Không thể phủ nhận những lợi ích mà Internet mang lại nhưng việc sử dụng Internet không an toàn cũng gây ra những tác đông tiêu cực, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng Công nghệ thông tin mà không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Tại sự kiện “Chào mừng An toàn Internet quốc tế 2018: Sử dụng Internet thông minh và an toàn để bảo vệ trẻ em (S_NET)” do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm Công nghệ Thông tin – Truyền thông Vietnet ICT (Vietnet – ICT) tổ chức ngày 2/2/2018, ông Nguyễn Minh Đức – Đại diện Trung tâm Vietnet ICT cho rằng, nhận thức An toàn thông tin của công dân Việt Nam (dù có sự khác biệt ở từng phân khúc) có sự thiếu hụt lớn thể hiện ở nhiều hiện tượng phổ biến trong hàng chục năm qua.
Chẳng hạn như kỹ năng ATTT chưa được chú trọng từ khâu đào tạo trong nhà trường và trong môi trường công việc; Khả năng tự bảo vệ của công dân trước hiểm họa mạng (dù là mức đơn giản) không cao, dễ dàng bị tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển; Thói quen sử dụng phần mềm không bản quyền; Không sử dụng phần mềm phòng chống virus (AV) hoặc có sử dụng nhưng không cập nhật, thích dùng bản miễn phí; Cắm USB bừa bãi làm tăng khả năng lây nhiễm mã độc và thất thoát thông tin…
Theo thống kê của DAMMIO – We are social (Anh) trong một khảo sát tình hình sử dụng Internet ở khu vực Đông Nam Á, tính đến tháng 1 năm 2017, Việt Nam có 50,05 triệu người dùng Internet chiếm 53% dân số, tăng 6% so với năm 2016. Số người dùng Internet được xem là ở mức cao trên thế giới, tuy nhiên tỉ lệ người dùng vẫn ở mức trung bình. Việt Nam có đến 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số.
Báo cáo hàng năm của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc về tình hình trẻ em thế giới năm 2017 cho biết, mặc dù hiện nay có rất nhiều trẻ em sử dụng inernet, cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có 1 người là trẻ em, nhưng hành động để bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro của thế giới kỹ thuật số và tăng khả năng truy cập nội dung trực tuyến an toàn lại rất ít.
Đa phần trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Cũng có ý kiến cho rằng, hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng CNTT, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Theo khảo sát về các sáng kiến thúc đẩy an toàn mạng của Vietnet ICT cũng chỉ rõ, hầu hết các sáng kiến mới chỉ tập trung vào các kỹ thuật an ninh mạng chứ chưa nhiều sáng kiến liên quan đến điều chỉnh hành vi của trẻ em khi sử dụng mạng.
Có thể nói, bên cạnh những lợi ích thiết thực không thể phủ nhận mà Internet mang lại, Internet và việc sử dụng Internet không an toàn cũng gây ra những tác động tiêu cực. Internet làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai, xâm phạm thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại và bắt nạt trực tuyến… Và các mạng kỹ thuật số như các trang web đen tạo điều kiện cho các hình thức bóc lột và lạm dụng, bao gồm nạn buôn người và lạm dụng tình dục trẻ em “theo đơn đặt hàng”.
Do đó việc trang bị kế thức, kỹ năng cho cả trẻ em và người lớn về an toàn mạng vô cùng quan trọng, không chỉ là những kỹ thuật sử dụng công nghệ, mà còn là những hành vi ứng xử an toàn và thông minh trong cách mối quan hệ “ảo”. Việc các bên liên quan như nhà nước, gia đình, nhà trường, các doanh nghiệp, truyền thông, các tổ chức xã hội… chúng ta có thể làm là đồng hành và hướng dẫn trẻ em biết cách sử dụng internet thông minh và an toàn. Chúng ta có rất nhiều lý thuyết, các nguyên tắc, nhưng việc thực hành mới là quan trọng nhất, bà Nguyễn Phương Linh, Quyền viện trưởng Viện MSD nhận định.
- Theo XHTT