“Êm chậm sâu đều…”

Một thiền sư ghi câu này lên vách để tự nhắc nhở mình: “Việc phải làm ngày hôm nay: Thở vào, thở ra, thở vào…”. Có vẻ thật tức cười! Và có vẻ như đó là chuyện của thiền sư thôi. Còn ta? Ta có trăm công ngàn việc để làm, để lo toan, đâu chỉ thở vào thở ra như vậy được. Nhưng thử nghĩ xem, nếu ta ghi một câu ngược lại: “Việc phải làm ngày hôm nay: không thở vào, không thở ra, không thở vào…” thì chuyện gì sẽ xảy ra!

Cho nên nghĩ cho cùng “thở” là điều quan trọng nhất. Đôi khi chúng ta coi chuyện thở nhẹ như… lông hồng. Nói chung chúng ta thường… không biết thở, không thèm thở. Những lúc làm việc hăng say gần như ta sẵn sàng… quên thở, nhất là những lúc có những cảm xúc mạnh như lo lắng, giận dữ, sợ hãi ta cũng thường có khuynh hướng… nín thở.

phuong-phap-tho-bang-co-hoanh
Ảnh: Quốc Huy

Thở là một phản xạ tự động của cơ thể để duy trì sự sống nhưng ta cũng có thể kiểm soát được hơi thở, nhịp thở phần nào, khác hẳn với các cơ chế tự động khác như của quả tim, mạch máu, dạ dày, gan ruột… hoạt động hoàn toàn ngoài ý muốn của ta. Cho nên ta có thể “luyện thở” được.

Buồng phổi của ta có khoảng 300 triệu phế nang – những túi phổi nhỏ – là nơi tiếp xúc trao đổi không khí giữa phổi với hệ thống mao mạch, chuyển dưỡng khí (O2) vào máu và đưa thán khí (CO2) cùng những khí độc khác ra khỏi cơ thể. Trải rộng các phế nang ra, ta có một diện tích to hơn 80m2, bằng một hội trường chiều ngang 8m, dài 10m. Mỗi khi ta hít phải không khí ô nhiễm, bụi khói, vi khuẩn, thì lớp không khí ô nhiễm đó sẽ tràn ngập lên toàn bộ diện tích của phế nang, làm cho ta ngộp, khó thở.

Hệ thống hô hấp không chỉ có phổi mà còn có mũi, họng, thanh quản, khí quản cùng các cơ hô hấp mà quan trọng nhất, chủ yếu nhất là cơ hoành (hoành cách mô) nằm vắt ngang giữa bụng và ngực, “phụ trách” 80% khối lượng hoạt động hô hấp. Cơ hoành di chuyển lên xuống như một cái pit-tông trong lồng ngực làm cho buồng phổi nở rộng hoặc thu hẹp thể tích. Mỗi khi cơ hoành di chuyển 1cm thì thể tích lồng ngực sẽ tăng giảm 250cm3 không khí. Mà cơ hoành có thể di chuyển từ 1-7cm, do đó một người biết sử dụng cơ hoành để thở thì có thể làm tăng khối lượng không khí vào ra từ 1-1,5 lít so với người khác. Khi ta hít sâu thì cơ hoành bị đẩy xuống đến tận rún, nơi được gọi là “huyệt đan điền” dưới rún chừng ba đốt ngón tay. Như vậy “đưa hơi xuống huyệt đan điền” thực chất là thở sâu để đẩy cơ hoành lên xuống mạnh hơn, di chuyển rộng hơn, nhờ đó sự thông khí sẽ tốt hơn. Các nhà chuyên môn tính toán nếu ta thở chậm và sâu thì lượng không khí vào phổi sẽ tăng gấp đôi khi ta thở nhanh mà cạn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế mất năm 92 tuổi, đã để lại một phương pháp dưỡng sinh mà hiện nay hàng vạn người đang luyện tập chủ yếu gồm những vận động thể chất và hô hấp bằng cơ hoành. Giáo sư Ngô Gia Hy hiện ở tuổi 90 vẫn còn rất năng động và hoạt bát, vừa dạy học vừa làm báo, là Phó chủ tịch Hội Y dược học Thành phố Hồ Chí Minh, vốn cũng là tác giả của bộ sách Khí Công dày trên 800 trang. Cách đây sáu năm, tôi có dịp được gặp họa sĩ Hoàng Lập Ngôn (nay đã 94 tuổi) thấy ông rất vui tính và nhanh nhẹn. Ông kể hồi còn trẻ, ông đã sắm một chiếc xe ngựa đặt tên là “Mê ly” để đi vẽ và triển lãm lưu động từ Bắc tới Nam, đến Huế gặp nhạc sĩ Văn Phụng và nhạc sĩ đã cao hứng sáng tác bài hát “Ô mê ly! Mê ly đời ta”. Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn có một cách luyện “khí công” khá lạ, ông nói ông đã tập thở từ thuở nhỏ, và bây giờ mỗi hơi thở của ông kéo dài đến 2 phút (!). Đi máy bay từ Hà Nội vào Sài Gòn ông chỉ thở 60 lần là tới nơi! Dĩ nhiên không phải ai cũng có thể bắt chước được, không khéo bị “tẩu hỏa nhập ma”. Nguyên tắc là phải tập từ từ và không bao giờ nên ráng sức!

