Giáo dục âm nhạc khác với công tác tuyên truyền bằng âm nhạc. Giáo dục âm nhạc lấy việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực thẩm mỹ làm mục đích, còn công tác tuyên truyền lấy âm nhạc làm công cụ.
Giáo dục thẩm mỹ là một trong bốn cột trụ dựng nên thành trì giáo dục đất nước, trong đó có giáo dục âm nhạc. Giáo dục âm nhạc phổ thông trải dài qua các cấp học, từ mẫu giáo, tiểu học cho đến trung học cơ sở với mục tiêu bồi dưỡng, nâng cao trình độ thẩm mỹ nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Mặc dù đóng vai trò quan trọng như vậy, song trong quá trình triển khai sự nghiệp này, giáo dục âm nhạc đã bị định dạng sai để lại hậu quả trên chính sự sa sút thẩm mỹ đại chúng.
Giáo dục âm nhạc góp phần hình thành năng lực thẩm mỹ ở cá nhân, đặc biệt quan trọng ở lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên, giai đoạn chưa định hình, nhưng có chiều hướng xác lập tố chất thẩm mỹ. Theo đó, giáo dục âm nhạc bồi dưỡng cho trẻ biết yêu cái đẹp, chuẩn bị tốt năng lực sáng tạo ở những giai đoạn kế tiếp.
Trong các chỉ số đo lường về phẩm chất ở cá nhân, Khiếu thẩm mỹ và Năng lực sử dụng bản thân một cách thành thạo xếp vào những yếu tố đem tới sự thành công. Qua thực tiễn chứng minh có rất nhiều người chỉ số IQ không cao, nhưng lại thành đạt. Ngược lại, nhiều người có trình độ, thậm chí có cả quyền lực, nhưng tố chất thẩm mỹ kém cỏi.
Điều đó giải thích tại sao, ở nhiều quốc gia tồn tại song hành hai tổ chức: Bộ Giáo dục và Bộ Văn hóa. Giáo dục toàn diện dù hiểu dưới góc độ nào cũng hướng tới kết hợp hai “bộ” này trong chỉnh thể một con người nhằm tránh tình trạng “giáo dục thiếu văn hóa” và “văn hóa suy giáo dục”.
Trước hết cần khẳng định, giáo dục âm nhạc khác với công tác tuyên truyền bằng âm nhạc. Giáo dục âm nhạc lấy việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực thẩm mỹ làm mục đích, còn công tác tuyên truyền lấy âm nhạc làm công cụ. Khảo sát giáo trình từ lớp 1 đến lớp 9, nhạc hát chiếm nội dung chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ sách giáo khoa ở các cấp học. Ở cấp mẫu giáo, mỗi trường áp dụng một mô hình khác nhau, nên chưa thể thống nhất phương pháp đánh giá, còn ở cấp 3, âm nhạc hoàn toàn biến mất khỏi chương trình giáo dục.
- Xem thêm: Âm nhạc xoa dịu và trị liệu
Như vậy, xét về giáo trình, âm nhạc thực sự xuất hiện ở hai cấp học 1 và 2 với tính chất thiên vị đối với bộ môn thanh nhạc. Từ lớp 4, sách giáo khoa bắt đầu có thêm nội dung học tập Ký hiệu ghi nhạc, Kể chuyện âm nhạc, Giới thiệu nhạc cụ truyền thống… Lên cấp Trung học cơ sở, từ lớp 6 đến lớp 9, Âm nhạc và Mỹ thuật tích hợp vào một giáo trình chung, gồm ba nội dung: Học hát, Nhạc lý và Âm nhạc thường thức.
So với cấp tiểu học, 3 nội dung này thực chất là sự mở rộng, làm rõ hơn nội dung Học hát, Ký hiệu ghi nhạc và Kể chuyện âm nhạc. Trong số các bài hát lựa chọn, thể tài tập trung chủ yếu vào mảng ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước… Tuy giáo dục thẩm mỹ và tụng ca không mâu thuẫn với nhau, nhưng khác nhau về bản chất.
Như đã trình bày, công tác tuyên truyền lấy âm nhạc làm công cụ, còn giáo dục thẩm mỹ lấy việc bồi dưỡng, nâng cao cái đẹp làm mục đích. Bởi vậy, giáo dục thẩm mỹ cần tới hình thức đẹp để ký thác, đồng thời thông qua nội dung tình cảm nhằm lay động, đánh thức tâm hồn con người. Nếu âm nhạc bị biến thành công cụ tuyên truyền, nó tất yếu sa sút về hình thức lẫn nội dung.
