Phần Lan nằm trong khu vực Bắc Âu. Hiện nay, Phần Lan là một trong những nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất thế giới. Về nguyên tắc, giáo dục Phần Lan dành cho tất cả mọi người, nên không thu học phí.
Giáo dục được đánh giá cao ở Phần Lan và đặt tiêu chuẩn cao cho giáo dục là một trong những nền tảng của chiến lược quốc gia được xây dựng trên cơ sở lòng mong muốn phát triển đất nước thành một xã hội thông tin.
Trường đại học và polytechnics
Hệ thống giáo dục đại học ở Phần Lan bao gồm hai khối song song với nhau: các trường đại học và các trường polytechnics. Các trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu và giáo dục nâng cao có liên quan đến nghiên cứu. Các trường này cấp bằng học vị cử nhân, thạc sĩ cũng như các chứng chỉ sau đại học và bằng tiến sĩ. Các trường polytechnics dạy những môn xuất phát từ nhu cầu đào tạo nghề và chuyên môn. Trường này cấp bằng liên quan nhiều đến thực tế làm việc trong đời.
Có 20 trường đại học ở Phần Lan: mười trường đa ngành, ba trường kỹ thuật, ba trường kinh tế – quản trị kinh doanh và bốn trường nghệ thuật. Ngoài ra, Trường cao đẳng Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng cũng là trường cấp đại học. Tổng số sinh viên đại học hiện nay là vào khoảng 170.000 người.
Các trường đại học đại diện cho truyền thống giáo dục lâu đời của Phần Lan: đầu tiên là Học viện Hoàng gia Turku được thành lập năm 1640. Hoạt động của các trường này được dựa trên cơ sở là quyền được học và tự do cá nhân. Mỗi trường thiết lập những nội quy riêng của mình chi phối chương trình giảng dạy và bằng cấp, và tự đặt chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm.
Mục đích của các trường đại học là thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục văn hóa, khoa học và cung cấp giáo dục cao hơn dựa trên các công trình nghiên cứu và kiến thức chuyên sâu. Yêu cầu đối với các trường là phải tổ chức hoạt động sao cho đạt được tiêu chuẩn quốc tế cao trong nghiên cứu, giáo dục và giảng dạy, trong khi vẫn phải tuân theo những nguyên tắc đạo đức và hoạt động khoa học chuẩn mực.
Các trường đại học tự chọn sinh viên của mình qua các cuộc thi tuyển. Các khối lớn nhất là công nghệ, nghệ thuật và nhân văn, khoa học tự nhiên. Thông thường mất ba năm để có bằng cử nhân (180 học phần) và khoảng hai năm nữa để có bằng thạc sĩ (120 đến 150 học phần). Các trường đại học Phần Lan sử dụng hệ thống ECTS (hệ thống chuyển giao học phần của châu Âu), tiêu chuẩn chung mà các nước trong Liên minh châu Âu và các nước có liên quan đều sử dụng.
Có 29 trường polytechnics ở Phần Lan. Nét đặc biệt của các trường này sự liên quan chặt chẽ với đời sống thực tế và mục tiêu của chúng là cung cấp những kỹ năng nghề nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau: công nghệ và vận tải, kinh doanh và quản trị, y tế và dịch vụ xã hội, văn hóa, du lịch, phục vụ hậu cần và quản lý, tài nguyên thiên nhiên, nhân văn và giáo dục. Hệ thống trường polytechnics còn khá mới ở Phần Lan, mới chỉ được bắt đầu vào những năm 1990.
Điều kiện để vào trường polytechnics là học sinh phải qua được kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học hay đã hoàn thành một khóa học nghề bước đầu. Trường polytechnics khác với các trường đại học ở chỗ chúng không phải là sở hữu của chính phủ, mà là của các thành phố hay các tổ chức tư nhân. Tuy nhiên, chính phủ vẫn đóng góp 57% trong chi phí hoạt động cơ bản. Bằng cấp mang tính chuyên ngành và thời gian học mất khoảng từ 3,5 đến 4 năm (210 đến 240 học phần). Ngoài phần học lý thuyết ra, bằng của trường polytechnics còn yêu cầu đào tạo thực hành ở cơ sở và một dự án tốt nghiệp.
Sinh viên quốc tế
Phần Lan cung cấp những cơ hội giáo dục đại học tuyệt vời trong mọi ngành học. Nói chung, sinh viên tham gia các khóa học lấy bằng chính quy của các trường đại học hay polytechnics không phải trả tiền học. Phần Lan cũng được xem là nước dễ hòa nhập nếu bạn sử dụng tiếng Anh. Các trường đại học và polytechnics ở Phần Lan có tới gần 400 chương trình học quốc tế trong nhiều ngành bằng tiếng Anh. Sinh viên cũng được hưởng nhiều hoạt động giải trí phong phú do các hội sinh viên Phần Lan và các tổ chức sinh viên khác đứng ra tổ chức, chăm lo việc hướng dẫn và mở khóa học đặc biệt cho sinh viên nước ngoài. Tất cả các chương trình đều dựa trên hệ thống chuyển giao học phần (ECTS) giữa các nước châu Âu, giúp tăng cường tính minh bạch quốc tế và việc chấp nhận bằng cấp của Phần Lan trên toàn cầu.