Có không ít cuốn sách viết về sự tử tế và mang đến những lời khuyên răn mỗi người nên sống một cuộc đời tốt đẹp với người khác. Nhưng Giá trị của sự tử tế là cuốn sách đặc biệt ấn tượng.
Giá trị của sự tử tế của Piero Ferrucci là cuốn sách được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nhận định là tiếng lòng của ông.
Đây không phải là một cuốn sách rao giảng về đạo đức hay luân lý mà phân tích tâm lý sâu sắc để chứng minh niềm tin mãnh liệt của tác giả, rằng sự tử tế là điều quý giá mà mỗi người đều nên nuôi dưỡng cho chính mình. Cuốn sách minh giảng cho lòng tốt dưới góc nhìn hoàn toàn khoa học.
Không chỉ nêu rõ giá trị của lòng tốt, tác giả còn cho người đọc biết rõ lòng tốt sinh ra từ đâu và làm sao mỗi người có thể nhen nhóm và duy trì được sự tử tế trong chính mình.
Không lớn lao như những vấn đề của thế kỷ như nạn đói, chiến tranh, ngược đãi, lạm dụng, ô nhiễm, phế thải… đang gây đau đầu cho cả thế giới và khiến cho số đông cảm thấy bất lực.
- Xem thêm: Nghe niềm vui trong từng giây sống
Trong cuộc sống mà mọi thứ đang quá nhanh, hỗn loạn và ngày càng lạnh nhạt, con người ngày càng xa cách, vị kỷ và tư lợi hơn, lòng tốt dường như là điều ít được ai chú trọng bồi dưỡng. Nhưng điều tưởng như không quan trọng ấy lại ảnh hưởng to lớn đến chính cuộc sống của mỗi người.
Theo Piero Ferrucci, nếu mỗi người đánh mất sự tử tế cố hữu trong mình, thì mọi thứ khác trong đời dù có đạt được cũng sẽ trở nên vô nghĩa.
Để diễn giải và trình bày điều này, Piero dẫn dắt người đọc qua từng chương sách, với mỗi chương là một phẩm chất thiết yếu mà mỗi người cần có để xây dựng được sự tử tế trong chính mình và lan tỏa đến với người khác.
Những phẩm chất đó gồm: trung thực, không làm hại, sự ấm áp, sự tha thứ, sự tiếp xúc, cảm giác được thuộc về, lòng tin, tỉnh thức, thấu cảm, khiêm nhường, kiên nhẫn, hào phóng, tôn trọng, sự linh hoạt, ký ức, lòng trung thành, lòng biết ơn, hết mình, niềm vui .
Rất dễ để bạn đọc có thể hiểu ý tứ của Piero khi liên kết sự tử tế với những phẩm chất như trung thực, không làm hại, tha thứ, trung thành, biết ơn, hào phóng, kiên nhẫn.
Nhưng đi xa hơn thế nữa, tác giả phân tích những điều tinh tế trong mỗi phẩm chất này cũng như các khía cạnh mở rộng có liên quan.
Ông định nghĩa sự trung thành: “Trong những mối quan hệ ấy, điều quan trọng nhất không phải là bòn rút từ đối phương một món lợi hữu hình, mà là cảm giác khoan khoái lạ lùng bắt nguồn từ việc luôn ở bên, giúp đỡ và bầu bạn, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra và thậm chí có phải chịu thiệt thòi khi làm những điều ấy. Đó là việc nên làm. Sự vững vàng ngay cả trong gian khó và những thời khắc thử thách là một nguyên liệu thiết yếu để tạo nên lòng tốt. Nó được gọi là sự trung thành”.
Trong phẩm chất trung thành, tác giả nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm và sự chung thủy. Và phẩm chất trung thành ở đây không chỉ là niềm tin mù quáng hay tuyệt đối vào người hay vật bên ngoài.
Tác giả viết: “Lòng trung thành là vậy: là trung thành với bản thân mình trước và trên hết. Tinh thần trách nhiệm không gì hơn là sự liền lạc trong nội tâm. Chung thủy là việc trung thành với cảm xúc của chính mình”.
Hay như trong phẩm chất lòng biết ơn, Piero phân tích: “Khả năng nhìn thấy giá trị ngay cả trong những tình huống khiêm nhường, tầm thường nhất rất cần thiết cho sự hạnh phúc của chúng ta, hoặc chí ít là cho sức khỏe tinh thần và thể chất của ta”. Chính nhờ đó mà lòng biết ơn sẽ lan tỏa sự tử tế.