Thực trạng trên đã phơi bày một cách cụ thể trong chương trình giáo dục và thể hiện sống động qua “sản phẩm” giáo dục là chính con người. Kết quả là phương châm giáo dục con người phát triển toàn diện chưa thể hiện thực hóa, đặc biệt về nội dung, phương cách triển khai công tác giáo dục. Giáo dục thẩm mỹ bó hẹp trong phạm vi môn học âm nhạc giảng dạy ở nhà trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông thể hiện sự phiến diện, đơn sắc, đặc biệt âm nhạc đã không được truyền dạy dựa trên bản chất, đi kèm với cách thức thiết kế nội dung.
Chẳng hạn, nếu việc dạy hát ở nhà trường tiến tới dạy cho các em cách thức thể hiện âm nhạc bằng giọng hát với các phương pháp lấy hơi, kỹ thuật nhả chữ, cách thức xử lý tác phẩm nhằm nâng cao khả năng biểu cảm… nhờ đó học sinh không chỉ có kỹ năng trình bày tác phẩm âm nhạc mà còn có năng lực thưởng thức nghệ thuật, biết đánh giá cái hay, cái đẹp. Sau khi rời ghế nhà trường, chúng trở thành hành trang cho các em tiếp thu, tiếp cận âm nhạc một cách có văn hóa, giáo dục, thay vì dừng lại ở bài học thuộc lòng trong sách vở.
Ngoài ra, âm nhạc ở trường phổ thông quá chú trọng bài học lý thuyết, ít quan tâm tới thực hành. Trong thực hành lại tập trung học hát mà không có nhạc đàn, một bộ phận quan trọng cấu thành lĩnh vực âm nhạc. Riêng mảng nhạc hát, hình thức hợp xướng có thể giúp học sinh nâng cao năng lực cảm thụ âm nhạc, kết hợp, làm việc nhóm cũng không được triển khai.
Bên cạnh đó, bộ môn thưởng thức âm nhạc, hiểu là học nghe, một kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực âm nhạc cũng hoàn toàn không hề áp dụng. Đối với âm nhạc truyền thống dường như vắng bóng trong cơ sở giáo dục, ngoại trừ một số bài dân ca lựa chọn đưa vào sách giáo khoa.
Ca khúc sở dĩ trở thành đối tượng chính trong chương trình giáo dục âm nhạc là vì gắn liền với lời ca, qua đó có thể nhồi nhét những “nội dung” không phù hợp lứa tuổi, xuất phát từ mục tiêu, yêu cầu chính trị. Mặc dù lời ca chỉ là một trong nhiều phương tiện biểu hiện của âm nhạc. Song, xuất phát từ mục đích tuyên truyền, âm nhạc đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông đều tập trung vào tác phẩm có lời, thậm chí kể cả những bài đồng dao vốn mang đặc điểm vô tính, “vô ngã” nhằm hỗ trợ, kích thích trẻ chơi đùa cũng bị bẻ lời cho phù hợp với nội dung tư tưởng.
Âm nhạc vốn là loại hình “nghệ thuật của lỗ tai”, thính giác, chứ không phải thị giác, đồng thời mang tính chất biểu cảm, chứ không phải biểu ý, có thể tra từ điển để tìm ra nội dung tương ứng. Trên thực tế, âm nhạc ở trường phổ thông đã bị cô lập trong một nội dung chật hẹp, thiếu khả năng liên kết với các cấp học cao hơn. Theo quan niệm của nhiều nhà giáo dục, trẻ không được tiếp xúc nhạc cụ đồng nghĩa với việc chưa được giáo dục âm nhạc một cách nghiêm túc.
Tiếp cận âm nhạc thuần túy (nhạc không lời) mới đem lại mục đích nâng cao độ nhạy bén của cơ quan thính giác, kích thích trí tưởng tượng cũng như khả năng biểu cảm. Việc dạy cho các em kiến thức âm nhạc trước khi thực hành vô hình trung làm giảm khả năng cảm nhận một cách trực tiếp đối với âm thanh.
