Cất cánh ở Singapore, hạ cánh ở Port Morsby – thủ đô Papua New Guinea, chúng tôi chưa nhận thấy sự khác biệt rõ rệt nào giữa một thành phố hiện đại và một xứ sở còn xa lạ với du khách quốc tế.
Port Morsby có vẻ như đang ở trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều cao ốc đồ sộ cùng một loạt công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện. Như đoán được ý nghĩ của cả nhóm, anh bạn người địa phương mỉm cười: “Đừng vội thất vọng. Sẽ có rất nhiều bất ngờ đến với mọi người vào ngày mai, khi chúng ta ra khỏi thủ đô chỉ vài chục cây số!”.
Biển xanh, rừng sâu và thế giới của các bộ lạc
Sân bay quốc tế duy nhất của Papua New Guinea khá hiện đại dù diện tích hơi nhỏ. Từ đây về trung tâm thành phố chỉ mất 15 phút đi đường cao tốc. Dưới nắng chiều gay gắt, những ngôi nhà nhỏ trên dãy đồi trọc trông càng lẻ loi. Các mảng xanh hai bên đường đứt quãng bởi nhiều vạt cây bị đốt nham nhở. Ở vùng rìa thành phố, thổ dân vẫn còn giữ thói quen đốt lá cây hun khói để bẫy thú. Nhưng chỉ đi thêm vài kilomet, bến cảng sầm uất và đô thị giàu có đã hiện ra với thuyền bè tấp nập qua lại dưới chân hàng cao ốc san sát.
Biển Papua New Guinea đẹp tuyệt vời. Phố biển Port Morsby nhìn cũng rất sống động với xe hơi đời mới đậu dài trước dãy cửa hàng sang trọng. Ấy vậy mà chúng tôi được khuyến cáo là tuyệt đối không ra phố một mình. Ra khỏi khách sạn mấy trăm mét cũng cần có người bảo vệ.
Tỷ lệ tội phạm ở thủ đô này cao bậc nhất thế giới, cao gấp 23 lần so với Luân Đôn. Có diện tích rộng gấp rưỡi Việt Nam với dân số khoảng 6 triệu người, Papua New Guinea sở hữu tài nguyên vô cùng giàu có nhưng cũng phải đối mặt với những xung đột nghiêm trọng.
- Xem thêm: Trekking núi lửa Rinjani, Indonesia
Phần lớn thổ dân bị hất ra khỏi đời sống truyền thống khi làn sóng khai thác từ nước ngoài tràn vào đã trở nên thất nghiệp và bất mãn. Nhiều người dân bản địa mất đất đai đã trở thành hung thần trên đường phố. Họ mặc quần jeans, áo thun nhưng vẫn nhai trầu cau đỏ miệng, râu ria xồm xoàm.
Buổi sáng đầu tiên ở Port Morsby cả nhóm được đưa đi câu rồi đi lặn biển. Ra khỏi cửa vịnh một chút là cá nhiều vô kể. Mọi người ai nấy trầm trồ nhìn tay câu chuyên nghiệp cứ mươi, mười lăm phút lại tóm được cá thu hoặc cá ngừ to bự. Có con cá thu nặng cả chục ký. Hấp dẫn hơn cả là đi lặn biển.
Trong Chiến tranh thế giới thứ II, tại bờ biển Papua New Guinea diễn ra nhiều trận đánh lớn nên đến nay, xác tàu chiến bị chìm vẫn còn rất nhiều. Trở thành nơi trú ẩn của hệ sinh vật biển thuộc hàng phong phú nhất thế giới, hàng ngàn xác tàu chìm giờ đây bỗng như một thế giới thủy cung vô cùng hấp dẫn dành cho dân mê lặn. Đó là chưa kể những rặng san hô muôn màu đẹp mê hồn trải dài đến mấy trăm dặm.
Nằm giữa Thái Bình Dương và có biên giới với tỉnh West Papua của Indonesia, Papua New Guinea có biển rừng nhiệt đới đa số còn hoang sơ. Phần lớn những cánh rừng nguyên sinh ở đây chưa bị thế giới văn minh xâm lấn, các vùng đất bí hiểm đó thuộc về nhiều bộ lạc mà chính phủ không dám đụng đến. Mấy trăm tộc người với khoảng 850 ngôn ngữ và tập tục khác nhau ẩn khuất trong rừng sâu làm đau đầu chính quyền nhưng lại hấp dẫn người mê khám phá.
Vũ điệu trong lòng đại ngàn
Đường lên Mount Hagen, thành phố lớn thứ ba Papua New Guinea nằm lọt trong thung lũng Wahgi rất đẹp. Con đường chinh phục độ cao 1.677 mét đưa chúng tôi đi từ mùa hè rực rỡ đến mùa xuân mát rượi. Một màu xanh non tràn đầy sức sống trải rộng trước mắt, ngước nhìn lên là trùng trùng núi cao mây phủ.
