Nếu như trước đây, việc chụp ảnh những món ăn đẹp mắt thường chỉ để đăng lên mạng xã hội thì nay với sự xuất hiện của các ứng dụng phân tích hình ảnh thực phẩm, chúng xem ra khá có ích cho chủ nhân.
Pinto là nền tảng ứng dụng có trụ sở tại New York vừa mới ra mắt vào tháng 8 này, mang lại những cách sáng tạo giúp người dùng phân tích một bữa ăn hoặc một loại thực phẩm nào đó.
Một trong những chức năng của Pinto là cho phép người dùng chụp hình bữa ăn của họ và tải lên – ứng dụng này sẽ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm. Từ dữ liệu được người dùng đưa lên, Pinto sẽ đánh giá xem bữa ăn này đáp ứng kế hoạch, nhu cầu dinh dưỡng của họ ra sao. Người dùng có thể đưa ra yêu cầu của họ là ăn thuần chay, ăn theo chế độ paleo (còn được gọi là phương pháp “Ăn kiêng của người tiền sử”) hay keto (là phương thức ăn uống nhiều chất béo, ít carbohydrate, vừa phải protein), chế độ ăn dành cho người bị tiểu đường hoặc yêu cầu cảnh báo những loại thực phẩm chứa chất gây dị ứng hay những thành phần sẽ kích ứng tình trạng không dung nạp thực phẩm.
Chẳng hạn, với một người bệnh tiểu đường, Pinto sẽ phân tích xem thực phẩm có nhiều đường không và lượng chất xơ so với tinh bột. Nếu ai đó đang cố gắng kiểm soát sức khỏe tim mạch, ứng dụng này sẽ xem xét lượng muối hoặc chất béo bão hòa. Còn với người gặp vấn đề về đường ruột thì ứng dụng sẽ cảnh báo với những loại thực phẩm nhiều lactose hoặc fructose.
Ngoài ra, người dùng có thể dùng ứng dụng để quét barcode của một sản phẩm và kiểm tra xem Pinto có nghĩ rằng đây là một lựa chọn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của họ hay không. Nền tảng này đã làm việc trực tiếp với nhiều nhà sản xuất thực phẩm để xây dựng kho thông tin dữ liệu về thành phần dinh dưỡng của rất nhiều loại thực phẩm. “Dữ liệu và thông tin về thực phẩm và dinh dưỡng hiện có rất nhiều, nhưng cách thu thập dữ liệu và thông tin chuyển đến cho người tiêu dùng lại không thực sự đến từ lăng kính phản ảnh nhu cầu của người tiêu dùng ngày nay”, Sam Slover, đồng sáng lập và CEO của Pinto nói với tờ Fast Company.
Calorie Mama AI cũng là một ứng dụng có cách tiếp cận tương tự với Pinto, sử dụng “deep learning” (học sâu) để phân tích hình ảnh thực phẩm. Ứng dụng này đếm lượng calo của thực phẩm đã được chụp hình lại, đồng thời lên kế hoạch bữa ăn cho các chế độ ăn kiêng.
Công nghệ này không chỉ hướng đến những người háo hức trải nghiệm các chế độ ăn kiêng thời thượng mà còn được sử dụng cho đối tượng người dùng lớn tuổi và các chương trình sức khỏe cộng đồng.
Nestlé Nhật Bản đã sử dụng một ứng dụng tương tự để đề xuất thực phẩm chức năng cần thiết cho người lớn tuổi. “Nestlé Wellness Ambassador” là một dịch vụ bán thực phẩm chức năng và sữa trà xanh cho các thành viên đăng ký. Để đưa sản phẩm đến gần hơn với nhu cầu dinh dưỡng của người dùng, thương hiệu này cho phép người đăng ký dịch vụ gửi hình ảnh bữa ăn của họ qua ứng dụng tin nhắn Line và sử dụng AI để phân tích thành phần dinh dưỡng. Sau đó, Nestlé sẽ đề xuất những loại thực phẩm chức năng có thể bổ sung một cách tốt nhất theo nhu cầu thực tế của người dùng.
Ngoài ra, Nestlé cũng mời người dùng cung cấp mẫu nước bọt và kết quả thử máu để có thể phân tích những loại vitamin đang thiếu và các căn bệnh mà họ có thể mắc phải trong tương lai, từ đó sẽ cá nhân hóa đề xuất của hãng này.
Công nghệ này cũng có tiềm năng hỗ trợ hữu ích cho các chương trình sức khỏe cộng đồng. Chương trình “Change4Life Food Scanner” của Cơ quan Sức khỏe Quốc gia Anh quốc đã tiến hành quét hình ảnh nhãn thực phẩm để đánh giá lượng đường, muối và chất béo bão hòa. Kết quả là lượng đường trong thực phẩm được miêu tả là “nhiều chất đống”. Ứng dụng này là một phần của chiến dịch giảm tỷ lệ béo phì của trẻ em nước Anh (một phần ba trẻ em trong độ tuổi từ 2-15 bị béo phì).
– Theo Fast Company, JWT Intelligence