Sau thời gian dài điều trị bệnh lao phổi, nam nghệ sĩ trẻ Hưởng Truyền (nghệ danh Thanh Long) chính thức tái ngộ khán giả qua đêm diễn đầy cung bậc cảm xúc “Thanh Long, nghề nối nghề”.
Người Đô Thị đã có buổi trò chuyện với nghệ sĩ Thanh Long sau đêm thăng hoa với nghệ thuật cải lương tuồng cổ.
____
Chúc mừng Thanh Long đã có đêm diễn tuyệt vời. Được biết, trong suất diễn có chi tiết Thanh Long bệnh lao phổi về quê chữa bệnh, vậy điều đó có thật không hay chỉ là chi tiết tăng thêm kịch tính cho vở diễn? Cảm xúc của anh như thế nào khi phải đối diện những ngày chữa trị và quay trở lại sân khấu vẫn được khán giả đón nhận?
Đầu tiên cho phép Long được cám ơn quý báo vì đã đến xem cũng như quan tâm đến chương trình Thanh Long – Nghề nối nghề. Các câu chuyện kịch trong vở là lấy chất liệu thực tế từ cuộc đời của Long. Thời điểm đó tôi về quê và cứ nghĩ là sẽ bỏ nghề. Bởi chọn theo nghiệp cầm ca mà bị bệnh liên quan về phổi thật sự là áp lực cực kì lớn và cũng là cú sốc đối với mình.
Long lãnh thuốc lao phổi uống 8 tháng liên tục. Đó có lẽ là thời kỳ ám ảnh nhất của một người nghệ sĩ trẻ như Long. Sống nhờ vào cái phổi. Mà phát hiện ra lao phổi, Long suy sụp và khóc rất nhiều rồi tự nghĩ: Hình như số phận đang trêu đùa mình. Lúc đó bản thân mình còn có 59kg, nhìn ốm nhom.
Nhưng rồi bản thân mình nhận ra: Không thể buông xuôi được, mình phải cố gắng chiến đấu để sức khỏe được cải thiện! Chắc cái duyên với nghề còn nên thôi thúc mình phải khỏe. Long hay tâm niệm người chọn nghề nhưng nghiệp chọn người. Nghiệp cải lương mình còn nên cái duyên đưa đến và vẫn níu giữ đến bây giờ. Được thầy gọi về đoàn hát. Dù hơi của mình không còn được như ngày xưa nhưng thầy cô, các anh chị thương và vẫn hỗ trợ mình rất nhiều. Nên thầy của Long cũng đo ni đóng giày cho những vai thể hiện diễn xuất và nội tâm nhân vật nhiều hơn. Nhờ như thế như để bù qua sớt lại, cho bản thân mình thêm động lực nhiều hơn.
10 năm làm nghề, không giàu kinh tế nhưng giàu tình cảm của mọi người
____
Nhiều người nhận định tuồng cổ dần mai một bởi những lần đầu tư chi phí nhiều hơn, tốn kém tiền bạc công sức, kỳ công hơn. Vậy tại sao anh lại chọn làm lại các trích đoạn, các vở tuồng đầy công phu từ đội ngũ nhân vật? Anh có thấy mình liều lĩnh?
(Cười). Hồi đi theo học về nghệ thuật sân khấu cải lương, Long mê lắm. Cái thuở còn là một đứa trẻ đã mê sân khấu rồi. Nên Long cũng tìm hiểu kỹ về nghệ thuật tuồng cổ. Được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn Nôm đã có thời kỳ phát triển cực thịnh vào thế kỷ 17-18.
Cuối thế kỷ 18, tuồng cổ đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Đến nửa sau thế kỷ 19, nghệ thuật tuồng có những biến đổi quan trọng, ba dòng tuồng (cung đình, sĩ phu yêu nước, dân gian) đã cùng song song phát triển và tồn tại, đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử.
