Chuyên gia công nghệ sinh học Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái được biết đến với vai trò là người tìm ra gien đầu tiên (có tên là TIGR) gây bệnh tăng nhãn áp (glaucoma), có thể khiến người bệnh trở nên mù lòa. Loại bệnh này hiện ảnh hưởng đến gần 70 triệu người trên thế giới. Năm 1997, phát hiện của ông được cấp bằng phát minh tại Mỹ. Một năm sau, nhóm nghiên cứu của ông được chia Giải thưởng Rudi Lewin dành cho nghiên cứu đột phá về nhãn khoa với đồng nghiệp ở Mỹ.
Đây là một giải thưởng đầu ngành dành cho nghiên cứu đột phá về nhãn khoa. Ngoài vốn tri thức tích lũy được trong môi trường hàn lâm, TS Nguyễn Đức Thái còn có kinh nghiệm làm việc cho SBI Biotech Inc., một hãng sinh dược về trị liệu các bệnh ung bướu tại Tokyo, Nhật Bản. Phần lớn thời gian sống và làm việc ở nước ngoài, đạt được những thành tựu có tầm vóc quốc tế, nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi chủ yếu xoay quanh những trăn trở của ông về việc ứng dụng công nghệ sinh học trong y tế ở Việt Nam, mặc dù ông mới về nước làm việc chính thức từ năm 2010. Cuộc trò chuyện bắt đầu từ thời điểm ông đặt chân đến nước Mỹ. Ông nói:
Khi qua Mỹ, tôi đăng ký học cao học ngành dược tại Đại học California ở San Francisco (UCSF) từ năm 1975. Được học tập tại một trong 10 trường y khoa hàng đầu của Mỹ, nên tôi không hành nghề dược sĩ trước kia, mà tập trung vào công tác nghiên cứu. Những năm cuối thập niên 1970, công nghệ tân sinh học ra đời, và người khai sinh ra ngành này là giáo sư Herbert Boyer, làm việc tại UCSF. Thành công tiên phong về nhân bản gien của GS Boyer (có sự hợp tác của GS Stanley Cohen thuộc Đại học Stanford) giống như một ánh hào quang lan tỏa khắp toàn trường, khiến hàng chục bộ môn chuyển hướng sang nghiên cứu công nghệ sinh học. Tôi may mắn được ở trong luồng khoa học mới này. Qua nhiều tiến trình học hỏi và làm việc trong ngành công nghệ sinh học (CNSH), năm 1997, chương trình nghiên cứu của nhóm chúng tôi đạt kết quả đột phá trong lĩnh vực nhãn khoa do việc tìm ra gien TIGR (con gọi là Myoc), gây bệnh tăng nhãn áp.
____
Ông có “mang” TIGR về Việt Nam không?
Không. Xét ở giác độ bệnh lý, bệnh tăng nhãn áp, dạng gốc mà liên hệ với gien TIGR, không phổ biến ở nước ta, mà chủ yếu ảnh hưởng đến chủng người da trắng. Ngoài ra, bệnh tăng nhãn áp không hề đơn giản. Việc tìm được gien này mới ứng dụng trong công tác chẩn đoán, còn ứng dụng trong điều trị thì nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, bởi tăng nhãn áp còn liên quan đến nhiều gien khác. Với tôi, khoa học có những cái ngưỡng mà khi đã đạt đến rồi thì nó là câu chuyện của quá khứ. Giờ đây, tôi muốn áp dụng kinh nghiệm trong quá trình làm việc ở nước ngoài vào điều trị các bệnh hiểm nghèo và phổ biến hơn ở Việt Nam. Về bản chất, nghiên cứu gien có ứng dụng đa dạng cho nhiều chủ đề sinh học, bệnh lý của con người.
____
Vậy câu chuyện hiện tại của ông là gì?
