Tuy nhiên, sự ngờ vực vẫn còn hiện hữu bởi việc giảm áp lực lãi suất các khoản vay cũ mới chỉ là điều kiện “cần”. Doanh nghiệp có hồi phục được sản xuất, kinh doanh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là vào sự chuyển biến của sức cầu, khả năng tiêu thụ sản phẩm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận định, tín dụng tăng thấp nhưng khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Cầu tín dụng ở mức thấp do cầu trong nước và nước ngoài tăng thấp. Hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của ngân hàng. Khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần có sự đồng bộ các giải pháp về chính sách kinh tế vĩ mô.
Chỉ số VN-Index giảm điểm khá mạnh vào đầu tuần giao dịch thứ hai của tháng 7 nhưng đã hồi phục khá ấn tượng trong những phiên cuối tuần. Tuy nhiên, hiện chỉ số này vẫn đang nằm bên dưới vùng kháng cự mạnh 415-430 điểm nên xu hướng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Nếu thanh khoản tiếp tục bứt phá trong các phiên tới thì khả năng tạo đáy là cao. Bên cạnh đó, còn quan điểm cho rằng diễn biến vừa qua chỉ là hồi phục kỹ thuật thuần túy và còn quá sớm để kết luận rằng đợt tăng này có thể kéo dài. Còn nhiều quan điểm trái chiều song không thể phủ nhận, phiên giao dịch ngày 13-7 đã cho những tín hiệu rất tốt về dòng tiền. Rất bất ngờ khi giá trị giao dịch của cả hai sàn đã vượt lên trên con số 1.000 tỉ đồng. Điều kiện cần thiết tiếp theo đó là thị trường phải duy trì được thanh khoản cao trong vài phiên giao dịch. Có như vậy, thị trường mới đủ khả năng thuyết phục được những nhà đầu tư còn đang giữ tâm lý ngờ vực, chưa tham gia đầu tư cho dù đang sẵn tiền trong tài khoản.
Đã có công ty chứng khoán chuyển hướng từ bi quan sang lạc quan trong nhận định về những phiên giao dịch tới, tuy nhiên cũng có những công ty vẫn giữ quan điểm thận trọng. Đơn cử, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tiếp tục bảo lưu quan điểm cho rằng xu hướng giảm điểm hiện vẫn đang giữ vai trò chủ đạo. BVSC phân tích, theo dõi diễn biến trong phiên 13-7 có thể thấy các mã mang tính đầu cơ cao vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền trước, các mã blue-chip thanh khoản tốt đóng vai trò cộng hưởng về sau. Một thông tin đáng quan tâm mà BVSC đã đưa ra đó là: “Tiếp nối thông tin tăng trưởng tín dụng tăng thêm 1% chỉ trong tuần đầu của tháng 7, chúng tôi vẫn đặt nghi vấn về con số này”. Qua tìm hiểu trên thị trường và khớp nối các nhận định, BVSC cho rằng, rất có thể phần tăng trưởng “thêm” này đã được tính cả phần trái phiếu doanh nghiệp mà hệ thống ngân hàng “mua” vào trong sáu tháng đầu năm. Hoạt động cấp tín dụng cho vay ra của các ngân hàng nhìn chung không có nhiều điểm đột biến trong hai tuần qua. Vì vậy, BVSC đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư vẫn nên chờ các thông tin chính thức từ Ngân hàng Nhà nước trong những ngày tới.
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 16-7, áp lực bán đã quay trở lại, đặc biệt vào phiên giao dịch chiều ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Điều này cho thấy dòng tiền đầu cơ chưa hề yên tâm với những phiên bứt phá trước đó. Đóng cửa phiên này, VN-Index giảm xuống còn 413,98 điểm với khối lượng giao dịch 41,7 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch 560,6 tỉ đồng. Với diễn biến đảo chiều cả về điểm số lẫn thanh khoản, sự ngờ vực về những phiên tăng điểm cuối tuần trước chỉ mang tính kỹ thuật đã trở nên có cơ sở.
Song Hà