Sau một đêm bồng bềnh với Wayang Kulit, tôi cảm nhận còn nhiều điều kỳ bí trên hải đảo Java này tôi chưa biết. Wayang Kulit là nghệ thuật múa rối bóng đen. Nhiều truyện tích kỳ bí được diễn ở Bảo tàng nghệ thuật Sonobudoyo hằng đêm.
Một buổi nghe nhạc gamelan trong khu hoàng gia (kraton) với giai điệu êm ả, huyền ảo, càng làm tăng thêm cảm nhận nét nhân văn của con người trên đất nước xa xôi mà người Việt thường gọi họ là người “Chà-Và” (tức Java, từng gọi nhầm là xứ Ấn Độ hay người Ấn Độ vì ngày xưa chưa phân biệt được nguồn gốc dân tộc).
Gamelan là tên gọi dàn nhạc cồng chiêng Indonesia hoành tráng với hơn 100 chiếc lớn nhỏ. Du khách đến đây ắt hẳn sẽ bị thu hút bởi thế giới âm thanh lạ trên vùng đất có nhiều kỳ bí.
Cả hai nghệ thuật đặc trưng này được các nhà nhạc học thế giới quan tâm sớm nhất, thuộc hạng nổi bật ở Đông Nam Á.
Dù đã quen thuộc qua nhiều lưu trữ của tôi ở Mỹ từ mấy chục năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới có dịp đặt chân đến tận nơi hằng mong ước để được nhìn tận mắt xứ sở Java, miền Trung Indonesia.
Cả hai hình thức nghệ thuật này là “khúc dạo đầu” đưa đến mục tiêu chính: Khám phá kỳ quan Borobudur, một trong bảy kỳ quan thế giới mà các nhà bình luận du lịch thường nói “phải đến xem rồi chết cũng mãn nguyện!” (See before you die!).
Borobudur là một danh thắng nằm vùng bình nguyên Kedu, tỉnh Magelang, cách thành phố Yogyakarta khoảng hơn 1 giờ lái xe đi về hướng bắc, gần tới nơi sẽ hơi lệch một chút qua phía tây. Cùng đi nghiên cứu với tôi có hai đồng nghiệp người Mỹ là hai giáo sư Terry Miller và Sara Stone Miller.
Tôi còn nhớ như in khi ba người chúng tôi đi ngang qua những cánh đồng xanh ngát, xa xa những núi non lớp lớp trùng điệp, những con đường khúc khuỷu, những con suối lặng lờ, những ngôi làng nhỏ, những ngôi nhà hiu hắt trong xóm nhỏ, hay những nụ cười hồn nhiên của em bé quê.
Thật khó hình dung nét êm đềm, mộc mạc vừa đi qua rồi bỗng dưng hiện ra sừng sững trước mặt chúng tôi một đền đài hùng vĩ.
Nín thở để biết mình còn sống mà bật lại hơi thở phào! Đây rồi! Như hoàn hồn, chưa vội tin vào mắt mình. Nhưng đó là sự thật. Một cảm giác lâng lâng. Tôi phải nhẹ thốt lên một lần nữa: “Đây rồi”!
Danh bia UNESCO dựng lên năm 1991 ở ngõ chính đi vào, công nhận Phật tháp Borobudur viết bằng ba thứ tiếng Indonesia, Anh và Pháp: Warisan Dunia/ World Heritage/ Patrimoine Mondial (Di sản thế giới) và liệt nó vào hạng tu viện Phật giáo cổ có “giá trị ngoại hạng và toàn cầu của một địa danh văn hóa và tự nhiên” (exceptional and universal value of a cultural and natural site).
Bầu trời trong giữa một vùng cây cỏ xanh tươi làm nền cho tháp. Tôi theo chân dòng người tham quan tiến về phía trước.
Đặt chân lên bậc đá đầu tiên ở hạ tầng lòng tôi không khỏi xúc cảm mạnh với niềm vui khôn tả như mình được may mắn cùng bước đi với người xưa… một ngàn năm trước.