Nói cho đúng thì đó là sự tiếp diễn của một câu chuyện, bởi tôi đã đi và về Việt Nam nhiều lần khi còn làm việc ở nước ngoài. Tôi về thăm quê hương lần đầu tiên vào năm 1994. Lúc ấy điều kiện trong nước thiếu thốn lắm, những đồng nghiệp ở trong nước bị hạn chế khá nhiều về thông tin cũng như phương tiện làm thí nghiệm. Năm 1997, sau khi tìm ra gien TIGR, tôi được một đồng nghiệp ở UCSF giới thiệu với Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (ĐHYD). Kể từ đó, có dịp là tôi lại về, thường thì một đến hai lần mỗi năm. Trong những lần đến thăm các trung tâm y tế lớn trong nước, tôi thấy có một vấn đề đáng quan ngại là những nơi đó chưa có cơ chế kiểm soát chính xác nhiều loại vi khuẩn trong quá trình truyền máu. Lúc ấy, một số người cũng biết tình trạng này, nhưng khó cải tiến vì gặp nhiều giới hạn trong kỹ thuật hiện đại. Về phần mình, tôi nhận ra rằng việc ứng dụng công nghệ tân sinh học có thể giải quyết mối lo này. Tôi hỗ trợ thông tin và tham gia huấn luyện cho bạn bè, làm nghiên cứu tại ĐHYD để khai triển phương pháp chẩn đoán vi khuẩn bằng gien, hay còn gọi là PRR. Gần đây, tôi mới biết là một số đồng nghiệp trong nước cũng đã triển khai PCR vào thời điểm đó nhưng thông tin này không được phổ biến rộng rãi.
____
Xin phép được cắt ngang. Đến nay, ngành y tế đã kiểm soát được triệt để vi khuẩn trong quá trình truyền máu chưa, thưa ông?
Vấn đề này đã giải quyết gọn ghẽ từ nỗ lực của các chuyên gia đầu tiên trong nước được huấn luyện về kỹ thuật PCR. Nhờ ứng dụng công nghệ chẩn đoán gien, hãng Nam Khoa, đã sản xuất thành công nhiều bộ kit chẩn đoán, được bán rộng rãi ở trong nước, và đủ khả năng cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Tôi nghĩ, những thành tựu khoa học, dù ít dù nhiều cũng cần được sự động viên kịp thời từ dư luận thông qua cầu nối là giới truyền thông.
Năm 2010, tôi nhận lời đề nghị về nước xây dựng kế hoạch và triển khai công nghệ sinh học tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, tôi đề xuất xây dựng một phòng thí nghiệm phục vụ chương trình nghiên cứu các vấn đề y tế Việt Nam trên cơ sở ứng dụng phương pháp tân sinh học, đồng thời tạo những cầu nối trong và ngoài nước để phổ biến thông tin khoa học và kỹ thuật cần thiết, nhằm đóng góp tích cực vào quá trình ứng dụng CNSH để nâng cao hiệu năng chăm sóc y tế cho người dân.
____
Theo ông, CNSH của Việt Nam đang đứng ở đâu?
Câu hỏi này là cần thiết cho kế hoạch phát triển CNSG của chúng tôi ở Việt Nam. Nhưng để trả lời một cách thấu đáo, tôi nghĩ mình cần tham khảo ý kiến từ các bạn đồng nghiệp cũng như có thêm thời gian lăn lộn trong thực tiễn.
Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài cũng như hợp tác trong nước, tôi đã hoàn thành một bản kế hoạch theo ba tiêu chí cơ bản. Một là các đề xuất nghiên cứu phải mang lại sản phẩm cần thiết cho y tế Việt Nam. Hai là có tiềm năng nâng cao công nghệ sinh học trong nước. Và ba là có thể triển khai được trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở đó, trước mắt, tôi tập trung vào một số lĩnh vực. Thứ nhất là phát triển kháng thể đơn dòng (KTDD), một phương tiện chẩn đoán chính xác và điều trị được thế giới thừa nhận là thuốc đặc trị hữu hiệu nhất hiện nay đối với nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư. Thêm nữa, KTDD cũng là công cụ cần thiết để triển khai các công trình nghiên cứu sinh học. Thứ hai là triển khai công nghệ tế bào tua (DC) nhằm điều trị ung thư bằng tế bào miễn dịch của chính bệnh nhân. Đây là công nghệ sinh học có tiềm năng lớn, hơn cả tế bào gốc, để trị nhiều bệnh ung bướu. Chúng tôi đã kêu gọi sự lưu tâm và tham gia của các nhóm nghiên cứu trong nước đối với công nghệ DC, vì so với hóa trị hoặc xạ trị, phương pháp này an toàn hơn. Công nghệ DC đã được cơ quan kiểm soát chất lượng dược – thực phẩm của Mỹ là FDA cho phép áp dụng trị ung thư tiền liệt tuyến ở Mỹ và hiện đang được nghiên cứu để điều trị nhiều bệnh ung thư khác. Một số nước ở khu vực châu Á cũng đã ứng dụng công nghệ này. Thứ ba la định hướng tạo vắc xin thế hệ mới. Đây là một mảng có khá nhiều vấn đề.
