Nhà chính trị gia nổi tiếng của Hoa Kỳ Ben Franklin từng nói: “Đi ngủ sớm vào buổi tối và thức dậy sớm vào buổi sáng giúp cho con người khỏe mạnh, giàu có và khôn ngoan”. Điều này đúng với kết quả của nhiều nghiên cứu về giấc ngủ trên thế giới.
Bác sĩ Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ông cũng tập thói quen đi ngủ sớm và thức dậy sớm từ những ngày còn trẻ. Nhờ vậy mà nay trông ông vẫn khá trẻ trung và minh mẫn dù tuổi đã ngoài 70.
Các nhà khoa học của Trường Đại học Toronto (Canada) khuyên chúng ta nên đi ngủ sớm và thức dậy sớm để đồng bộ hóa chu kỳ sinh học của cơ thể với thời gian mặt trời lặn và mọc. Ánh sáng đèn điện và các thiết bị chiếu sáng khác đã làm cho giấc ngủ của con người hiện đại bị xáo trộn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe chúng ta.
Theo kết quả một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Yoga Journal vào tháng 1-2016 thì giấc ngủ lý tưởng là bắt đầu từ 21 giờ đến 5 giờ sáng vì nó phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể. Từ 22 giờ trở đi, các cơ quan trong cơ thể giảm hoạt động và thiên về trạng thái nghỉ ngơi. Đây cũng là lúc hệ thống miễn dịch bài tiết các chất độc hại, đồng thời đó cũng là khoảng thời gian hồi phục của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Đối với gan, khoảng thời gian từ 1 giờ đến 3 giờ sáng là lúc gan hoạt động mạnh nhất để bài tiết các chất độc hại, vì thế trong khoảng thời gian này càng ngủ sâu thì càng có tác dụng giúp gan hoàn thành việc loại trừ các độc tố trong cơ thể.
Nghiên cứu của bác sĩ Renée Bliss thuộc Đại học Toronto (Canada) cho kết quả những người dậy sớm đều thấy hạnh phúc và tích cực hơn rất nhiều so với những người thức khuya dậy trễ. Người dậy sớm cũng khỏe mạnh hơn do có thời gian để ăn sáng, bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người. Tạp chí Entrepreneur Magazine còn cho biết: “Một cuộc khảo sát của khoa Y học Cộng đồng, Trường Đại học Harvard (Mỹ) mới phát hiện ra những người hay bỏ bữa ăn sáng có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch vành”.
Trong không khí mát mẻ vào buổi sáng sớm, chúng ta cũng cảm thấy hứng thú với việc tập thể dục hơn. Một nghiên cứu được công bố trước đây của tạp chí Sleep (Mỹ) cho thấy luyện tập vào buổi sáng giúp con người dễ ngủ hơn vào buổi tối. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng hoạt động vào buổi sáng giúp sắp xếp nhịp ngày đêm của cơ thể nhịp nhàng hơn.
Có một số bằng chứng cho rằng não của con người hoạt động ở mức độ cao nhất vào buổi sáng. Trong một đề tài nghiên cứu được tiến hành ở Trường Đại học Bắc Texas, các sinh viên báo cáo rằng người dậy sớm có chỉ số GPAs (điểm số trung bình học kỳ) cao hơn những người dậy muộn. Nhiều người cho rằng buổi sáng là thời gian làm việc hiệu quả nhất trong ngày. Bộ não được nghỉ ngơi, các liên kết thần kinh đã có đầy đủ năng lượng sau một đêm ngon giấc nên khi thức dậy vào lúc 4-6 giờ sáng là khoảng thời gian làm việc hiệu quả nhất cho những việc cần tập trung trí óc, suy nghĩ, sáng tạo như: lên kế hoạch, sáng tạo chiến lược, xem xét các mục tiêu… Đây cũng là thời gian yên tĩnh, cho bạn cơ hội chiêm nghiệm lại chính bản thân. Nếu bạn đang tìm cách khám phá bản thân, tìm ra điều mình thực sự muốn, khoảng thời gian này rất thích hợp. Ngoài ra bạn còn có thể đọc sách, thiền định, làm những việc sáng tạo vì không gian yên tĩnh. Não bộ sau khi tỉnh dậy từ giấc ngủ cũng được làm mới giúp bạn dễ dàng tiếp thu, khám phá điều mới mẻ hơn.
Thông thường là khoảng từ 10-11 giờ đêm da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng. Thức khuya hay ngủ ít có thể dẫn tới nguy cơ tăng cân theo chiều hướng tiêu cực, có thể gây thêm các tác dụng khác là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp… Bên cạnh đó thức khuya trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không thức khuya.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Psychiatry and Clinical Neurosciences, những người thức đêm muộn có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp ba lần so với nhóm dậy sớm vào buổi sáng. Các nhà nghiên cứu cho rằng thức đêm sẽ khiến bạn mất kiểm soát. Những người thức dậy muộn luôn thiếu tự tin vì không có thời gian để lên kế hoạch tốt hơn và lo lắng khi đi ngủ. Đây là nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ tiêu cực và trầm cảm.
Giấc ngủ sớm phù hợp với nhịp sinh học là rất quan trọng đối với sức khỏe, giúp cho cơ thể phục hồi năng lượng, tăng cường trí nhớ và phát triển khả năng học hỏi. Chính vì vậy, chúng ta nên bắt đầu luyện tập thói quen ngủ sớm, dậy sớm ngay từ hôm nay. Những người chưa quen đi ngủ sớm có thể luyện tập bằng cách lên giường từ 21 giờ, tắm nước ấm hoặc uống một ly sữa ấm trước khi ngủ, tránh ăn quá no trước khi ngủ 2 giờ và khi đã lên giường thì cần tắt tất cả các thiết bị phát ra ánh sáng và tiếng ồn.