Quả tình, Phật tháp là một công trình tính đến nay vượt quá 1 ngàn năm, tức xây dựng từ năm 760 đến 830, theo xác nhận của các nhà khảo cổ học.
Borobudur từng là chùa (candi, phát âm là “chan-đi”), là tháp, từng là tổ đình, hay nói một cách khác, nó là một tổ đình Phật giáo thuộc tầm cỡ vĩ đại.
Vì thế, việc xây dựng Candi Borobudur cũng là lúc thành lập trung tâm tu học quốc tế. Các thiền sư Ấn Độ, Sri Lanka và các nơi khác đến lưu trú tu học tại đây.
Quần thể nầy rất rộng, bao gồm cả hai trung tâm phụ là Candi Mendut và Candi Pawon, đẹp và yên tĩnh, mà chúng tôi cũng phải đến thăm.
Nhật ký của thiền sư Yijing (Nghĩa Tịnh) hồi thế kỷ thứ 7 có đề cập chi tiết các vị từ Tứ Xuyên và Việt Nam cùng nhau vượt biển, dừng lại ở đây trên đường đi Tây Trúc (Ấn Độ).
Chúng ta có thể nhìn vào những con số sau đây thật ấn tượng: Candi Borobudur được xây dựng với hơn 1 triệu viên đá, chiếm thể tích 29.000m3 và diện tích mặt bằng 2.520m2.
Trong số 2.672 phù điêu (bas-reliefs, phiến thạch chạm nổi) đủ loại có 1.460 thuộc loại nghệ thuật siêu đẳng. Khi chỉnh trang lại di tích cổ nầy, người ta phải lắp lại cả thảy 170.000 phiến đá ở vòng ngoài. Tính tổng cộng các phiến đá mỗi phiến nặng khoảng 100kg.
Nếu thử ước lượng khái quát rằng để xây dựng toàn bộ Phật tháp này phải mất 30 năm ngày đêm không ngừng nghỉ mọi nhân công lao động để di chuyển những phiến đá ấy đến đây, chưa kể thời gian dành cho công chạm khắc!
Nhưng có điều kỳ diệu và khó hiểu là đá mang từ đâu tới? Phương tiện gì để chuyên chở? Lộ trình nào? Ai chỉ huy? Tổng số người tham gia thực hiện công trình này là bao nhiêu?
Hiện nay, đứng giữa thiên nhiên rộng lớn này khó ai có thể nghĩ ra được những tuyến đường xưa dẫn đến đây, dù là đường bộ hay đường sông, chúng ta khó có thể nghiệm ra được.
Vị trí của Borobudur như hiện nay, từng nằm trong rừng thẳm. Trên một đất nước hải đảo có chiều dài 1.000km, mỏng và dài, thường xuyên bị đe dọa bởi 20 ngọn núi lửa, thậm chí một số còn chờ chực hoạt động bất cứ lúc nào.
Java là đảo chính nên tất cả hầu như quy tụ trên đó từ những công trình nghệ thuật uy nghi của các vương triều, vua và chúa cương lĩnh các vùng, cho đến những thời kỳ chịu đựng tai họa tàn phá bởi thiên nhiên.
Không may, nền văn minh Phật giáo và Ấn giáo giao thoa chiếu sáng của hai vương triều Sanjaya và Sailendra dần dần đứng chựng lại từ thế kỷ thứ 10. Virupa là chữ viết cổ xưa của người Java cũng dần bị quên lãng từ đó.
Ngày nay, hai công trình vĩ đại nhất mà người Java hãnh diện và còn tồn tại là tháp Ấn Prambanan và tháp Phật Borobudur. Thật đáng chiêm ngưỡng hai kỳ quan nầy.
Chúng tôi quan sát thực tế những đường nét nghệ thuật của cả hai hòa quyện nhau như hình với bóng, dù Prambanan không đồ sộ bằng Borobudur.