Cũng như các bậc thầy, tiền bối, cô thầy, anh chị nghệ sĩ… với tinh thần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, giữ gìn tinh hóa vốn cổ của ông cha, đặc biệt là với môn nghệ thuật truyền thống tuồng cổ này nếu sợ thì ngay từ đầu Long đã không chọn gắn bó đến hôm nay. Nếu ai cũng sợ cực, thấy phiền thì ai sẽ làm. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, dễ kiếm ra tiền thì gian khổ sẽ dành phần ai. Bản thân mình luôn tâm niệm như thế.
Là hậu duệ, là lớp nghệ sĩ trẻ chứ Long tự tin lắm à. Long dám nghĩ dám làm và dám liều. Thời điểm dịch bệnh sân khấu ế ẩm mình đi quay MV đầu tư ngoại cảnh chỉn chu và cũng không kém phần hoành tráng qua các tác phẩm: Lời thề quỷ dữ, Quan công điển tích,Thanh Long đoạn nguyệt… Đến lúc sân khấu sáng đèn lại thì mình quay về với cái nôi của mình. Tuy kén khán giả và lỗ về doanh thu, nhưng mình lời được nhiều cái lắm. Lời được tình cảm của những khán giả theo dõi mình suốt 10 năm qua. Lời nhất là vốn kiến thức quý báu và mình được sống, được tỏa sáng hết mình với những đam mê.
____
Anh có nói về hậu duệ tuồng cổ, vậy Thanh Long là hậu duệ đời thứ mấy của đoàn Minh Tơ – Thanh Sơn? Gia đình bạn có ai hoạt động trong nghệ thuật sân khấu?
Rất nhiều người nhầm và nghĩ Thanh Long là con hay cháu của gia tộc Minh Tơ – Thanh Sơn. Tất cả đều không phải. Nhà mình không có ai theo nghệ thuật, chỉ duy nhất Thanh Long thôi đó. Đoàn gốc của thầy là đoàn Minh Tơ. Sau này có nhiều nhánh. Thầy của Thanh Long là con út của nghệ sĩ Minh Tơ ra tự lập đoàn lấy tên là “Hậu duệ tuồng cổ Minh Tơ – Thanh Sơn”. Nên nếu tính ra mình là đời đầu tiên của đoàn hậu duệ. Vì mình là đệ tử ruột của thầy (Cười).
____
Đợt diễn này Thanh Long mời các nghệ sĩ gạo cội cũng khá nhiều. Là nghệ sĩ trẻ, hình như anh rất được ưu ái?
Đó là may mắn mà mình có được, vì mọi người bảo bọc che chở và nâng đỡ rất nhiều. Thầy cô, anh chị yêu thương hết mình hết lòng. Mình luôn biết ơn vì điều đó. Hiển nhiên sẽ không ít khán giả ngạc nhiên khi nhìn trên poster, mọi người sẽ hỏi nhau Thanh Long là ai mà mời được một ekip có tiếng và giỏi: từ nghệ sĩ gạo cội như thầy Thanh Sơn , Chí Bảo… rồi các nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Trinh Trinh, NSƯT Tú Sương, Phương Cẩm Ngọc… và đặc biệt có diễn viên Hồng Thắm, Hồng Trang và anh Hoàng Rapper nữa.
Chương trình lần này cũng là minh chứng cho sự cố gắng trong 10 năm qua của mình. 10 năm làm nghề mình tự hào nói với mọi người rằng Long không giàu kinh tế nhưng Long giàu được tình cảm của mọi người. Long vừa ngỏ lời mời là thầy cô, anh chị nhận lời ngay. Thậm chí mọi người còn bảo Long: Cứ làm hết mình đừng lo về mấy chuyện ngoài lề. Đêm diễn 2.4 vừa qua đối với Thanh Long rất ý nghĩa. Long rất rất hạnh phúc vì mình được bao bọc bởi những tình thương yêu thật sự.