____
Ông có thể nói rõ hơn?
Tính hiệu quả của vắc xin hiện nay liên quan mật thiết đến yếu tố chủng tộc. Có thể những loại vắc xin mang lại hiệu quả tối ưu đối với người Pháp, người Mỹ nhưng khi tiêm ngừa cho người Việt Nam, hiệu quả chỉ đạt chừng 50%- 60%. Đấy là chưa kể nhiều trường hợp sau khi tiêm ngừa vắc xin bị sốc phản vệ, dẫn đến tử vong như đã từng xảy ra và được báo chí thông tin. Ngoài yếu tố chủng tộc, vi rút còn biến thể phức tạp do tác động của những thay đổi từ môi trường địa phương. Quá trình phát triển của Việt Nam bây giờ cũng giống như Đài Loan, Hàn Quốc giai đoạn thập niên 1970, tức là phát triển nóng, khiến môi trường sống bị thay đổi khá nhanh, là điều kiện lý tưởng để vi rút biến dị. Vì những lý do này, Việt Nam cần tự chủ nhiều hơn trong việc tạo vắc xin cho tương lai.
Theo phương pháp điều chế cổ điển, sản xuất vắc xin cần một quá trình dài, thành ra khi vắc xin đến với người dùng thì có thể vi rút đã chuyển sang một thể khác. Phương pháp tạo vắc xin thế hệ mới (VLP), nhanh, mạnh và an toàn hơn. Thực tế là từ nhiều năm qua, Việt Nam trở thành một đối tác lớn của thế giới trong sản xuất vắc xin. Các trung tâm nghiên cứu nước ngoài lấy những mẫu bệnh phẩm tại Việt Nam, đưa về nước họ phân tích, rồi từ đó điều chế vắc xin bán ra thị trường thế giới, trong đó nước ta là một thị trường tiêu thụ có nhu cầu khá lớn. Một thí dụ điển hình là Trường đại học Oxford, Anh. Họ đặt một trung tâm vệ tinh tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm thu thập những mẫu bệnh phẩm ở các địa phương và tổ chức nghiên cứu ngay tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, đơn vị này đã công bố hàng trăm bài báo trên các tạp chí quốc tế cùng hàng chục bằng sáng chế có giá trị kinh tế cao trong suốt hơn mười năm qua
____
Việc lệ thuộc vào vắc xin nhập khẩu phải chăng vì ngành dược của chúng ta không có khả năng điều chế vắc xin?
Đây là một thiếu sót về thông tin. Tôi nghĩ rằng kỹ thuật sản xuất vắc xin không quá khó như người ta vẫn nghĩ. Chúng ta hoàn toàn có thể điều chế được và thực tế là một khối lượng lớn vắc xin được sản xuất trong nước. Nếu nắm được các kỹ thuật mới như VLP và tổ chức hợp lý như mô hình vệ tinh của Đại học Oxford thì Việt Nam sẽ sản xuất được vắc xin thế hệ mới, giải quyết nhu cầu dịch tễ trong nước.
Có thể vì thiếu tự tin, lại bị những thông tin bên ngoài gây nhiễu, nên chúng ta chưa mạnh dạn đầu tư nghiên cứu những công nghệ mới. Nếu tự sản xuất vắc xin thì sẽ giảm được đáng kể gánh nặng đang đè lên hệ thống chăm sóc y tế. Cuba là một mô hình mà thế giới thán phục. Từ thập niên 1960, họ đã gửi người ra nước ngoài đào tạo về điều chế vắc xin. Kết quả là tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Cuba thậm chí còn thấp hơn Hoa Kỳ. Thành công của Cuba là nhờ cộng đồng khoa học về công nghệ sinh học của họ được đào tạo chuyên sâu, được tổ chức thống nhất và hiệu quả. Mới đây, Cuba cũng thành công trong việc điều chế vắc xin điều trị bệnh ung thư phổi. Công nghệ này các nước phương Tây vẫn chưa làm được.
____
Muốn làm thì trước hết là phải có tiền. Theo ông, ai sẽ là nhà đầu tư, tư nhân hay Nhà nước?
