Thế nhưng, báo cáo tài chính của một số ngân hàng gần đây cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của họ không tăng mà còn giảm xuống dưới mức 3%. Những con số tích cực ấy đến trong bối cảnh không có tín hiệu hỗ trợ từ sự tăng trưởng của nền kinh tế, song song với sự ra đời của Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) – có nhiệm vụ mua lại nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, khiến cho người ta phải băn khoăn. Theo quy định, các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% buộc phải bán nợ cho VAMC. Để lách quy định này, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao có thể áp dụng cách thức mua chéo nợ xấu của nhau, làm đẹp sổ sách để các bên cùng có lợi. Nếu đúng như vậy, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng đang có nợ xấu cao trong những tháng tới cũng sẽ giảm! Mà nếu đa số ngân hàng đã tự giảm được tỷ lệ nợ xấu của mình, thì vai trò của VAMC sẽ không còn được phát huy đúng mức.
Vì sao các ngân hàng lại “sợ” nợ xấu? Trước tiên, thông tin về tỷ lệ nợ xấu cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu của họ. Tiếp đến, việc trích lập dự phòng rủi ro sẽ tăng tương ứng với mức gia tăng của nợ xấu. Cuối cùng, giảm nhẹ con số nợ xấu thực tế xuống dưới mức 3% sẽ giúp các ngân hàng không phải bán nợ xấu cho VAMC. Cũng có thể việc quy định các ngân hàng buộc phải bán nợ cho VAMC mà không biết sẽ được chiết khấu bao nhiêu, đồng thời vẫn phải trích lập dự phòng, đã đem đến một sự mất mát cho các ngân hàng. Họ sẽ có cảm giác an tâm hơn nếu cứ để khoản nợ xấu ấy “án binh bất động”. Nếu suy nghĩ như thế, bằng cách sử dụng hình thức mua bán qua lại các khoản nợ xấu, các ngân hàng sẽ “dìu nhau” thoát khỏi cột mốc tỷ lệ nợ xấu 3% và không phải bán nợ xấu cho VAMC nữa. Vậy nên, như nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận xét, VAMC chỉ là công cụ giải quyết nợ xấu hữu hiệu khi chính các ngân hàng muốn xử lý nợ xấu mà thôi.
Trong buổi họp báo thường niên diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng 8 vừa qua, bà Karin Finkelston, Phó chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) châu Á – Thái Bình Dương cho rằng sự ra đời của VAMC là một tín hiệu tốt và IFC đang cân nhắc phương án để có thể hỗ trợ VAMC cũng như giúp các ngân hàng nước ta xử lý, thu hồi nợ xấu. Với kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại các thị trường mới nổi, đại diện IFC cho rằng VAMC nên dựa vào những bài học, kinh nghiệm mà các nước trên thế giới đã làm và nhiều nước đã làm thành công để lựa chọn cách thức hoạt động tốt nhất cho mình. Một trong những chìa khóa giúp xử lý nợ xấu nhanh chóng là công ty này cần xây dựng cơ chế thị trường để đấu giá các khoản nợ.
Với câu chuyện về những gì mà các ngân hàng có thể tiến hành trên thực tế để không phải bán nợ xấu cho VAMC, các nhà điều hành cần có những bước đi chủ động hơn nữa. Việc nhanh chóng xây dựng một cơ chế thị trường để đấu giá các khoản nợ theo tư vấn của các chuyên gia nước ngoài là rất đáng lưu tâm. Bởi nếu để cho các ngân hàng phải che giấu nợ xấu thực, thực trạng của các ngân hàng sẽ không được phản ánh đúng, từ đó khiến các giải pháp đưa ra để xử lý nợ xấu sẽ không phù hợp, khiến cho thời kỳ khó khăn của các ngân hàng còn kéo dài. Hệ quả sẽ là một hệ thống ngân hàng không mạnh khỏe, từ đó tác động đến cả nền kinh tế.
Minh Hằng