Ngày cao điểm, chùa Hương đón đến 120.000 du khách, nhưng mùa Covid có thời gian dài chùa Hương không bóng lữ hành – một khác biệt chưa từng có tiền lệ. Nhịp sống của những người làm nghề dịch vụ bám lấy chùa Hương, cũng vì đó mà thay đổi theo.
Nhớ lần tìm về chùa Hương đang mùa Covid 2021, đến bến thuyền suối Yến, khung cảnh khác rất xa với nhộn nhịp thường gặp ở chùa Hương mùa hội. Hàng nghìn con đò nằm la liệt trên bờ, lật úp. Dưới bến, cũng san sát đò neo đậu đôi bờ, đường phố vắng tanh, cả vùng Hương Sơn buồn hiu hắt, mọi hoạt động dịch vụ tiếp đón du khách đóng băng toàn tập, các chốt chặn lập trên bộ (đường vào đền Trình), trên đường thủy (lối vào suối Yến), trạm kiểm soát vé lên động Hương Tích… ngăn không cho lữ khách vãng cảnh chùa để đảm bảo an toàn.
Cư dân sống trong vùng di sản chùa Hương bị ngăn cách với xã hội để sống chậm cùng núi rừng, hang động, với rau rừng, củ quả từ tự nhiên và những trải nghiệm chưa từng có trong đời.
Tìm lạc quan
Có đến hàng ngàn người làm nghề dịch vụ, từ chèo thuyền, nhà hàng, bán quà lưu niệm, nhân viên cáp treo… phục vụ lữ khách vãng cảnh chùa Hương. Những ngày tháng 6.2022 này, cơn nguy biến của đại dịch đã qua, đời sống những cư dân sống gắn với chùa Hương đã trở lại bình thường, nhưng nhắc về những ngày chùa Hương vắng khách, ai cũng lắc đầu ngao ngán.
Đến bến thuyền suối Yến đúng lúc cô Nguyễn Thị Phẩm đang vận chuyển tủ lạnh mới mua hết 8 triệu đồng vào nhà hàng ở bến Trò trữ thực phẩm phục vụ khách hành hương, cô chia sẻ trong vui mừng: “Hàng năm giờ này kín đò trên suối Yến, đò to đò nhỏ phải đến 5.000 chiếc. Bây giờ thì chú thấy đấy, khách lèo tèo lắm. Chúng tôi ở đây nguồn thu nhập chính là vào lễ hội, còn lại những ngày khác trong năm thì lai rai thôi. Các con đi làm công ty cả, hai vợ chồng già làm dịch vụ ăn uống phục vụ khách tham quan thôi, thế cũng đã hơn 20 năm rồi đấy”.
Theo đò từ bến thuyền suối Yến mang thiết bị, thực phẩm, đồ dùng… vào bến Trò – đường lên động Hương Tích, gặp được chủ quán Minh Thích đang rảnh rang đi dạo, hỏi chuyện những ngày chùa Hương nhộn nhịp, cô vui vẻ chia sẻ: “Ôi, bình thường vào ngày hội, người nọ dẫm gót người kia cháu ạ, đông nghịt, đi đến đoạn đông quá, là các bà già trẻ con dồi lên cao, đến đoạn giãn ra thì lại tụt bà già trẻ con xuống đất. Có gặp ngày vắng thì người cũng san sát nhau, đi cứ như làn sóng ấy”.
Hỏi bà chủ về trải nghiệm những ngày vắng khách chắc là buồn lắm, câu trả lời đầy lạc quan: “Không, tôi vẫn sung sướng, vì ở đây quen rồi, khí hậu trong lành, không lo bệnh tật, có khách mà vướng dịch thì cả già lẫn trẻ khổ. Tôi hiểu nếu nói về kinh tế thì sa sút, ở đây có khoảng 20% là còn đủ ăn, 20% gỡ ra gỡ vào, 60% đói cực kỳ. Biết là đói nhưng còn hơn là vướng dịch. Bọn tôi ở đây, cầm cự được, cứ cơm rau, cơm muối, nhờ chủ trương cách ly, không cho du khách tham quan nên chúng tôi được xa cái dịch. Chuyện ăn uống, sinh hoạt thường ngày thì đơn giản, rau rừng đây ngon mà, ăn no rồi ngủ ngáy o o, tội gì”.
Ở những ngày chùa Hương vắng bóng người, vẻ đẹp cùng u tịch núi rừng, lặng đến độ nghe được cả tiếng bước chân, tiếng chiếc lá rơi chạm lên nền đá, hành trình dần theo chùa Giải Oan, động Tiên Sơn, đền Mẫu Thượng Ngàn… đến đâu cũng cảm rõ được mùi thanh khiết của gió núi, của hương hoa trong không gian đầy kỳ ảo.