- Xem thêm: Borobudur, kỳ quan bí ẩn chưa lời giải
Xe dừng ở một làng nhỏ, phụ nữ, trẻ em bản xứ nhìn chúng tôi bằng cặp mắt tò mò. Các bà các chị đều để ngực trần và mặc váy ngang gối bằng lá dừa. Vài phụ nữ trong đoàn chúng tôi đỏ mặt khi nhìn thấy cảnh này, so với thổ dân, áo ba lỗ và quần shorts mấy cô thường mặc còn kín đáo chán. Vậy mà trong những cánh rừng Papua New Guinea, ăn mặc như các thiếu nữ thành phố bị coi là khiếm nhã, là xúc phạm thần linh.
Và một điều mà du khách nào đến các bộ lạc cũng phải tuân thủ là cần mặc đồ kín ngực, kín đầu gối dù trời có nóng đến đâu. Chỉ cần không làm điều gì trái với phong tục, du khách sẽ dễ dàng nhận được những nụ cười thân thiện.
Thung lũng Wahgi đã tiếp xúc với người châu Âu từ thế kỷ trước nên thổ dân không quá xa lạ du khách. Nơi đây đã có một vài nhà nghỉ kiểu thiên nhiên do người Úc đầu tư. Nhà nghỉ làm bằng gỗ và lợp mái cỏ đơn sơ, mô phỏng kiểu nhà truyền thống địa phương. Thổ dân trong vùng trồng khoai và nuôi heo để lấy thực phẩm chính.
Ngoài ra họ vẫn săn bắn và hái lượm trong rừng để thêm thắt cho bữa ăn. Chúng tôi được một phụ nữ tốt bụng mời ăn khoai. Giống khoai dẻo và ngọt lịm này có thời được thổ dân dùng làm tiền tệ trao đổi. Trong những cánh rừng xa hơn, nghe đâu các bộ tộc vẫn còn dùng vỏ ốc, nanh chó, nanh lợn rừng để đổi hàng hóa hoặc đổi lấy… vợ!
Trái với lời đồn về tục lệ săn đầu người, ăn thịt người, thổ dân Papua New Guinea phần lớn rất hiếu khách. Họ sẵn sàng mời người lạ ở lại nhà mà không đòi hỏi tiền bạc gì. Nếu may mắn, du khách sẽ được tham gia lễ hội vì dân ở đây thường xuyên tổ chức hội hè nhảy múa. Lễ hội của thổ dân kể ra cũng không tốn kém gì nhiều, chỉ cần một con heo rừng thả xuống cái hố đựng đầy đá nóng. Khi đã nhảy múa chán chê thì thịt cũng tỏa mùi thơm nức.
- Xem thêm: Kỳ vĩ Đông Timor
Ăn uống đơn giản là vậy, chỉ có khâu trang điểm mới cầu kỳ. Đàn ông xứ này đến là đỏm dáng. Họ đội mũ kết lông chim và hoa lá sặc sỡ, cổ và tay chân đeo nhiều đồ trang sức làm bằng vỏ ốc, xương thú. Có người còn đeo nanh lợn ở mũi. Gương mặt và phần trên cơ thể được vẽ hoa văn bằng bồ hóng, đất sét, nhựa cây. Nhưng phải công nhận rằng cách trang trí, phối màu của thổ dân nhìn rất bắt mắt. Giữa rừng sâu, trai tráng đóng khố, vẽ mặt trông thật có uy lực dũng mãnh.
Thổ dân cho rằng họ hóa trang như vậy trông sẽ giống thần linh, nhờ đó mà khuất phục được kẻ thù và thú dữ. Khác với nam giới mất nhiều thời gian để tô vẽ, phụ nữ chỉ đơn giản là đeo một mái tóc giả thật lớn đan từ sợi cỏ, nhìn giống như một chiếc túi lưới. Khi cần, các bà các chị lấy mái tóc này ra để… đựng đồ. Tiện cả đôi bề!
Chúng tôi cũng đi ngang qua một lễ hội như vậy, nhưng người hướng dẫn viên bản xứ lắc đầu, chịu không giải thích được lễ hội đó mang ý nghĩa gì. Cũng phải thôi, gần cả ngàn bộ tộc với hơn tám trăm ngôn ngữ, tập tục văn hóa thì làm sao người làm du lịch có thể biết hết cho được.
Nhưng quan sát các điệu múa, du khách có thể hiểu được thổ dân đang mô phỏng nhiều hoạt động trong đời sống hằng ngày, từ đi săn, chiến đấu cho đến hẹn hò ghen tuông… Nhìn những làn da đen bóng tràn đầy sức sống, những chiếc mũ lông chim óng lên sặc sỡ dưới ánh mặt trời, vài người xuýt xoa: “Kể ra cuộc sống nơi núi rừng cũng đầy sắc màu hấp dẫn đấy chứ!”.
Xe sắp ra khỏi Wahgi, quanh chúng tôi chỉ một màu xanh vô tận của núi non trùng điệp, điểm xuyết những dòng suối bạc thoắt ẩn, thoắt hiện dưới tán rừng. Bên dưới màu xanh yên ả đó là cả một thế giới vô cùng sống động với những tập tục huyền bí lưu truyền đã ngàn đời.