Trong số những người đạt Kỷ lục Guinness Thế giới, những người này thuộc về số ít những nhân vật sở hữu các thành tích nổi trội và phi thường hơn cả.
1. Cô gái đầu tiên đến thăm từng quốc gia trên thế giới
Casandra De Pecol, người bang Connecticut (Mỹ), là nhà du lịch toàn cầu 27 tuổi sở hữu 2 kỷ lục thế giới. Sau khi hoàn tất chuyến hành trình do cộng đồng tài trợ đưa cô đến 193 quốc gia trên thế giới và 3 lãnh thổ (Kosovo, Palestine, Đài Loan), cô trở thành người phụ nữ đầu tiên hoàn thành được công việc này. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển nguy hiểm giúp cô đạt được thành tích (18 tháng và 26 ngày) đã khiến cô trở thành người đạt tới mục tiêu nhanh nhất. Cô từng nói: “Là một phụ nữ trẻ, tôi luôn mơ ước được du lịch đến càng nhiều quốc gia càng tốt và làm cho thế giới của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn”.
2. Người sở hữu nhiều bằng đại học nhất
Bí mật của ông? Mỗi ngày thức dậy từ 3 giờ sáng để học. Ông Luciano Baietti, 70 tuổi, người Ý, cư ngụ gần Rome, có 15 bằng cử nhân và thạc sĩ. Lần đầu tiên ông đạt Kỷ Lục Guinness Thế giới có nhiều bằng cấp nhất là năm 2002 với 8 mảnh bằng. Hiện nay ông Baietti đã học xong triết học, luật học, xã hội học, văn chương và đang học lấy mảnh bằng thứ 16 về khoa học thực phẩm.
3. Người trẻ tuổi nhất trèo lên bảy đỉnh núi
Jordan Romero, 20 tuổi, người Mỹ, đã nổi tiếng từ những năm ở độ tuổi thiếu niên. Năm 2010, anh đã được tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là người trẻ tuổi nhất chinh phục ngọn núi Everest (năm 13 tuổi). Núi Everest là một trong những mục tiêu chinh phục những ngọn núi cao nhất thế giới, tức Seven Summits (bảy đỉnh núi cao nhất trong bảy lục địa), của anh. Tháng 12.2011, anh đã hoàn tất mục tiêu trèo lên ngọn Vinson Massif ở Nam cực. Thành tích khiến anh trở thành người trẻ nhất trèo lên 7 ngọn núi trong thời gian 15 năm, 5 tháng và 12 ngày.
4. Người nói được nhiều ngôn ngữ nhất
Được gọi là polyglot (người nói nhiều thứ tiếng) khi một người có khả năng nói được ít nhất sáu ngôn ngữ và một hyper-polyglot khi nói được trên 12 thứ tiếng. Nhưng nói được bao nhiêu thứ tiếng mới là kỷ lục thế giới? Sách Guinness đã ghi nhận ông Ziad Fazah, một người Lebanon, tuyên bố mình nói được 58 thứ tiếng. Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, người ta phát hiện ra ông đã không hiểu được một số câu hỏi cơ bản trong các ngôn ngữ mà ông nói rằng mình tinh thông. Một ứng viên đáng quan tâm là nhà ngoại giao người Đức Emil Krebs đã mất năm 1930, được tin là có khả năng nói 65 thứ tiếng và lúc ấy ông còn đang học thêm 120 ngôn ngữ nữa.
5. Cô gái có chỉ số IQ cao nhất
Phép thử chỉ số IQ (chỉ số thông minh) là một phương pháp không lấy gì làm chính xác để đo lường trí thông minh của một người. Tuy nhiên, muốn đạt được điểm cao lại cực khó. Năm 2016, cô học sinh 11 tuổi người Anh Kashmea Wahi đã đạt tới số điểm hoàn hảo là 162 điểm; trên lý thuyết mức độ thông minh của cô ngang tầm với hai nhà khoa học lừng danh Albert Einstein và Stephen Hawking.
6. Nhiều kỷ lục Guinness nhất
Lực sĩ Ashrita Furman, 62 tuổi, người New York, đã sở hữu con số kỷ lục Guinness đáng kinh ngạc. Năm 1979, ông đã thực hiện 27.000 lần bài tập khởi động làm nóng cơ thể. Năm 2014, Furman đạt 551 kỷ lục Guinness và gần đây đạt thêm gần 200 kỷ lục, bao gồm kỷ lục tập động tác gập bụng (sit-ups) nhiều nhất trong vòng 1 giờ ở tháp Eiffel, chạy xe đạp dưới nước với khoảng cách xa nhất: 3,04km; nhảy lò cò với quả bóng nhanh nhất trên Vạn Lý Trường Thành.
