Không như các khu vực tự nhiên khác trên thế giới, hệ sinh thái Khu Bảo tồn Hoa núi Hảo Vọng, Nam Phi phụ thuộc vào lửa. Các loài thực vật bản địa có thể giữ nụ tới hàng chục năm không nở, chờ hỏa hoạn thiêu trụi vùng đất thành tro mới chịu trổ bông.
Bị cháy mới nở hoa
Khu Bảo tồn Hoa núi Hảo Vọng là vùng đất bảo tồn quan trọng nhất của Nam Phi, quốc gia ở Lục địa Đen. Nó có tên tiếng Anh là Cape Floral Kingdom, nổi tiếng là “vương quốc tự nhiên” của thế giới. Sự đa dạng sinh học được chia thành 3 cấp độ: vùng (zone), khu vực (region) và vương quốc (kingdom), dựa trên mức độ phong phú của hệ động-thực vật. Toàn cầu chỉ có 6 vương quốc tự nhiên là Holarctic Kingdom, Paleotropical Kingdom, Neotropical Kingdom, Australian Kingdom, Antarctic Kingdom và Cape Floral Kingdom.
Diện tích của Vương quốc Cape Floral rất lớn, 1.094.742 hecta. Nó cũng sở hữu vùng đệm rộng mênh mông, 798.514 hecta, nâng tổng diện tích lên tới 1.893.256 hecta. Trong vương quốc tự nhiên này sinh trưởng 9.600 loài thực vật, nhiều gấp 3 lần rừng nhiệt đới Amazon (châu Mỹ). Đặc biệt, có tới 70% các loài cây cối ở đây là không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Phần lớn các giống thực vật của Khu Bảo tồn Hoa núi Hảo Vọng thuộc nhà Fynbos, bao gồm 6.000 loài. Địa cầu có tổng cộng 8.500 loài Fynbos, và 80% tập trung tại Nam Phi. Trên khắp Khu Bảo tồn Hoa núi Hảo Vọng, Fynbos chiếm lĩnh mọi mét đất. Chúng mọc thành những quần xã thực vật dày đặc, được phân thành 4 họ lớn là Protea, Erica, Restio và Geophyte. Trong 4 họ này, Protea vượt trội về số lượng. Nó nổi bật với kích thước cây bụi tương đối lớn, bông hoa cực to và nở đẹp lộng lẫy. Dù vậy, không dễ để được chiêm ngưỡng hoa Protea. Loài cây này giữ nụ siêu lâu, có thể kéo dài cả vài thập kỷ. Các nhà sinh học phải gọi nó là “nụ ngủ đông”.
Trong khi các loài thực vật khác chờ mùa xuân để bung hoa, Protea kiên trì đợi… lửa. Phải đến khi toàn khu vực bốc cháy, thiêu rụi mọi thứ thành tro, nụ Protea mới thức tỉnh. Chưa đầy một tuần sau ngày hỏa hoạn, nó đã nhú ra khỏi đầu cành. Giữa không khí oi bức và cái nắng gay gắt của châu Phi, nó lớn nhanh như thổi. Chẳng bao lâu, nụ Protea đã sẵn sàng bung cánh. Khắp Cape Floral Kingdom, họ Protea đồng loạt trổ bông. Khu Bảo tồn Hoa núi Hảo Vọng bước vào thời điểm rực rỡ nhất, thu hút hàng triệu du khách tới ngắm.
Còn biết lợi dụng lửa
Trừ Protea, các loài thực vật ở Cape Floral Kingdom vẫn ra hoa đều đặn theo chu kỳ của từng giống. Tuy nhiên cũng như Protea, tất cả đều cần đến lửa. Nam Phi là đất nước nóng nực, hiếm mưa thừa nắng, dễ bị cháy rừng. Hầu hết các cây bản địa đã quen với hỏa hoạn. Chúng không chỉ tự trang bị kỹ năng chống lửa mà còn biết lợi dụng để sinh tồn.