Thời đại đi tới đâu cải lương phải theo kịp tới đó
____
Sao anh lại chọn tách rời đêm diễn thành từng trích đoạn mà không phải là đầy đủ trọn vẹn một tuồng? Việc lồng ghép đan xen yếu tố kịch hài hước cắt ngang những mạch cảm xúc của những trích đoạn tuồng cổ theo anh có nên dùng nhiều cho các đêm diễn sau này?
Bộ môn mình đang theo đuổi là cải lương. Mà cải là cải cách, lương là lương truyền. Có nghĩa là làm mới thể loại âm nhạc dân tộc để qua đây lương truyền tuồng tích, các vấn đề muốn gửi gắm đến khán giả, nhân dân và nhiều thế hệ hôm nay, mai sau.
Thời đại đi tới đâu cải lương phải theo kịp thời đại tới đó. Để không bị bỏ lại và lỗi thời. Việc mình chọn sử dụng trích đoạn vì ngắn gọn cao trào và dễ tiếp cận nhiều tầng lớp khán giả.
Việc đưa yếu tố dẫn chuyện có chút hài vô để không khí buổi diễn nhẹ nhàng. Từ đó, dẫn khán giả theo xuyên suốt mạch của câu chuyện đêm diễn. Cho nên, điều đó để chương trình không đơn thuần là vô sẽ nặng nề từ đầu tới cuối. Nói thật sau này Long còn muốn nghiên cứu đem rap, kịch, nhạc trẻ thậm chí nhạc kịch phương tây vào. Vì cải lương có thể dung nạp được hết mọi loại hình nghệ thuật mà (Cười).
Giáo sư Trần Văn Khê cũng từng cho rằng: “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn” thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản. Nên miễn mình tiếp cận cập nhật mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa nghệ thuật nước nhà thì mình luôn có niềm tin để thực hiện. Hiển nhiên, ý tưởng này của mình, đều được thầy cô và các anh chị ủng hộ.
____
Anh có thể chia sẻ về những dự định sắp tới mà đoàn Thanh Long sẽ tham gia và tiếp tục phát triển cải lương tuồng cổ theo hướng tân thời, mạng xã hội? Về phần mình anh có những ấp ủ nào không?
Thời điểm giãn cách vì đại dịch chúng tôi từng biểu diễn qua zoom cho bên Phụng Hoàng Ban một vở kịch. Khán giả có người thích người không nhưng nhìn chung, mình thấy cần tạo thêm sự lan toả. Vẫn sử dụng nền tảng tiktok và facebook để giới thiệu cải lương cho công chúng chứ việc bán vé online cho mọi người xem cải lương thì mình chưa nghĩ tới. Vì diễn sân khấu đặc thù là sự tương tác giữa khán giả và nghệ sĩ. Không riêng cải lương mà các loại hình nghệ thuật sân khấu khác. Nếu mua vé xem online thì lên youtube xem hoặc xem tivi chứ khán giả sẽ khó mua vé xem trực tiếp từ mạng xã hội.
Thanh Long không dám hứa trước điều gì. Nhưng với một nghệ sĩ trẻ mang trách nhiệm bảo tồn giữ gìn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mình có thể làm được gì thì mình sẽ cố gắng làm. Để cải lương tuồng cổ nhắc đến không chỉ là cái gì đó xa lạ, mà nó phải quay trở lại hòa nhịp cùng các loại hình nghệ thuật đương thời.
Sắp tới thì Long sẽ cố gắng cùng thầy Thanh Sơn và đạo diễn trẻ Thanh An tiếp tục chuỗi tác phẩm nghề nối nghề của đoàn hậu duệ tuồng cổ Minh Tơ – Thanh Sơn. Và Thanh Long cũng đang ấp ủ một kế hoạch hơi hơi lớn đó là biểu diễn cải lương tuồng cổ đặc biệt với nội dung sử Việt để đưa vào các trường.
Không tạo tiếng xấu để nổi tiếng!
____
Anh nghĩ sao về quy định xem diễn sân khấu hiện nay, thời buổi mạng xã hội phát triển thì không phải ai cũng giữ được quy định xem tuồng không livestream, không quay video đăng tải lên các kênh?