Đây là một vấn đề quan trọng về tổ chức và định hướng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nếu đòi hỏi chính phủ đầu tư hàng tỉ USD như Mỹ và nhiều nước tiên tiến đã làm là điều không tưởng. Theo tôi, chúng ta nên đi theo hướng công nghiệp hóa CNSH bằng cách tạo điều kiện cho các công ty dược trong nước tham gia đầu tư. Đây cũng là mô hình mà nhiều nước trên thế giới đã làm thành công. Khoảng 80% hãng dược trên thế giới hiện nay là hãng sinh dược (biopharmacitical), tập trung phát triển công nghệ sinh học ứng dụng trong y tế. Rất nhiều sản phẩm có giá trị hàng tỉ USD là chuyện bình thường.
Chúng ta nên đi theo hướng công nghiệp hóa CNSH bằng cách tạo điều kiện cho các công ty dược trong nước tham gia đầu tư. Đây cũng là mô hình mà nhiều nước trên thế giới đã làm thành công.
____
Thực tế cho thấy phần lớn những hãng dược trong nước tập trung cho những sản phẩm điều trị phổ thông như thuốc trị cảm sốt, đau nhức, tiêu hóa… Một mảng kinh doanh khác của họ là làm nhà phân phối những sản phẩm sử dụng cho các bệnh hiểm nghèo, trong đó có loại thuốc đặc trị, được nhập khẩu từ nước ngoài. Xem ra, các hãng dược trong nước bằng lòng với vai trò nhà phân phối vì ít rủi ro hơn là đầu tư cho công tác nghiên cứu?
Dược có hai trường phái. Một là cổ điển, chuyên sản xuất những loại thuốc điều trị thông thường như anh vừa nói. Theo quan sát của tôi, 99% các công ty dược Việt Nam theo trường phái này. Nhóm mới sản xuất sản phẩm sinh học đặc trị ở Việt Nam cũng đã có, nhưng chưa nhiều. Mặc dù đã cung cấp ra thị trường những sản phẩm điều trị cao, nhưng vẫn quá còn quá ít ỏi với nhu cầu y tế của Việt Nam.
Do không sản xuất được thuốc đặc trị nên việc chúng ta phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu là điều dễ hiểu. Đương nhiên, bệnh nhân phải chịu chi phí cao hơn. Dù muốn hay không thì việc phát triển CNSH trong lĩnh vực y tế không thể thiếu sự góp mặt của các công ty dược phẩm trong nước. Đi thăm nhiều công ty dược trong nước, tôi thấy họ rất sung túc về tài chính. Không biết đó có phải lý do khiến nhiều hãng dược tự bằng lòng, không cần làm thêm gì khác trong nhiều năm nay? Về mặt chiến lược, chính phủ cần định hướng lại ngành dược, tiến tới việc gia nhập phân khúc có hàm lượng công nghệ cao hơn. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty dược cùng tham gia phát triển CNSH – ngành khoa học của thế kỷ XXI.
Tôi nghĩ Việt Nam không thiếu tiền cho khoa hoc. Trước khi nhận lời làm việc tại khu công nghệ cao, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một số đối tác. Trong số này, có một ngân hàng trong nước sẵn sàng bỏ ra khoảng 20 triệu USD để chúng tôi phát triển KTĐD và công nghệ DC. Tuy nhiên, họ yêu cầu nhóm nghiên cứu tuyệt đối giữ bí mật thông tin, và độc quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu. Đành rằng việc họ đầu tư cũng nhằm phục vụ cho ngành y tế, nhưng giao kèo chặt chẽ như vậy khiến chúng tôi đành phải khước từ.
____
Ngoài tài lực, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là nhân lực. Theo ông, chất lượng nguồn lực này có đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghệ sinh học?