Ngoài các giống cây đặc hữu, Khu Bảo tồn Hoa núi Hảo Vọng còn nhiều loài xâm lấn. Chúng do gió, động vật và con người mang từ xa tới, tranh chấp dinh dưỡng trên mảnh đất khô cằn. Để đối phó, các loài bản địa phát triển vỏ hạt siêu dày và cứng. Khi cháy rừng xảy ra, những kẻ xâm lấm bị lửa diệt sạch tận gốc. Đúng lúc này, hạt của các loài bản địa nhờ lửa đốt mất phần vỏ cứng và dày mới nảy mầm. Không còn “giặc ngoại”, chúng thoải mái đâm rễ nẩy lá, phát triển ào ạt trên lớp tro mới màu mỡ. Cứ khoảng 10-20 năm, Vương quốc Cape Floral lại cần bị cháy một lần. Trước khi trở thành khu bảo tồn, sự cháy ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Về sau, nó do con người xếp đặt. Các nhà môi trường quy hoạch nơi này thành nhiều mảnh, tính toán thời gian và quyết định thời điểm đốt thích hợp nhất. Nhờ thế mà những người yêu hoa Protea cũng có nhiều cơ hội ngắm chúng hơn.
Dù không nổi tiếng như Protea, 3 họ còn lại của nhà Fynbos không kém cạnh về vẻ đẹp. Tuy cùng một nhà, mỗi loài Fynbos lại sở hữu những đặc trưng riêng. Chúng có từ kiểu lá mọng nước đến lá mỏng, cây bụi thấp đến bụi cao, thân lùn mập tới gày nhẳng. Chúng tụ tập thành những vạt lớn, có khi trải dài 120 km và rộng 100 km duyên hải. Hoa Fynbos mang nhiều kiểu dáng, từ đơn giản như hoa cúc dại đến trang đài như hoa lưu ly, thanh thoát tựa hoa chuông. Theo ước tính của các nhà bảo tồn Cape Floral Kingdom, Fynbos chiếm tới 50% bề mặt. Nhờ sự đa dạng của chúng, nơi này mới lừng danh vương quốc hoa. Quanh năm suốt tháng, Khu Bảo tồn Hoa núi Hảo Vọng luôn có loài Fynbos trổ bông. Chúng tràn thác sắc màu rực rỡ trên các sườn đồi, bãi đá, cánh đồng cỏ.
Sinh kế của người dân
Trong Vương quốc Cape Floral, Fynbos được chia thành 2 vùng sinh thái là trên và dưới 300m so với mực nước biển. Chúng phát triển mạnh hơn ở điều kiện độ cao từ 300m trở xuống, nhưng chủ yếu bao gồm các loài cây bụi thấp, trong đó có 2 loài siêu giá trị kinh tế: Rooibos và Honeybush.
Như nhiều khu vực bảo tồn trên thế giới, Vương quốc Cape Floral cũng cho phép cư dân canh tác bền vững với môi trường. Từ hàng ngàn năm trước, người Nam Phi đã biết phơi khô cây Rooibos và hoa Honeybush làm trà nấu nước uống. 2 loại thực vật này nổi tiếng giàu vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức khỏe, kháng bệnh tật. Ngày nay, khoa học còn phát hiện chúng hỗ trợ chống ung thư, lão hóa, có thể sử dụng trong cả công nghệ mỹ phẩm và sản xuất rượu.
Trên khắp vùng đệm và các khu vực thấp của Khu Bảo tồn Hoa núi Hảo Vọng, Rooibos và Honeybush được trồng bạt ngàn. Ngoài chúng, người Nam Phi còn tận dụng nhiều loài Fynbos khác đánh thành phên, be và lợp nhà thân thiện với môi trường. Họ cũng xuất khẩu hoa Protea quý và nhiều loài hoa đặc hữu khác, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Mặc dù không đa dạng bằng hệ thực vật, thế giới động vật ở Cape Floral Kingdom cũng khá ấn tượng. Chí ít, khu bảo tồn này là nhà của 320 loài chim, 22 loài rắn cùng nhiều loài có vú. Đặc biệt, đây là nơi sinh trưởng của loài chuột kỳ lạ nhất Trái đất: Procavia capensis. Chúng có bề ngoài đặc sệt đám chuột lang, nhưng lại họ hàng với nhà voi châu Phi.
- Xem thêm: Dưới bầu trời Nam Phi bao la