Khán giả là người mua vé ủng hộ động viên nghệ sĩ làm nghề mà. Nên mình cũng không thể khắt khe nặng nề với họ quá. Mình luôn phải kêu gọi ý thức cùng nhau tôn trọng buổi xem được diễn ra trọn vẹn, điều mà mình hay nói là văn hoá xem nghệ thuật sân khấu. Với những vở bán vé thì mình sẽ lấy ra một đoạn nhỏ để đăng. Điều mà nghệ sĩ hay nói là câu khán giả. Còn đăng trọn bộ thì không.
Riêng đoàn bên mình rất tôn trọng khán giả mua vé đi xem. Nên sẽ ko bao giờ đăng toàn bộ chương trình lên. Chỉ những ai mua vé mới có thể thưởng thức trọn vẹn chương trình.
Còn ăn chén cơm tổ nghề một ngày là mình còn cố gắng giữ gìn bảo tồn phát huy cải lương.
____
Bây giờ giới trẻ, các bạn diễn trẻ tham gia gameshow nhiều để được nhanh chóng nổi tiếng, để có thêm cơ hội nhiều hơn… Vậy anh có đắn đo giữa việc được nổi tiếng nhanh chóng, sẽ chọn rẽ ngang để nổi tiếng nhanh hơn hay vẫn chấp nhận bền bỉ với cải lương nghệ thuật nước nhà?
Mình may mắn cũng vừa được quán quân của một gameshow. Nhưng từ đầu xuất phát điểm đi thi của Long không phải là cầu mong sự nổi tiếng mà cố gắng đem cải lương tuồng cổ giới thiệu rộng rãi hơn. 10 năm vẫn một tâm niệm: Không ngại khổ. Không ngại khó khăn. Còn ăn chén cơm tổ nghề một ngày là mình còn cố gắng giữ gìn bảo tồn phát huy cải lương.
Nhớ lại lúc mình vừa thi xong gameshow, được giải thì cũng có người đến ngỏ ý làm truyền thông cho Long theo hướng này hướng kia để dễ nổi tiếng nhanh hơn nữa. Nhưng mình từ chối vì mình làm văn hoá dân tộc mà theo hướng tạo tiếng xấu để nổi tiếng, thì sao mà mở miệng ra hát nhân nghĩa lễ trí tín được chứ. Như thế là có lỗi với Tổ nghiệp lắm.
Long chọn là con ong chăm chỉ, cứ xây từng viên gạch nhỏ. Thà chậm mà chắc. Vì dù sao đó cũng là nhà mình xây nên. Cứ làm nghệ thuật chân chính đi, rồi may mắn sẽ mỉm cười. Long vẫn tin, đâu đó vẫn còn những người làm đẹp cho đời bằng cái tâm chân – thiện – mỹ, chứ ko phải vì lợi ích hay kinh tế danh lợi hào nhoáng giàu sang.
Tuồng cổ đã trở thành tài sản văn hóa quý báu của sân khấu truyền thống và là viên ngọc trong kho tàng văn hóa của dân tộc. Những tác phẩm tuồng cổ, những trích đoạn mẫu mực giống như những cây đại thụ lưu giữ và truyền tải nguồn nhựa sống dồi dào của nghệ thuật tuồng đến muôn triệu tâm hồn người Việt Nam cũng như bạn bè thế giới.
Trong bối cảnh sân khấu gặp nhiều khó khăn như hiện nay, sự trở lại của các vở diễn trên sân khấu tuồng cổ, sự nỗ lực của các tác giả, đạo diễn, biên kịch, và các diễn viên, nghệ sĩ được giới chuyên môn đánh giá cao, đầy tâm huyết. Hy vọng rằng nghệ thuật tuồng cổ sẽ khẳng định lại được vị trí, tìm lại được chỗ đứng trong lòng người yêu sân khấu.
– Ảnh: KKD