Những tia sáng sau cùng tàn dần cùng lúc với sự du nhập Hồi giáo. Chính quyền Indonesia Hồi giáo trước đây đã lãng quên công trình của cha ông họ ngàn năm trước, vẫn xem nhẹ nó như nơi hoang dã, thần thoại, xa xôi hiểm trở, ma thiêng nước độc, không liên quan đến tín ngưỡng mới của họ.
Kỳ quan Borobudur còn chứa đựng hàng bao nhiêu những yếu tố lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật, hay nhân sinh quan Phật giáo quan trọng nên người ta thường khắc khoải về vận mệnh của Phật giáo cũng như chính Borobudur.
Indonesia hiện nay là quốc gia Hồi giáo có đông tín đồ nhất trên thế giới (225 triệu), tức số lượng vượt trội hơn bất cứ quốc gia Hồi giáo Trung Đông nào.
Trải qua gần 2.000 năm tồn tại, thế mà tín đồ Phật giáo, theo thống kê quốc gia năm 2000 chỉ còn lại 0,8% (tức 1,7 triệu Phật tử) trên đất nước ấy! Một con số gây ngạc nhiên lớn cho nhiều người.
Thử quay lại tìm hiểu về nguyên nhân ban đầu khám phá ra Borobudur, chúng ta có thể xoay quanh câu chuyện về nhân vật Thomas Stamford Raffles. Ông nguyên là Phó Thống đốc thời thuộc địa Anh. Ông thích sưu tập những đồ cổ.
Một ngày nọ, một thường dân mang đến cho ông xem các tượng đồng và tiền cổ. Sau khi được yêu cầu ở lại đó vài hôm, trong lúc trò chuyện, bỗng tiết lộ cho Raffles biết rằng ông ta có biết một ngôi đền cổ cực lớn, hoang phế, nằm trong rừng sâu ở bình nguyên Kedu phía tây Yogyakarta.
Đó là năm 1814. Hết sức thích thú tìm hiểu, vị Phó Thống đốc đặc cử một đoàn thám hiểm một năm sau và bắt đầu khai quật.
Đoàn thám hiểm do kỹ sư người Hà Lan tên H.C. Cornelius dẫn đầu gồm có 200 người mang theo dụng cụ khai khẩn. Họ dốc lực khai hoang toàn khu vực, mé nhánh, gọt đẽo, dọn dẹp, lau chùi từng viên đá trong vòng một tháng rưỡi và sau cùng mới lộ ra tòa tháp uy nghiêm.
Vì lúc ấy chưa có phương tiện nhiếp ảnh, ông phác thảo ra hàng chục bản vẽ thật công phu về thực thể nhìn thấy tận mắt. Sau cùng, Phật tháp xem như được bật dậy sau giấc ngủ ngàn năm!
Tin tức về sự phát hiện di chỉ khảo cổ được truyền đi khắp nơi tạo sự kinh ngạc và vui mừng lớn. Tuy nhiên, lúc ấy mọi người chưa biết tên gọi của nó là gì.
Phải mất một thời gian các nhà nghiên cứu tra từ ngôn ngữ cổ của Indonesia là Virupa mới biết tên là Borobudur.
Mãi đến nay, đối với nhiều người dân ở đây Java khi chúng tôi hỏi về cái từ quá xưa này họ vẫn chưa cảm thấy rõ lắm, nhưng rất có thể là “núi Phật” (vì “boro” là rừng núi; “Budur” có thể do từ “Buddha” tức “Bụt” mà ra).
Chúng ta biết nhiều về kỳ quan Angkor Wat, nhưng có ngờ đâu rằng sự phát hiện Phật tích Borobudur lại diễn ra 47 năm trước khi Henri Mouhaut chính thức giới thiệu di tích Angkor Wat ở Campuchia một cách rộng rãi đến châu Âu.