Gặp cô Bản – người sinh ra và lớn lên trên di tích chùa Hương, kể lại những ngày chùa Hương không bóng người, rằng: “Các cụ nhà tôi ngày xưa ở đây, năm nay tôi cũng hơn 60 tuổi rồi nhưng chưa từng gặp cảnh chùa Hương không bóng người như đợt vừa rồi. Thôi thì cũng mong chỉ một lần như thế, chứ lặp lại thì vất lắm, làm dịch vụ không khách khứa sao sống được”.
Những người tốt bụng
Các cửa tiệm ngay bến Trò sau thời gian dài đóng cửa, giờ đã bắt nhịp với chuyện bình thường mới. Đây là những cửa hàng phải thuê mướn, đấu thầu hàng năm nên chỉ một ngày đóng cửa, doanh thu sụt giảm, tính nhẹ cũng trên chục đến đôi ba chục triệu đồng cho một chỗ thuê trung bình hơn 500 triệu đồng/năm.
Các gian hàng được phân chia san sát, ngăn nắp, vợ chồng Oanh – Quân đóng đô ngay đường lên động Hương Tích cũng đã hơn chục năm ròng, kể: “Ngày xưa đây thuộc Hà Sơn Bình, chúng tôi gọi là Hà Sơn Buồn, mỗi mùa lễ hội, trộm cắp như rươi chú ạ. Du khách trăm nghìn người thì trộm cướp hàng nghìn rồi. Chúng tôi ở đây chúng tôi biết. Có cả nhóm bán thuốc giả nữa. Chúng tôi nhiều lần góp ý cho ban quản lý để dẹp dần. Bây giờ tốt hơn rồi, đỡ cho du khách. Vừa rồi trong tầm dịch, nhiều người trả tôi một triệu nhờ đưa vào chùa, tôi không dám đi. Thông thường tầm này, dưới nước đò chen nhau, trên bộ kẹt cứng người. Chúng tôi hết hàng mang vào cũng khổ lắm vì không chen cùng người đi hội được nên phải thuê người vác, mỗi lần chỉ được 40 cân, giá thấp nhất cũng phải 200 nghìn đồng cho một lần vận chuyển”.
Trên đường lên chùa Hương, gặp chú Nguyễn Văn Tư đang lụi cụi nhóm lửa làm bữa trưa ngay cạnh phiến đá bên triền dốc có khắc Hán tự Nam Mô A Di Đà, chú Tư vui vẻ giới thiệu: “Tôi sống trên phần đất gia đình ông bà để lại, có khách thì cả nhà sống nhờ dịch vụ làm cơm cho khách, còn không thì lại sống nhờ rừng, đi đào củ gạo, hái rau sắng (đặc sản của chùa Hương), chỉ mấy loại rau, củ tự nhiên đấy mà sống khỏe”. Nói đoạn chú Tư dẫn ra vách núi đá tai mèo, lượn xuống khoảnh vườn trồng đến 3.000 cây sưa từ 2008, nay đã to bằng cổ tay.
Chú Tư lại thủ thỉ: “Mỗi cây giờ định giá cũng tầm 10 triệu đồng đấy”. Tôi mắt tròn mắt dẹt, với số cây chú Tư sở hữu thì quả là một gia tài khủng. Cả gia đình hai vợ chồng chú Tư, cô Bản và bốn đứa con sống gắn với di tích chùa Hương, theo miêu tả là thật đắt đỏ chứ chẳng giản đơn tí nào, chú Tư làm phép tính: “Một khối nước ở đây trung bình 1 triệu đồng, điện muốn kéo vào đến nơi, tốn gần 100 triệu đồng, đồng hồ nhảy 1 số là tốn trung bình 10 nghìn đồng. Thử hỏi chú dưới Hà Nội có đắt thế không?” .
Con đò chiều đón những người lao động dịch vụ từ bến Trò về lại đền Trình, bó rau sắng mới hái đầu mùa của bà cụ Thân, được bán ngay trên đò với giá 300 nghìn đồng/kg, khách đi đò nức nở khen… rẻ, bởi những mùa đông du khách, khan hàng, giá bán phải đến 700 nghìn/kg.
Chia tay những người làm dịch vụ quanh vùng chùa Hương với cảm nhận chưa bao giờ thấy họ sống chậm, dễ thương, dễ gần và chân tình như thế.
Hẹn gặp lại chùa Hương.
- Xem thêm: Có một Chùa Hương khác