Hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng hiện đang ở mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011. Kể từ đầu năm, tín dụng tăng trưởng tương đối đều đặn, trung bình 1,1 – 1,2%/tháng, không ỳ ạch như cùng thời kỳ những năm trước. Sau tám tháng, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng 10,23% so với cuối năm ngoái, một con số ấn tượng. Như vậy, chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 8, con số này đã tăng thêm tới 0,69%.
Khi có sự thay đổi đột ngột, người ta thường lo ngại liệu sự thay đổi ấy có hay không dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Trong trường hợp này, tốc độ tăng nhanh chóng của tín dụng dễ làm liên tưởng đến những năm 2009-2010, khi tín dụng tăng quá nhanh dẫn đến những hệ lụy như nợ xấu, căng thẳng thanh khoản… mà ngành ngân hàng phải giải quyết một thời gian dài sau đó. Đặc biệt, trong bối cảnh tỷ giá vẫn chưa yên, điều tiết nguồn tiền đồng như thế nào để không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá là vấn đề được Ngân hàng Nhà nước hết sức quan tâm. Theo đại diện của cơ quan này, tốc độ tăng như hiện nay là không đáng ngại, không những thế còn tích cực hơn giai đoạn trước bởi tăng trưởng tín dụng nội tệ cao hơn tăng trưởng tín dụng ngoại tệ (cùng thời gian, tín dụng ngoại tệ chỉ tăng hơn 8%). Không những vậy, xét tổng thể, cơ cấu tín dụng ngoại tệ (khoảng 400 ngàn tỉ đồng) so với tổng tín dụng (3 triệu tỉ đồng) khá thấp, nên sẽ không gây ra hệ quả tiêu cực. Đạt được điều này cũng nhờ một phần vào sự chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và tiền đồng đã ngày càng thu hẹp. Trước đây, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD khá cao, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ khi có nhu cầu vay vốn thường chọn vay USD thay vì vay tiền đồng để giảm chi phí lãi vay. Nay chênh lệch đó gần tương đương với độ giảm giá của tiền đồng trong quãng thời gian tương ứng, nên nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang vay bằng tiền đồng. Thực hiện việc này, họ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát chi phí đầu vào, lại không còn phải bận tâm đến vấn đề tỷ giá, hoạt động kinh doanh không bị xáo trộn khi tỷ giá biến động.
Theo các chuyên gia, việc nền kinh tế trên đà phục hồi và tăng trưởng trong thời gian qua đã kéo theo nhu cầu tăng lên của tín dụng. Với nhiều nước, trong tình huống cần tăng trưởng kinh tế như vậy, không chỉ có các ngân hàng sẽ tăng mạnh cung tiền, mà nguồn vốn đầu tư còn được lấy từ các quỹ, thị trường chứng khoán, nguồn trái phiếu doanh nghiệp… Trong khi đó, hệ thống ngân hàng nước ta nắm giữ tới 80% nguồn vốn đầu tư cho cả nền kinh tế. Vì lẽ đó, khi cần vay vốn sản xuất kinh doanh, đa phần các doanh nghiệp phải tìm đến ngân hàng. Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn của các ngân hàng hiện chiếm tới 40% trong cơ cấu kỳ hạn. Tỷ trọng cao như vậy rất dễ khiến hệ thống trì trệ, kém linh hoạt, nhưng ngành ngân hàng không thể làm gì khác trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường vốn chưa phát triển.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng nhanh sẽ có tác động đến lãi suất và thực tế lãi suất huy động đã tăng nhẹ trong những ngày vừa qua. Dù lạm phát kỳ vọng đang ở mức thấp và nhà điều hành vẫn phát đi thông điệp sẽ duy trì lãi suất ổn định một thời gian để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thì áp lực đối với các ngân hàng nhằm duy trì mức lãi suất huy động – cho vay hiện nay là không nhỏ. Dĩ nhiên, bằng cách tiết giảm tối đa chi phí, các ngân hàng đang làm được điều này, ít nhất đến hết năm nay. Nhưng trong tương lai, thị trường vốn cần hoạt động hiệu quả hơn, tạo thêm những nguồn vốn mới để phục vụ cho tăng trưởng. Khi ấy, người ta sẽ không còn phải bận tâm nhiều đến con số tăng trưởng tín dụng như hiện nay.
Ngọc Khang (DNSGCT)