7. Đọc nhanh nhất thế giới
Kim Peek, người Mỹ, có tài đọc sách rất nhanh, nhưng đọc và hiểu được như ông mới là chuyện rất hiếm có. Peek là người tàn tật, nhưng đôi khi mọi người phải gọi ông là người “siêu uyên bác”, Peek đọc những quyển sách thật nhanh và ghi nhớ gần như mọi thứ trong sách ở mức độ 98%. Bẩm sinh ông đã không có cấu trúc kết nối hai bán cầu não và không ai có thể giải thích tại sao ông lại có khả năng phi thường như vậy.
8. Người đầu tiên đi thuyền buồm vòng quanh thế giới
Cả đời Joshua Slocum, người Canada, vốn là một thủy thủ, nhưng mãi cho đến khi về hưu, ông mới thực hiện chuyến hành trình vĩ đại nhất đời mình. Ngày 24.4.1895, ở tuổi 51, Slocum chuẩn bị đi thuyền vòng quanh thế giới một mình. Ông lái thuyền không có đồng hồ bấm giờ; thay vì vậy lại dựa vào la bàn, một phương pháp không mấy chắc chắn. Ông trở về vào ngày 27.6.1898, sau khi vượt qua khoảng 46.000 dặm, đồng thời phải đối diện với những trở ngại như cướp biển và bão tố. Sau đó, ông viết một quyển sách có nhan đề Giong buồm một mình vòng quanh thế giới kể về chuyến phiêu lưu của mình. Ông mất tích giữa biển cả và cũng chưa bao giờ học bơi.
9. Người đầu tiên một mình bay vòng quanh thế giới
Wiley Post là một phi công nổi tiếng trong những năm 1930 đã phá nhiều kỷ lục trước đó. Một trong những thành tích nổi tiếng nhất của ông là chuyến bay vòng quanh thế giới trong 7 ngày, 18 giờ và 49 phút. Ông đã bay trên một monoplane (máy bay một lớp cánh cố định) tên Winnie Mae với hệ thống lái tự động và la bàn. Tuy có bị sự cố máy móc, ông đã phá kỷ lục trước đó của mình cùng với một phi công cùng lái trong thời gian 10 giờ đồng hồ. Post đã thiệt mạng trong một tai nạn rơi máy bay vào năm 1935; tai nạn này cũng làm chết cả diễn viên hài Will Rogers bay chung với ông.
10. Tạo kỷ lục khác thường để làm từ thiện
Khi được bạn bè yêu cầu thực hiện một hoạt động từ thiện, Britton đã nảy ra một ý tưởng lớn hơn. Anh đã biểu diễn khi toàn thân đang bốc cháy. Được sự hỗ trợ của nhóm biểu diễn nguy hiểm Stannage, Antony Britton đã phá kỷ lục thế giới về chạy nước rút 100m nhanh nhất và chạy trong tình trạng toàn thân bốc cháy trên lộ trình dài nhất ở Huddersfield, West Yorkshire.
Đám đông người tại Câu lạc bộ bóng đá Huddersfield Rugby Union đã xem Britton lập kỷ lục: chạy nước rút 100m chỉ mất 24,58 giây, đem lại cho anh kỷ lục đầu tiên về hình thức biểu diễn mới lạ này. Tổng cộng, anh đã chạy được đoạn đường dài 204,23m. Kỷ lục nỗ lực này của anh nhằm giúp gây quỹ cho tổ chức từ thiện ung thư của trẻ em Candlelighters. Antony nói rằng với anh, đó là một “vinh dự” để được chạy.
Antony Britton vốn là nhà ảo thuật chuyên biểu diễn những màn thoát hiểm và là diễn viên đóng thế. Anh đã thực hiện một loạt các pha nguy hiểm ngoạn mục quy mô lớn để đưa lên truyền hình và phục vụ cho mục đích từ thiện. Năm 2014, hàng ngàn người đã tụ tập ở trung tâm thành phố Bradford để xem anh cố gắng đột phá thoát khỏi chiếc áo bó (straitjacket: loại áo mặc cho người điên, với hai ống tay dài để có thể buộc lại). Năm 2015, anh lại biểu diễn vượt thoát khỏi màn chôn sống. Anh chính là người thứ ba biểu diễn thành công thử thách này trong vòng 100 năm qua.