp nhận thiện chí hơn.
Giữ cho tài khoản được dồi dào không chỉ giúp rút ngắn các cuộc tranh cãi, mà còn bảo đảm là chúng sẽ kết thúc nhanh và có ít tác hại lâu dài. Các cặp đôi “chủ tài khoản” này có thể tranh chấp nhưng vẫn còn lại nhiều sự tích cực, còn tình yêu, sự ngưỡng mộ và sự thương mến dành cho nhau; họ cãi nhau nhưng vẫn còn thích nhau nhiều.
Nếu xem quan hệ là một tài khoản thì bạn không phải giải quyết tất cả các mâu thuẫn, thay vào đó, bạn sẽ học cách chấp nhận lỗi lầm của bạn đời. Thật ra, phần lớn các mâu thuẫn cũng không thể giải quyết ngay được. Mọi người hiếm khi thay đổi; dù họ có thể cải thiện chút ít cách kiểm soát những lỗi lầm của họ. Các bạn nên cùng nhau học cách thích ứng với những chuyện này, và vấn đề là cái gì đã ở đó từ khi mới bắt đầu cuộc hôn nhân cũng sẽ còn đó cho tới nhiều năm sau.
Khi bạn nhìn quan hệ hôn nhân giống như một tài khoản, thay vì cố tìm cách sửa sai, bạn sẽ củng cố những gì đang ổn, để những điều tích cực sẽ lấn át sự tiêu cực, làm giảm đi tính quan trọng và ảnh hưởng của chúng đối với tình yêu và hạnh phúc của bạn.
Và cách mà các bạn đối đãi với nhau trong những lúc êm đẹp giống như một dạng “chính sách bảo hiểm”, giúp bạn có thể ngăn ngừa sớm những cơn bão lúc thời tiết xấu.