- Xem thêm: Trekking núi lửa Rinjani, Indonesia
Ngoài những kinh ngạc về sự phát hiện ấy trên quốc gia hải đảo Indonesia hơn ngàn năm còn có thêm dấu ấn lịch sử truyền thừa và tu học đạo Bụt.
Đứng về địa vị Phật giáo ở Đông Nam Á, ít ai ngờ rằng Indonesia từng là trung tâm có tầm quan trọng bậc nhất cách đây hơn 1 ngàn năm, trước cả các triều đại Lý – Trần ở Việt Nam.
Lại càng ngạc nhiên hơn nữa, đó là tông phái Phật giáo Đại thừa (Mahayana)! Phật giáo Đại thừa khác với mô hình Phật giáo Nguyên thủy (Tiểu thừa, tức Hinayana hay Theravada) phổ biến hiện nay ở Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia, du nhập sau nhiều thế kỷ.
Điều này khiến chúng tôi cảm thấy một mâu thuẫn: Phải chăng Phật giáo Đại thừa, từng mệnh danh là Phật giáo “Bắc tông” tức truyền đến Việt Nam từ hướng bắc xuống xuyên qua Trung Hoa, lại từng được truyền sớm hơn từ đường biển ở phía nam?
Nay với phát hiện mới, chúng ta được biết con đường biển phía nam giao thông từ La Mã, Trung Đông, Ấn Độ đến Đông Nam Á đã có từ những thế kỷ đầu Công nguyên như nói trên để rồi bùng lên một nền Phật giáo Đại thừa cực thịnh thể hiện qua trung tâm Phật học Borobudur, thậm chí lan rộng qua Angkor và các đền tháp tàn lụi hiện nay còn trải rộng trên vùng Isan, Thái Lan và Nam Lào mà chúng tôi đã có nhiều dịp khảo sát.
Hãy đến Borobudur để chiêm ngưỡng kỳ quan có một không hai trên thế giới, trong ấy chúng ta ấn tượng nhất là sự tập họp tạo hình một công trình kiến trúc chung, đồng thời nhìn ngắm các tác phẩm nghệ thuật chạm trổ trên đá.
Những bức phù điêu nói lên được nhiều điều cho chúng ta về sự hiện hữu ngàn năm trước qua đường nét chạm khắc độc đáo vô số những thiên thần (kinnara), thiên xà (naga) bay lượn mềm mại trên các phiến đá.
Riêng đối với chúng tôi, góc độ âm nhạc và múa được đặt lên hàng đầu vì đó là chủ đích nghiên cứu ở nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới.
Chúng tôi bàng hoàng khi thấy thể hiện những nhạc cụ thời xưa, sự tồn tại đa số các thể loại còn kéo dài đến ngày nay, và mối liên quan lịch sử chặt chẽ của chúng với các dân tộc Đông Nam Á – và Việt Nam nói riêng.
Từ sáng sớm chúng tôi đi vòng quanh, ánh mắt “scan” qua hết tất cả các bức phù điêu. Thật khó mà tìm thấy trong số 2.672 bức để trích ra, nên phải thật thận trọng không bị sót.
Đi giáp vòng từ đầu ở tầng thấp nhất cũng phải mất hơn 1/3 cây số (360m). Các tầng trên thì ngắn hơn, nhưng phải chú ý thật kỹ. Có lúc chúng tôi phải chia ra đi riêng rồi hẹn gặp lại ở vị trí nào đó.
Một mảng phù điêu hình bộ cồng Gamelan bị sơ xuất bỏ sót, sau đó tôi kiểm tra lại với GS Terry Miller mới biết vì ông đã tìm thấy nó trong lúc tôi bận lo một nơi khác.
Mỗi một bức tranh tìm được là lòng chúng tôi reo mừng như gặp được báu vật. Chúng tôi dừng lại chụp nhiều hình và quay phim ở góc độ khác nhau.
