Hội đồng quản trị Techcombank sẽ trình cổ đông thông qua việc bầu ông Hồ Anh Ngọc – em trai ông Hồ Hùng Anh – làm thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng nhiệm kỳ 2021-2024.
Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, Hội đồng quản trị ngân hàng sẽ đề cử ông Hồ Anh Ngọc – em trai ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank – làm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2019-2021.
Ông Hồ Anh Ngọc sinh năm 1982, có bằng Thạc sỹ kinh tế trường đại học Macquarie Sydney, Úc. Hiện ông Ngọc đảm nhận các vị trí gồm: Chủ tịch Ban đại diện miền Nam của Techcombank, Chủ tịch Công ty One Mount Group, Chủ tịch Công ty 1MG Housing, Chủ tịch Công ty One Distribution.
Trước đó, ông Hồ Anh Ngọc từng đảm nhận nhiều vị trí tại Techcombank gồm: trợ lý ban giám đốc, phó giám đốc trung tâm thẻ dịch vụ tiêu dùng, phó giám đốc, giám đốc chi nhánh TPHCM, giám đốc điều hành các hoạt động dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại phía Nam từ tháng 1-2007.
Từ tháng 1-2013 tới tháng 5-2018, ông đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch và Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản Techcombank (Techcombank AMC). Bên cạnh đó, ông cũng từng là lãnh đạo của Công ty Đầu tư INB, Công ty đầu tư Thảo Điền, Công ty dịch vụ Mai Thành.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2021, Hội đồng quản trị Techcombank dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất 19.800 tỉ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020.
Dư nợ tín dụng lên kế hoạch tăng 12% lên 356.199 tỉ đồng hoặc cao hơn, nhưng nằm trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Còn giá trị huy động vốn – bao gồm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân – dự kiến đạt 334.291 tỉ đồng, tăng trưởng ít nhất 14,7% và phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế.
Hội đồng quản trị ngân hàng cũng đặt ra mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3-5) dưới ngưỡng 2%.
Về phương hướng hoạt động năm 2021, Hội đồng quản trị Techcombank cho biết sẽ nâng hiệu suất bằng việc tập trung nguồn lực gia tăng số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA), tập trung vào các chuỗi giá trị mua nhà, bất động sản và khách hàng có thu nhập cao.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ tập trung nguồn lực vào các nền tảng ngân hàng giao dịch với khách hàng và thực hiện một số công việc, gồm: nâng cấp các quy trình tín dụng; đưa ra quy trình phù hợp với các khách hàng, giảm tối đa thời gian đạt được “chấp thuận”; phân tích dữ liệu để có những hiểu biết sâu sắc về khách hàng; tạo nền tảng công nghệ cho việc xây dựng và triển khai các sản phẩm và dịch vụ tài chính chuyên biệt.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Techcombank tiếp tục trình cổ đông phương án phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu (ESOP) cho người lao động được lựa chọn với mức giá 10.000 đồng mỗi cổ phiếu hoặc cao hơn, tuỳ theo nhóm đối tượng phát hành. Những cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm.
Về việc sử dụng lợi nhuận chưa phân phối, Hội đồng quản trị ngân hàng dự kiến trình cổ đông thông qua phương án giữ lại lợi nhuận năm 2020 – thay vì chia cổ tức – để phục vụ hoạt động kinh doanh. Như vậy, Techcombank sẽ sở hữu khoảng 26.743,3 tỉ đồng lợi nhuận còn lại chưa phân phối, gồm: 10.684,4 tỉ đồng lợi nhuận còn lại năm 2020 sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ; 21.131,3 tỉ đồng lợi nhuận chưa sử dụng của các năm trước 2020.