Được quảng bá rất mạnh từ đầu năm nên Annabelle đã thu hút nhiều sự chú ý trong mùa Halloween năm nay. Thế nhưng, ngay vào thời điểm tưởng chừng “đỉnh” nhất của Annabelle, Ác quỷ Dracula đã bất ngờ chen vào cuộc đua, tranh ngôi vị quán quân của dòng phim kinh dị 2014.
Annabelle – Phim kinh dị “đẹp” nhất năm!
Annabelle từng gây ra sự thắc mắc cho nhiều người khi xuất hiện trong siêu phẩm kinh dị cách đây một năm của James Wan – The Conjuring. Lần này, trong chính bộ phim mang tên cô búp bê với nụ cười ma quái, Annabelle như là một cách lý giải cho nguồn gốc và sự bắt đầu cho nỗi khiếp đảm về con búp bê được cho là gắn liền với quỷ dữ.
Ác mộng thực sự khởi đầu với câu chuyện về một cô gái có tên là Annabelle Higgins tham gia một giáo phái tôn thờ quỷ Satan cùng người yêu, để rồi sau đó trở về nhà sát hại cha mẹ ruột. Sau một cuộc đụng độ với đôi vợ chồng trẻ nhà bên – John và Mia, cặp tình nhân điên rồ đã bị cảnh sát triệt hạ. Cái chết của Annabelle ngay trong nhà Mia với con búp bê trên tay đã dẫn dắt cho quỷ dữ tìm đến gia đình nhỏ của cô. Với những tâm lý đan xen giữa nỗi sợ hãi tột độ và tình yêu thương mãnh liệt của một người mẹ sẵn sàng hy sinh vì con, bộ phim là sự trần thuật về cuộc chiến đấu của Mia chống lại sự thèm khát và thế lực của quỷ Satan để giành lại linh hồn cho đứa con gái bé bỏng của cô.
Điều gây nên sức ám ảnh kinh hoàng chính là việc bộ phim được dàn dựng dựa trên cốt truyện hoàn toàn có thật về búp bê ma ám Annabelle. Nhìn chung, mô-típ phim không mới với nội dung thường thấy của những bộ phim về đề tài ma ám. Tuy nhiên, yếu tố làm nên sự khác biệt giữa Annabelle cũng như các phim của James Wan với nhiều bộ phim ma ám khác chính là hiệu ứng âm thanh và ánh sáng được xử lý triệt để. Tiếng máy may, tiếng bắp rang nổ, tiếng cửa thang máy mở… đều được tận dụng để tạo nên nỗi bất an và hồi hộp cho người xem với tần suất thay đổi liên tục, lúc dồn dập nhưng lúc lại nhấn nhá, kẽo kẹt… Có thể nói, yếu tố âm thanh đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự thành công cho phim. Bản thân cảnh quay, trang phục, thiết kế trong phim cũng được chọn cẩn thận. Nếu cắt tất cả những cảnh kinh dị đi, bộ phim sẽ trở thành một câu chuyện chick-flick đẹp đến từng xăng-ti-mét! Tuy vậy, phim vẫn tồn đọng nhiều hạt sạn với lối kể chuyện dông dài, một số phân đoạn thừa thãi và nhất là cái kết có phần thiếu thuyết phục, một cái kết “hụt hơi” nếu so với cao trào nghẹt thở giữa phim.
Ác quỷ Dracula: Huyền thoại chưa kể – Một bản anh hùng ca về vị vua ma cà rồng
Kể từ Snow White and the Huntsman, Hollywood đã có dụng ý để các nhân vật phản diện trở thành nhân vật trung tâm của màn ảnh, được khán giả yêu mến còn hơn nhân vật chính diện. Bằng chứng là trong câu chuyện Bạch Tuyết thì phù thủy thật sự rất đáng thương, Maleficent của hè 2014 do Angelina Jolie thủ vai cũng có một fandom hùng hậu. Lấy cảm hứng từ câu nói “Đằng sau một người tốt là một quá khứ và phía trước một phạm nhân là một tương lai”, Dracula Untold đã xây dựng một câu chuyện hào hùng về vị hoàng tử Dracula với một quá khứ nhuốm màu đỏ, từng bước từ bỏ tội ác và tìm kiếm hạnh phúc cho mình, cho vương quốc anh trị vì. Nhưng tội ác trong quá khứ vẫn ám ảnh dai dẳng, bắt anh phải tìm đến tên ma cà rồng đầu tiên trên thế giới để tìm kiếm sức mạnh cứu gia đình, cứu dân chúng.
Thế nhưng, đây không phải là một câu chuyện cổ tích để hù dọa trẻ con. Đạo diễn Gary Shore đã xây dựng một câu chuyện mang tính nhân văn cao, về cái giá phải trả để trở thành một anh hùng, để sở hữu sức mạnh vô địch, mà riêng với Dracula là trở thành nô lệ của sự bất tử, là phải hy sinh người vợ yêu dấu để cứu lấy cậu con trai đang bị kẻ thù cầm tù. Nhạc phim hay, tạo hình nhân vật oai dũng, dựng phim hoành tráng, toàn bộ câu chuyện chìm trong màu sắc u tối đặc trưng của thể loại ma cà rồng, tất cả làm nên một Dracula Untold mang tính giải trí cao, xứng tầm một siêu phẩm bom tấn nên bộ phim hút khách hơn cả Annabelle.
Điểm trừ lớn của bộ phim là câu chuyện còn hơi lê thê và mang tiếng là action – horror (hành động – kinh dị) nhưng ngoài những cảnh Dracula cắm cọc xuyên người các nạn nhân thì rất ít các cảnh hù dọa, làm mất đi tính chất kinh dị của câu chuyện thần thoại này. May thay, cái kết của bộ phim với câu thơ: “Tại sao lại phải chờ để yêu trong kiếp sau khi chúng ta được tái sinh từ kiếp trước?” đã làm nên một câu chuyện chưa bao giờ được kể về một Dracula “khát máu bất đắc dĩ”, một ma cà rồng biết yêu và giữ tình yêu đó cháy bỏng cho đến hàng thế kỷ sau. Cả câu chuyện là một bản anh hùng ca kịch tính, một câu chuyện tình lãng mạn xuyên thời gian.
Phương Phi