Có. Tôi biết hằng năm các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp cho thị trường lao động khoảng 1.000 cử nhân và chuyên viên công nghệ sinh học. Tiếc là những người làm đúng chuyên môn không nhiều do cung vượt cầu. Phần lớn những người làm nghề đều cần đào tạo, huấn luyện thêm để đáp ứng nhu cầu công việc. Nhưng điều khiến tôi lạc quan là phần lớn chuyên viên làm việc tại trung tâm của Trường đại học Oxford là người Việt. Đây là một trong những nhóm nghiên cứu được đánh giá khá cao tại khu vực châu Á. Ngoài ra, đã có những phòng thí nghiệm mũi nhọn về CNSG được cộng đồng khoa học thế giới biết đến thông qua những báo cáo khoa học đăng tải trên nhiều tạp chí quốc tế, chẳng hạn như phòng thí nghiệm tế bào gốc thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu gien của Đại học Y Hà Nội… Nghĩa là chúng ta có thể khắc phục từng bước chất lượng nhân lực thông qua việc thiết lập thêm các trung tâm và chương trình nghiên cứu giúp nguồn nhân lực này có điều kiện thực tập, cọ xát với công việc. Còn nhân lực ở trình độ cao, mà tôi thường ví như “kiện tướng”, thì đúng là thiếu trầm trọng. Trong một bữa tiệc họp mặt kiều bào đầu xuân năm nay, nhìn đi nhìn lại, tôi chỉ gặp được một đồng nghiệp Việt kiều về từ Canada. Thành thực mà nói cảm giác lúc đó cũng hơi… cô đơn giữa đám đông.
____
Nhà nước đã có nhiều chính sách để kêu gọi Việt kiều về xây dựng quê hương. Việc chất xám chảy về chưa nhiều phải chăng là bởi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học công nghệ cao?
Chuyện cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, theo tôi, không phải là một cản ngại chính. Khá nhiều bước tiến dài trong khoa học, kỹ thuật xuất phát từ điều kiện nghiên cứu thiếu thốn. Trường hợp cua GS Herbert Boyer cũng vậy. Không được tài trợ làm nghiên cứu, ông ấy mượn phòng thí nghiệm của người bạn để làm thí nghiệm. Làm khoa học cần tinh thần tự quyết, tự chủ, sáng tạo, nhằm sử dụng mọi nguồn lực một cách tối ưu. So với điều kiện làm việc của “cha đẻ” công nghệ sinh học thời đó, nhiều phòng thí nghiệm của Việt Nam hiện nay còn hiện đại hơn nhiều.
Về chính sách thu hút khoa học gia ở hải ngoại về đóng góp quê hương, tôi nghĩ Chính phủ nên đi thẳng vào những ưu – nhược điểm của thực tiễn khoa học trong nước. Thay vì lên kế hoạch trải thảm đỏ, đề xuất các ưu đãi, Chính phủ nên công bố cụ thể thông tin, chẳng hạn như Việt Nam đang gặp phải vấn đề gì, cần những chuyên viên như thế nào để chung tay giải quyết… Đấy mới là những điều mà người làm khoa học có lòng với đất nước thực sự quan tâm. Giá trị lớn nhất, quan trọng nhất đối với họ là được làm những công việc thiết thực theo đúng sở năng, và được thấy những đóng góp của mình hữu ích cho cộng đồng.
Thay vì lên kế hoạch trải thảm đỏ, đề xuất các ưu đãi, Chính phủ nên công bố cụ thể thông tin, chẳng hạn như Việt Nam đang gặp phải vấn đề gì, cần những chuyên viên như thế nào để chung tay giải quyết… Đấy mới là những điều mà người làm khoa học có lòng với đất nước thực sự quan tâm.
____
Trở lại với công việc của ông tại khu công nghệ cao. Chừng nào những đề xuất của ông sẽ được triển khai?
Hiện tại, tôi đang tiến hành mọi việc theo trình tự. Tôi cần hoàn chỉnh một số đề xuất và chờ đợi tài trợ.
____
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, e rằng ông phải kiên nhẫn?
Tôi biết chuyện này không nhanh được. Tôi luôn tin tưởng rằng dù ở Mỹ hay Việt Nam, nếu thấy mình thực sự có năng lực, Chính phủ sẽ cho phương tiện để làm. Nhưng nếu vì lý do nào đó mà chưa được cung cấp các phương tiện cần thiết để xây dựng tòa nhà khoa học thì mình “làm vườn, trồng cây”. Một mục tiêu quan trọng của khoa học là thông tin và giáo dục. Tôi vẫn tiếp tục cập nhật và phổ biến thông tin, tham gia huấn luyện, đóng góp ý kiến tại các hội thảo chuyên ngành… Tôi cũng đang ấp ủ ý định viết sách về những ngành công nghệ sinh học mũi nhọn trong lĩnh vực y tế.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.