Kể từ năm 2013, cứ hai năm một lần, nhạc sĩ Dương Thụ lại làm chương trình “Cửa sổ âm nhạc” ở Hà Nội. Với lần thứ 4 mang tên “Đánh thức tầm xuân”, ông quyết định thực hiện cả ở thủ đô và TP. Hồ Chí Minh. Nghĩa là sau 42 năm sống ở Sài Gòn, nhạc sĩ Dương Thụ mới lần đầu thực hiện một đêm nhạc riêng cho mình tại đây.
Ở Sài Gòn, “Đánh thức tầm xuân” diễn ra tại Nhà hát Thành phố vào các buổi tối 5 và 6-1-2019, sau đó tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô Hà Nội tối 19-1-2019.
“Tôi đã đủ tự tin”
Tâm sự cùng DNSGCT, nhạc sĩ kỳ cựu Dương Thụ cho biết ông “đã đủ tự tin làm show ở Sài Gòn”. Ông nói:
“Cùng với người bạn thân Bảo Chấn, tôi đã gắn bó với âm nhạc Sài Gòn rất lâu rồi. Tôi đã làm nhiều chương trình âm nhạc từ những năm 1980, thời các ca sĩ hải ngoại như Anh Khoa, Thanh Lan… còn ở trong nước. Tôi từng làm cả tụ điểm ca nhạc, như tụ điểm ca nhạc quận 10 lớn nhất TP. Hồ Chí Minh lúc đó. Vài dòng kể lể như vậy để thấy rằng âm nhạc của tôi luôn gắn bó với âm nhạc Sài Gòn. Tôi gắn bó với vùng đất này và chính nơi này sinh ra cái tên nhạc sĩ Dương Thụ – thế mà tại sao tôi lại không làm một đêm nhạc nào từ trước đến này? Lý do thoạt nghe ai cũng ngạc nhiên: tôi thiếu tự tin.
Tôi nghĩ, nhạc của mình không phải loại nhạc được nhiều người nghe. Ví dụ Nhà hát Hòa Bình 2.400 chỗ, nếu làm đêm nhạc ở nơi rộng như thế mà chỉ có khán giả nửa rạp thì buồn lắm, buồn cho người làm nhạc và cả người hát nữa. Còn tổ chức ở Nhà hát Thành phố chỉ có hơn 400 ghế thì sợ không đủ chi phí trang trải khi có nhiều nghệ sĩ tên tuổi tham gia chương trình.
Người nghe nhạc của mình càng ngày càng ít. Các bạn trẻ thích nhạc thị trường. Trí thức thích nhạc Sài Gòn ngày xưa và nhạc tiền chiến, khán giả phổ thông thì thích nhạc bolero. Mình không nằm trong các gu này thì bán vé rất khó. Tôi không đủ tự tin là mọi người sẽ đến đông đảo để mua vé.
Thế thì tại sao bây giờ lại làm?
Năm nay tôi 76 tuổi rồi, phải làm chương trình cho riêng mình ở đây một lần trong đời, không làm bây giờ thì chẳng biết khi nào làm nữa. Phải làm một lần để tạ ơn thành phố này – nơi đã cho tôi cái tên, và làm vì khán giả của mình chứ không phải vì tiền. Tôi có cẩn thận gửi thư cho các bạn trẻ trong “gia đình âm nhạc” của mình, hỏi “có làm được không”, mọi người bảo làm được nên tôi mới thực hiện.
Chương trình có hai phần, phần đầu gồm năm bài hát ru, trong đó có những ca khúc quen thuộc. Mỹ Linh sẽ hát Bài hát ru mùa xuân, Thanh Lam hát Lời tôi ru, Nguyên Thảo hát Mơ về mẹ, Bằng Kiều hát Bài hát ru cho anh… Phần “Đánh thức tầm xuân”, một nửa là bài quen và còn lại là bài mới. Những bài quen sẽ được thể hiện có thêm ít nhiều mới mẻ, khác hơn với những gì khán giả đã quen nghe. Nói như Hồng Nhung thì, chúng tôi không làm một show diễn để kiếm tiền, mà để được gặp lại những khán giả đã nghe nhạc của mình.
Nghệ thuật tự nó có chân
Có người ta hỏi tôi: một số nhạc sĩ trẻ ăn khách, một bài hát bán được 5.000 USD, còn bài hát của tôi, của anh Bảo Chấn thì sao. Thú thật, cát-sê của chúng tôi chủ yếu từ làm đĩa thôi. Tôi với anh Bảo Chấn cũng có thương hiệu đấy nhưng một là tôi tặng, hai là ca sĩ có lấy thì trả tôi tử tế. Khi xin bài tôi làm đĩa, cháu nào nghèo quá thì tôi tặng, còn ai “oách” thì phải trả đàng hoàng. Nhưng giá 5.000 USD thì… chịu. Thật ra tôi chỉ được 1/10 giá ấy thôi: 500 USD. Giá này các trung tâm âm nhạc hải ngoại thường trả rất sòng phẳng, còn trong nước đôi khi tôi cũng không biết chắc lắm, mà lấy được tiền cũng không dễ đâu!
Tôi chưa bao giờ có mong muốn là tất cả mọi người biết đến âm nhạc của mình. Có lần đi nói chuyện âm nhạc ở một trường quốc tế, tôi hỏi các cháu ở đây có ai biết nhạc của chú không. Cả hội trường im lặng. Rồi có em giơ tay nói: “Thưa bác, bố mẹ cháu rất thích nhạc của bác”. Câu trả lời rất hồn nhiên nhưng là sự thật. Tuổi học trò đang thích hip-hop, rap, R&B…, sao bắt các em thích nhạc tôi được.
Mình không nên có suy nghĩ tác phẩm của mình phải chinh phục tất cả các giới. Nghệ thuật có chân, tự nó sẽ đi tìm khán giả tri âm. Có thể nó tìm một ông cụ 70 tuổi hay một sinh viên, hoặc một học trò cấp 3 chẳng hạn. Đối với tôi, người sáng tác cứ làm việc của mình, còn thích hay không là chuyện của mọi người, chứ cứ bận tâm, lên mạng tìm mọi cách để người ta biết mình, để quyến rũ người ta thì tôi không làm được. May mà có người biết, may mà có ca sĩ biết và hát nhạc của mình là tốt rồi”.
“Đánh thức tầm xuân” mang phong cách thống nhất của chương trình “Cửa sổ âm nhạc” và là một live concert nên không có phần phụ diễn của các yếu tố như trang trí tạo cảnh, múa phụ họa… mà chỉ sử dụng yếu tố ánh sáng. Góp mặt có Bằng Kiều, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương, Nguyên Thảo, nhóm Con Gái, Sơn Thạch Band cùng các nghệ sĩ khách mời – tại TP. Hồ Chí Minh có: Bảo Chấn (piano), Tăng Thành Nam (violon), Hồng Thủy (cello), Vũ Nguyễn (contrebass) và tại Hà Nội có: Quốc Trung (piano), Trần Thị Mơ (cello), Xuân Huy (violon).