Còn với những phẩm chất như sự linh hoạt, ký ức, kiên nhẫn, hết mình, niềm vui… dù thông thường không mấy được liên hệ với lòng tốt, nhưng ngòi bút của Piero đã đặt chúng ngay ngắn vào hàng ngũ với những lập luận sắc bén.
Ông nói về sự linh hoạt: “Đối mặt với sự thay đổi không ngừng, Đạo giáo khuyên ta nên mềm dẻo như nước, chảy lên phía trên và rẽ qua những tảng đá, uốn mình để tiến về phía trước. Nếu ta có thể buông bỏ những gì ta hằng tin nhất, thì ta có thể mở lòng để đón nhận cái mới, kể cả sự nghịch lý hay vô lý”. Ta thấy sự linh hoạt mở cho ta khả năng ít phán xét người khác hơn.
Về ký ức, ông chỉ rõ: “Những gì không cần nữa, ta lập tức loại bỏ. Nghe có vẻ đáng ngờ, nhưng thái độ này đang tồn tại trong mối quan hệ giữa người với người, chỉ là khó nhận thấy và ít tàn nhẫn hơn thôi. Ta để những người mà ta không còn quan tâm nữa rơi vào quên lãng”.
Từ đó ông giảng giải tại sao những người không trân trọng giữ gìn ký ức của mình khó có thể lưu giữ được lòng tốt. Bởi theo ông chính ký ức làm nên một cá nhân. Từ việc trân trọng những điều đã trải qua, ta biết tử tế với mọi điều xung quanh.
Với Piero, nền văn hóa ta đang sống đề cao lòng tự tôn và xem việc nhún nhường là yếu đuối và thất bại. Thế nên lòng tốt đơn thuần thường không được xem trọng. Thay vào đó ta thường mang thứ lòng tốt giả mạo, là tấm che cho sự lịch sự và mưu cầu lợi ích.
Nhưng chỉ có sự tử tế vô vụ lợi và tính toán mới mang lại niềm vui thực sự cho đời người. Và ngược lại, chính niềm vui, thái độ vui vẻ, lạc quan lại chính là cội nguồn của lòng tốt.
Đọc Giá trị của sự tử tế độc giả sẽ thẩm thấu và bị thuyết phục một cách chắc chắn về việc nên nuôi dưỡng lòng tốt là điều quan trọng và cấp thiết. Piero mang đến sự giác ngộ này một cách nhẹ nhàng, không chút cưỡng ép. Đó là điều hiển nhiên tồn tại trong lòng mỗi người, chỉ là cuộc sống bận rộn và xa cách khiến chúng ta thờ ơ.
Nhưng cơ hội để thực hành lòng tốt ở xung quanh chúng ta. Chúng ta sống nương tựa vào nhau, do đó tất cả những gì ta cần làm là nhìn ra cơ hội để bày tỏ và trau dồi lòng tốt.
Thực hành lòng tốt không chỉ kết nối ta với con người thực trong mình. Nó cũng hướng sự quan tâm của ta tới sự bình an của những người xung quanh. Chúng ta đều liên kết với nhau.
Piero cũng cảnh báo việc theo đuổi sự tử tế không phải là việc đơn giản và dành cho người thiếu kiên định. Nhưng đó là việc mà mỗi người đừng bao giờ nên từ bỏ.
Ông kết lại quan điểm của mình: “Thực hành lòng tốt là thể hiện chính kiến. Lòng tốt tự bản thân nó chưa chắc đã giúp đỡ được ai: lòng tốt của chúng ta có thể không mang lại kết quả gì.
Số tiền chúng ta gửi đi để giúp giảm bớt nạn đói có thể được sử dụng một cách thiếu khôn ngoan. Mỗi chai nhựa ta nhặt lên ở bờ biển hôm nay, hôm sau lại có mười chai khác bị ném xuống. Nhưng đừng bận tâm bởi ta đã khẳng định một chân lý, một lẽ sống”.
Cuối tập sách, Piero đưa ra một số gợi ý ngắn để bạn đọc có thể tự rèn luyện sự kiên định cho bản thân khi theo đuổi sự tử tế. Đó là: hít thở, tưởng tượng, ghi nhớ, viết lách, mường tượng, tận hưởng cái đẹp. Thưởng thức cái đẹp là cách dễ dàng nhất để trau dồi lòng tốt.
Giá trị của sự tử tế là cuốn sách mà sau khi đọc xong, bạn không chỉ có cách hiểu cốt lõi và sâu sắc về lòng tốt, mà còn biết cách nào để xây dựng lòng tốt vững chắc bên trong mình.