Sau cùng, chúng tôi mới tổng kết về số lượng nhạc cụ và hết sức vui mừng biết được thời xưa có rất nhiều loại mà hiện nay vẫn còn lưu truyền với dị bản trong dân gian, như lute (gần giống như tỳ bà), gamelan (dàn cồng), flute (sáo), conch (hải loa), harp (không hầu), drum (trống cơm), monochord (đàn độc huyền)…
Tất cả đều có giá trị thật hiếm quý trong nghiên cứu âm nhạc thế giới. Đến đây, chúng ta có thể tạm dừng một khoảnh khắc để bàn về loại đàn sau cùng (monochord), nó chỉ có một dây.
Chúng ta không hiểu phải gọi là gì trong tiếng Javanhưng chúng ta có phần quen thuộc với tên thường gọi là “đàn độc huyền” hay “đàn bầu”.
Tuy nhiên, “đàn bầu” không giống với đàn chạm khắc trên vài phù điêu Borobudur vì khi chơi người ta phải áp sát quả bầu vào ngực và cần đàn như cây que dài ra. Nó giống hoàn toàn với đàn “pin piá” ở miền Bắc Thái Lan, “sa-diev” (xà điêu) ở Campuchia, và còn lưu dấu trên một bức phù điêu tôi tìm thấy ở Viện Bảo tàng Chăm Đà Nẵng.
Dĩ nhiên, âm nhạc là chủ đề không có nhiều trên các phù điêu so với các chủ đề khác như múa, nghi lễ tôn giáo, phong tục, và đặc biệt là những thương thuyền thời đó.
Tuy vậy, qua sự hiện hữu của nhạc cụ nầy, chúng ta có thể hiểu rằng hơn 1 ngàn năm trước đây có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc ở Đông Nam Á, nối liền nhau là nhờ phương tiện giao thông đường biển, theo nhiều nghiên cứu Nhân học, từ 6.000 năm qua.
Tháp bảy tầng, phải mất ít nhất một ngày để đi hết. Bốn tầng dưới hình vuông, ba tầng trên hình tròn. Candi Borobudur là một tập hợp vĩ đại các tháp (stupa) và tượng Phật.
Trong tổng số các tháp lớn chúng tôi đếm được có 72 tháp. Bên trong mỗi tháp tọa vị mỗi tượng Phật với kích cỡ bằng người thật.
Nhưng số lượng tượng Phật tại đây được thống kê chung có đến 504 tượng. Mỗi tầng chia ra từ ít nhất là 54 trên cao đến 104 tượng dưới thấp.
Ngửa mặt lên ngưỡng vọng điểm cao nhất là độc tháp trung tâm mà theo ý nghĩa triết học Phật giáo là Đỉnh Sumeru (núi Tu Di) mà người tu Phật sẽ thắng vượt đến đó.
- Xem thêm: Khám phá đảo rồng Komodo
Chúng tôi thật ngưỡng mộ thiết kế chiều ngược, nếu nhìn từ trên cao xuống như chim thì sẽ nhận ra toàn thể kiến trúc thể hiện một đồ biểu Mandala (Mạn Đà La).
Đây có thể hiểu như một bàn thờ linh thiêng khai tâm loài người để nhìn rộng ra mình là thành tố của vũ trụ. Cũng có thể nghĩ rằng ý niệm Việt Nam về vuông – tròn cũng sáp lại gần với Indonesia xưa. Ba vòng tròn ở giữa, bốn vuông bao quanh.
Nhìn xuyên trong ánh nắng chiều bảng lảng, màn sương mỏng hạ dần tôi cảm giác vô số cảnh giới của chư Phật, chư Bồ tát, và thánh hiền. Các vũ công, tiên nữ, bay lượn trên ngàn bức phù điêu vụt thoát ra ngợi ca Đấng Giác ngộ giải thoát.
Đến đây, bạn sẽ nhận ra sự kỳ diệu, độc đáo, hoành tráng của một công trình cổ xưa vượt quá tầm nghĩ tưởng, chưa lời giải. Nhưng ắt hẳn tâm hồn mình như đang được thụ nhận phước báu, thong dong trong Phật cảnh.