Tốt nghiệp THPT, lên đại học, tốt nghiệp rồi đi làm – đó giống như là một lịch trình lý tưởng được lên sẵn cho phần lớn các bạn trẻ. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ đã chọn nghỉ xả hơi và dành từ một đến hai năm trước khi tiếp tục các giai đoạn tiếp theo của lịch trình này. Khoảng thời gian đó được gọi là “gap year” – năm chuyển tiếp. Nghe thì có vẻ như năm chuyển tiếp là một sự lãng phí thời gian, nhưng trên thực tế, nếu biết vận dụng một cách hợp lý thì đây là giai đoạn có thể sẽ thay đổi cuộc sống của một bạn trẻ theo hướng tích cực và quan trọng hơn, giúp các bạn trẻ có một định hướng đúng cho tương lai của mình.
Gap year – xả hơi trong bận rộn
Ở các nước phương Tây, nơi khái niệm “gap year” đã trở nên phổ biến, thì đấy là phương pháp hiệu quả cho các bạn trẻ dù đã tốt nghiệp THPT nhưng vẫn chưa quyết định được sẽ theo ngành học nào. Lý luận được đưa ra là khá thuyết phục: “Thà nghỉ một năm để xem xét mình thực sự đam mê với ngành học nào còn hơn lựa chọn vội vàng để rồi lãng phí nhiều thời gian hơn nữa”. Trong khoảng thời gian “gap year”, các bạn có thể lựa chọn đi du lịch, làm thêm, làm tình nguyện trong các dự án cộng đồng hay đơn giản chỉ là học thêm một lớp năng khiếu nào đó mà mình chưa bao giờ có thời gian theo học trước đây. Nếu lựa chọn hoạt động một cách “có chiến lược”, sau “gap year”, nhiều bạn còn có khả năng xin vào học ở những trường danh giá hơn hay thậm chí là xin được cả học bổng, điều mà có thể trước “gap year” các bạn không thể làm được.
Đây cũng chính là bí quyết mà nhiều bạn trẻ truyền cho nhau khi xin học bổng. Một trong những điểm yếu của sinh viên Việt Nam là thiếu các hoạt động ngoại khóa cũng như kinh nghiệm sống. Thiếu kinh nghiệm sống, bài luận xin học của các bạn thường chung chung, không có gì đặc biệt, không thể hiện được những suy nghĩ độc đáo và vì vậy khó có thể gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh. Nếu thấy mình vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này, đừng nản lòng mà từ bỏước mơ du học. Một năm “gap year” nếu được tận dụng hiệu quả, sẽ mang lại cho các bạn rất nhiều kinh nghiệm sống quý giá, giúp làm dày lên bảng thành tích xin học của mình. Một ví dụ về một bạn trẻ có “gap year” rất dài chính là Huyền Chip, cô không chỉ dành 1-2 năm “gap year” mà là rất nhiều năm. Bỏ qua những lùm xùm và tranh cãi, chỉ xem những thành quả mà cô gái trẻ này thu được trong quãng thời gian đó: hai cuốn sách ăn khách, rất nhiều trải nghiệm cùng một học bổng toàn phần tại Đại học Stanford. Thử hỏi nếu không có những thành tích và trải nghiệm của mình, liệu Huyền Chip có thể dễ dàng đạt được phần học bổng danh giá như vậy?
Câu chuyện của Huyền Chip có thể không phải là một ví dụ điển hình nhất cho “gap year” vì trên thực tế không có nhiều bạn trẻ dành nhiều thời gian như vậy cho giai đoạn này. Đa phần các bạn chỉ cần khoảng 1-2 năm để có thể đạt được kết quả mình mong muốn. Quan trọng không phải là thời gian “gap year” dài bao lâu, mà là những gì bạn đã làm được. Trong Hội thảo Du học VietAbroader hằng năm, luôn có một phần để thảo luận về “gap year”, cho thấy sức nóng thật sự của chủ đề này. Cũng có không ít những bạn trẻ đã thành công khi mạnh dạn chọn “gap year” như bước đệm vào đại học.
Xuất thân trong một gia đình không khá giả, ước mơ du học cũng được nhen nhóm khá muộn vào cuối năm lớp 11 với một kết quả học tập không mấy “sáng sủa”, Nguyễn Hùng Lâm tưởng chừng không bao giờ thực hiện được ước mơ du học của mình. Tuy nhiên, Hùng Lâm đã quyết tâm không từ bỏ, lao vào học tập và đạt kết quả tốt hơn vào năm lớp 12. Thành tích này vẫn chưa đủ để Hùng Lâm giành được suất học bổng nào. Tuy nhiên, Hùng Lâm đã thực hiện được kỳ tích sau hai năm, được 12 trường đại học tại Mỹ nhận và trao học bổng ở nhiều mức khác nhau. Cuối cùng, Hùng Lâm chọn Đại học Luther College với suất học bổng toàn phần. Trong hai năm “gap year” của mình, bí quyết của Hùng Lâm chỉ là luyện thật kỹ các bài thi đầu vào của các trường đại học Mỹ cũng như tích cực tham gia vào các hoạt động mình yêu thích như bóng chuyền, nhảy hip-hop và dạy học.
Thực hiện “gap year” – bài toán không dễ
Dù có rất nhiều ưu điểm như trên, “gap year” vẫn là một sự lựa chọn khá mạo hiểm, nhất là khi các bạn trẻ cảm thấy còn mông lung về những dự định của mình. Tuy là giai đoạn chuyển tiếp để xả hơi nhưng việc có một định hướng rõ ràng về những điều mình muốn làm lại rất quan trọng. Việc lên kế hoạch cũng giúp các bạn trẻ tự đánh giá liệu “gap year” có thật sự là việc cần thiết lúc này, cũng như liệu nó có mang lại những kết quả như mong đợi hay không. Cũng phải xác định rõ xem mục đích dành ra một thời gian “gap year” của mình là gì, liệu có phải chẳng qua là bạn đang sợ phải vào guồng đại học và muốn vui chơi thêm một thời gian nữa hay không? Trong trường hợp đó, đừng mong đợi “gap year” sẽ mang lại cho bạn một kết quả tích cực cụ thể nào.
Tuy nhiên, cũng đừng lên kế hoạch “gap year” quá kỹ càng, cứ sẵn sàng trước tất cả các khả năng có thể xảy ra. Mặc dù “gap year” có thể làm dày lên bảng thành tích và kinh nghiệm của bạn nhưng cũng đừng quá mong đợi nó sẽ mở ra cho bạn cánh cửa du học. Hãy cứ đến với “gap year” bằng đúng tâm lý thoải mái, không quá kỳ vọng. Tập trung nhiều hơn vào những trải nghiệm mà mình sẽ có thay vì những kết quả mà mình sẽ đạt được. Hãy chọn những hoạt động mà bạn thích thay vì những hoạt động “hợp thời”. Tùy vào từng bạn mà các hoạt động có thể khác nhau: có bạn thích làm các công việc tình nguyện để giúp đỡ những người kém may mắn, có bạn lại muốn đi du lịch “bụi” để tận mắt trải nghiệm cuộc sống cùng những khác biệt về văn hóa, có những bạn yêu nghệ thuật lại muốn thực hiện các dự án có thể gây ảnh hưởng đến cộng đồng…
Nhật Hà