Đặc biệt nhất có lẽ là trường hợp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một thầy thuốc, một nhà văn hóa, mất khi được 85 tuổi tại Hà Nội. Cách đây hơn 50 năm, ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Pháp nhưng mắc phải bệnh lao phổi nặng, mà thời đó chưa có thuốc chữa lao, ông đã phải lên bàn mổ tất cả chín lần, cắt trọn lá phổi trái và một phần phổi phải. Các thầy thuốc Pháp lúc đó nói rằng giỏi lắm ông chỉ sống thêm vài năm. Thế mà ông đã sống thêm được hơn 50 năm, hoạt động tích cực, năng nổ trong nhiều lĩnh vực là nhờ ông đã tìm ra được một phương pháp dưỡng sinh kỳ diệu mà ông gọi là “võ dưỡng sinh”, chủ yếu cũng là cách thở bụng. Khi mất, ông để lại một di sản quý với nhiều tác phẩm về văn hóa, y học, tâm lý học… nhưng ông nói điều quan trọng nhất mà ông để lại chính là bài vè hướng dẫn cách thở bụng như sau:

Thót bng th ra

Phình bng th vào

Hai vai bt động

Chân tay th lng

Êm chm sâu đều

Tp trung theo dõi

Lung ra lung vào

Bình thường qua mũi

Khi gp qua mm

Đứng ngi hay nm

đâu cũng được

Lúc nào cũng được

Có thể nói đây là một phương pháp đơn giản mà hữu hiệu, thực hiện được bất cứ ở đâu và lúc nào.

Thở đúng phương pháp như vậy không chỉ có lợi về mặt sinh lý, tăng thêm sự thông khí mà còn có lợi cả về tâm lý, giúp giảm bớt căng thẳng, stress. Khi ta thở “êm chậm sâu đều” như vậy thì tâm ta cũng sẽ bình tĩnh, sẽ bớt đi những lo lắng, giận dữ, ưu phiền…

“Êm chậm sâu đều”, “Êm chậm sâu đều…”. Chỉ có vậy. Bạn thử xem.

Hẹn thư sau. Thân mến.

Thư gởi người bận rộn tập hợp hơn 60 bức thư gửi độc giả báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần. Mỗi bức thư là lời trò chuyện của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc về các vấn đề trong cuộc sống như: dành thời giờ cho chính mình và người mình thương yêu, chuyện nhân bản vô tính, chuyện ăn uống và thuốc men… với giọng văn dí dỏm, giàu cảm xúc đan xen nhiều kiến thức y khoa của Đông – Tây.

Exit mobile version