Vào lúc 16 giờ 55 ngày 11/10 (theo giờ Việt Nam), ba nhà kinh tế người Mỹ là David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2021. Đây cũng là giải thưởng cuối cùng, khép lại mùa giải Nobel năm nay.
Theo thông báo Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển, ba nhà kinh tế trên được vinh danh về những đóng góp thực nghiệm cho kinh tế lao động và những đóng góp về phương pháp luận trong việc phân tích các mối quan hệ nhân quả trong lĩnh vực kinh tế.
Theo đó, một nửa giải Nobel Kinh tế 2021 trao cho ông David Card, người đã có những đóng góp thực nghiệm cho kinh tế học lao động. Ông David Card phân tích những tác động lên thị trường lao động khi có thay đổi về mức lương tối thiểu, nhập cư và giáo dục. Ông David Card, sinh năm 1956 tại Canada, giảng dạy tại Đại học California, Berkeley (Mỹ).
Trong khi đó, hai nhà khoa học Joshua Angrist (sinh năm 1960 tại Mỹ) của Viện Công nghệ Massachusetts và Guido Imbens (sinh năm 1963 tại Hà Lan) của Đại học Stanford, Mỹ nhận một nửa giải Nobel còn lại vì những đóng góp về phương pháp luận của họ trong việc phân tích các mối quan hệ nhân quả trong lĩnh vực kinh tế.
Năm ngoái, giải Nobel Kinh tế đã được trao cho hai nhà kinh tế Mỹ Paul. R.Milgrom và Robert B.Winson, với công trình nghiên cứu về lý thuyết đấu giá và những sáng tạo về các hình thức đấu giá mới.
Nobel Kinh tế không nằm trong 5 giải Nobel được đặt ra theo nguyện vọng của Alfred Nobel vào năm 1895. Giải này có tên gọi chính thức là Giải thưởng Sveriges Riksbank (Ngân hàng Trung ương Thụy Điển) về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel (thường được gọi là giải Nobel Kinh tế) nhằm vinh danh những nhân vật có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế học.
Từ năm 1969 đến năm 2020, tổng cộng 52 giải Nobel kinh tế đã được trao, trong đó có 2 chủ nhân nữ là nhà kinh tế Elinor Ostrom năm 2009 và Esther Duflo năm 2019. Nobel Kinh tế là giải thưởng thứ 6 và cũng là giải thưởng khép lại mùa Nobel 2021.
Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế trao thường niên kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Y sinh, Hóa học, Văn học và Hòa bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà bác học Alfred Nobel, “cha đẻ” giải Nobel.
Đại dịch COVID-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến cách thức tổ chức lễ trao giải Nobel. Thay vì quy tụ tất cả những người đoạt giải tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 12 như thông lệ, các nhà ngoại giao thuộc Đại sứ quán Thụy Điển tại các nước sẽ đến trao giải cho những người chiến thắng. Tuần lễ kỷ niệm sẽ kết hợp tổ chức các sự kiện trực tiếp và trực tuyến.