Có một người luôn tự hào về môn võ Vovinam trong gần 50 năm sống và làm việc trên đất khách. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các lớp huấn luyện môn võ này tại CHLB Đức đồng thời huấn luyện con cái thành các HLV Vovinam. Ông là võ sư Trần Đại Chiêu, Phó chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo CHLB Đức (DVVF), Phó chủ tịch, thành viên Hội đồng Võ sư Vovinam Việt Võ Đạo châu Âu.
Góp sức xây dựng cộng đồng Vovinam tại Đức
Vovinam là môn võ truyền thống của Việt Nam được hình thành từ môn vật cổ truyền kết hợp với tinh hoa của các môn phái võ thuật trên thế giới. Dựa trên nguyên lý cương nhu phối hợp, môn sinh được tập luyện những đòn thế tay không, cùi chỏ, chân, gối hoặc phối hợp với các loại vũ khí như kiếm, đao, mã tấu, dao, côn, quạt… Vovinam không chỉ có hệ thống kỹ thuật tự vệ hữu hiệu mà còn có những triết lý nhân sinh quan nhân văn và sâu sắc. Người học môn võ này luôn phải thực hiện “cách mạng tâm thân” để phát triển, hướng thiện về thân, tâm, trí đồng thời biết sống cho mình và sống cho mọi người.
Trần Đại Chiêu bắt đầu luyện tập võ Vovinam từ đầu năm 1966 trong chương trình “Học đường mới” dưới sự hướng dẫn của võ sư Trần Văn Bé tại Trường Trung học Pétrus-Ký (Sài Gòn). Khi sang Tây Đức du học vào năm 1970, chàng sinh viên Trần Đại Chiêu lúc đó tuy mới mang Hoàng đai đệ nhị cấp nhưng vẫn tự tin xin mở lớp huấn luyện Vovinam trong câu lạc bộ thể thao của Trường Đại học Stuttgart, nhằm cổ vũ phong trào sống khỏe trong cộng đồng du học sinh người Việt. Sau khi tốt nghiệp, tuy khá thành công với nghề kỹ sư công nghệ thông tin nhưng trong ông vẫn luôn canh cánh với sự nghiệp Vovinam trên đất khách. Ông cũng nhận thấy các môn sinh nước ngoài rất thích tìm hiểu nguồn gốc, triết lý của Việt Võ Đạo… Thế nên, từ tháng 4-1985, ông Trần Đại Chiêu thành lập một lớp tập Vovinam vào buổi tối, sau giờ làm việc tại thành phố Frankfurt am Main. Đúng như ông nghĩ, lớp võ thu hút khá nhiều người Việt và người Đức tham gia. Không ít cha mẹ chọn gởi con vào lớp Vovinam như một cách đầu tư cho sức khỏe và sự tự tin. Đặc biệt, một số trẻ bị trầm cảm đã trở nên tự tin, yêu đời và đạt kết quả học tập ở trường tốt hơn nhờ luyện tập Vovinam. Từ đó đến nay, Vovinam tại Đức đã phát triển thành một cộng đồng lớn ở nhiều tầng lớp và sắc dân. Các võ sư người Việt và người bản xứ đều chủ động quảng bá Vovinam trong đại chúng, và đưa vào giảng dạy trong những câu lạc bộ gắn kết với các trường đại học, trung học, trung tâm thể dục thể thao… Giới nghiên cứu dân tộc học của Đức cũng rất lưu tâm đến Vovinam và tỏ ra tâm đắc với triết lý, nhân sinh quan của môn võ này.
Năm 2012, võ sư Trần Đại Chiêu là một trong các thành viên quan trọng góp phần thành lập DVVF, tạo sợi dây gắn kết giữa những người con xa xứ với nguồn cội, dân tộc Việt Nam đồng thời tuyên truyền cho môn võ độc đáo của dân tộc ra thế giới ngày càng sâu rộng hơn. Võ sinh Vovinam không chỉ được học các thế võ mà còn có cơ hội tìm hiểu lịch sử, những nét đặc sắc của nền văn hóa, võ học truyền thống Việt Nam. Các thành viên cũng được huấn luyện để tham gia vào các giải thi đấu quốc gia và quốc tế.
Nỗ lực của võ sư Trần Đại Chiêu cùng DVVF đã góp phần tạo nên một cộng đồng luyện tập Vovinam tại Đức. Từ năm 2002 đến nay, võ sư còn nhiều lần “dốc tiền túi” để đi huấn luyện cho một số câu lạc bộ Vovinam Việt Võ Đạo ở các quốc gia Đông Âu như: Ba Lan, Nga, Uzbekistan. “Đó là những chuyến đi đến một số vùng xa xôi hẻo lánh, điều kiện sống rất thiếu thốn nhưng lại có nhiều người yêu thích võ Việt Nam. Tôi không ngại đi xa, sống kham khổ vì đây là dịp để tôi được kết bạn với những người cùng đam mê. Hơn nữa, chúng ta cần dang rộng vòng tay để đón nhận mọi người bằng tình võ đạo cao cả và bằng cả sự yêu thương, đó là triết lý nhân sinh của Vovinam”, võ sư chia sẻ.
Truyền nghề cho con
“Được là người Việt Nam, từng luyện tập môn võ độc đáo của dân tộc, đó là niềm tự hào lớn. Vì vậy, tôi muốn truyền lại cả tiếng mẹ đẻ cùng môn võ này cho các con để dù sống ở bất cứ nơi nào, con tôi cũng không quên cội nguồn của mình”, võ sư Trần Đại Chiêu nhấn mạnh. Chính vì vậy, dù sinh ra trên nước Đức, hai người con trai của ông – Trần Đình Du và Trần Đình Ân – đều thông thạo tiếng Việt. Ông nói: “Trong nhà, vợ chồng tôi luôn nói tiếng Việt để các con phải quen với tiếng nói quê hương”.
Khi các con vừa vào tuổi mẫu giáo, ông đã bắt đầu dạy Vovinam cho con. “Thật vui vì cả các con tôi đều có niềm đam mê Vovinam như cha. Cũng như với các môn sinh, tôi dạy hết những kiến thức mình có cho con và sẵn lòng học hỏi những điều mình chưa biết”, võ sư bày tỏ. Hiện nay, hai người con trai của ông đều là các môn sinh Vovinam và đã nhiều lần đoạt huy chương vàng, huy chương bạc ở các giải vô địch thế giới và vô địch châu Âu. Hai anh cũng đang giúp cha huấn luyện Vovinam tại hai câu lạc bộ thuộc thành phố Frankfurt am Main, CHLB Đức.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng Vovinam nói riêng và võ thuật cổ truyền Việt Nam nói chung là di sản văn hóa, ghi lại lịch sử đáng tự hào của dân tộc. Và nước ta rất cần những người có tâm huyết, đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi như võ sư Trần Đại Chiêu để góp công lớn đưa Vovinam Việt Võ Đạo và cả tinh hoa văn hóa dân tộc ngày càng lan rộng, đến với nhiều bạn bè thế giới.
- Thanh Nhã