Hát với những ca khúc có lời tiếp thêm chiều kích làm giảm năng lực cảm nhận phong phúc, cũng như trí tưởng tượng, sáng tạo của trẻ. Thay vì dạy cho các em cách thưởng thức âm nhạc, nhà trường lại hướng tới cung cấp kiến thức âm nhạc giản đơn. Âm nhạc là bộ môn chú trọng tính chất thực hành, nói cách khác, bài học tiếp thu thông qua hoạt động trải nghiệm nhằm thẩm thấu, lĩnh hội, tiêu hóa kiến thức, kỹ năng… biến những trải nghiệm về nghệ thuật thành hành động.
Truyền thụ lý thuyết không kết hợp với thực hành, kiến thức không vận dụng vào thực tiễn hoàn toàn vô tác dụng. Bằng chứng cho thấy, học sinh đã học nhạc ở trường phổ thông khi tham gia các lớp học về nhạc cụ đều phải đào tạo lại. Điều này xuất phát từ ít nhất hai lý do: một là những kiến thức rời rạc, tản mác tiếp nhận ở nhà trường không được sử dụng đã bị thất lạc; hai là các em đã không được kết hợp giữa học và hành nhằm biến kiến thức thành kỹ năng, kỹ thuật, nghệ thuật.
Phương tiện biểu hiện trong âm nhạc không mang tính tuyệt đối mà thể hiện thông qua mối quan hệ. Ví dụ, nốt trắng có giá trị trường độ dài gấp đôi nốt đen. Như vậy, nốt trắng hiện hữu trong mối tương quan với nốt đen và các nốt khác. Từng nhịp phách có thể biến thành những đại lượng “hữu tình”, mang tính tương đối, có khả năng co giãn.
Một hiện tượng âm nhạc diễn giải bằng ngôn ngữ khá phức tạp, nhưng nếu thầy cô giáo thị phạm cho học sinh quan sát, lắng nghe, mô phỏng… mọi việc trở nên khả thi, thậm chí dễ dàng. Bởi, nghệ thuật âm nhạc nảy sinh trong quá trình tương tác, cũng như tình cảm sản sinh giữa các mối quan hệ. Thông qua quá trình trải nghiệm, học sinh tiếp tục tích lũy những kinh nghiệm âm nhạc, tăng dần theo thời gian góp nhặt thêm cái mới.
Xét về nguồn nhân lực trong hoạt động giáo dục âm nhạc phổ thông cho thấy, thầy cô giảng dạy âm nhạc đa số không phải những người học và làm âm nhạc chuyên nghiệp. Tình trạng này lý giải tại sao có hiện tượng “giáo dục thiếu văn hóa” hay “văn hóa suy giáo dục”. Chúng ta đã không thể sử dụng giáo viên tốt nghiệp trường âm nhạc (thuộc Bộ Văn hóa) tham gia giảng dạy các môn toán, lý, hóa… vậy tại sao lại sử dụng giáo viên tốt nghiệp trường sư phạm (thuộc Bộ Giáo dục) dạy âm nhạc? Tình trạng khập khiễng này không chỉ thể hiện qua nguồn nhân lực, cách thức triển khai nội dung giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông mà còn nằm trong sản phẩm giáo dục là học trò.
- Xem thêm: Dùng âm nhạc kích thích kinh doanh
Học sinh học nhạc ở trường phổ thông không thể tham dự các kỳ thi tuyển ở khối trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Nói cách khác, âm nhạc ở trường phổ thông không có khả năng kết nối với cấp học cao hơn. Nếu như các môn thuộc toán lý hóa, văn sử địa… có thể giúp học sinh thi tuyển vào các trường khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn thuộc Bộ Giáo dục thì ở bộ môn âm nhạc, trình độ của học sinh không thể đáp ứng yêu cầu tuyển sinh ở khối trường nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa.
Chứng tỏ, việc giảng dạy âm nhạc ở trường phổ thông dừng lại ở việc thể hiện lập trường, quan điểm phát triển con người một cách toàn diện hơn là có tác dụng thực sự, có thể kiểm chứng qua hoạt động thực tiễn. Tình trạng này không chỉ dẫn đến sự lãng phí về nguồn lực mà còn làm suy giảm đáng kể năng lực thẩm mỹ của học sinh, gián tiếp ảnh hưởng đến trình độ văn hóa đại chúng. Sự sung túc, đầy đủ các phương tiện hỗ trợ tự thân chưa trở thành đòn bẩy thúc đẩy một nền giáo dục tiến lên, nhưng chất lượng của nó có thể kéo lùi nhiều thế hệ đi xuống, đặc biệt về phương diện thẩm mỹ.