Sở hữu nhiều công trình nhân tạo kỳ vĩ bậc nhất thế giới, có những trung tâm mua sắm sầm uất bên cạnh khu chợ còn lưu giữ nét đặc trưng trong lòng phố cổ và một sa mạc huyền bí ở vùng ngoại ô thành phố, Dubai – một thành viên phồn thịnh của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là điểm đến thu hút cả những tín đồ shopping lẫn những du khách muốn khám phá thiên nhiên, văn hóa của vùng Trung Đông. Chúng tôi tới Dubai vào những ngày đầu tháng 12 – quãng thời gian mát mẻ nhất trong năm ở vùng sa mạc nổi tiếng khô cằn và nóng bức này. Buổi sáng, nhiệt độ ngoài trời chưa tới 30 độ nên thích hợp để du khách thực hiện một chuyến dạo qua thành phố (city tour) trước khi đến thăm tháp Burj Khalifa – tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới.
Thiên đường mua sắm của Trung Đông
Nằm bên bờ vịnh Ba Tư thuộc bán đảo Ả Rập, Dubai là một tiểu quốc Hồi giáo chiếm lĩnh vị trí quan trọng nhất và có dân số đông nhất trong UAE. Chúng tôi đến Dubai sau lễ kỷ niệm 41 năm Quốc khánh chung của các tiểu vương quốc (2-12) vài ngày nên đi đến đâu cũng thấy số 41 và quốc kỳ UAE, nhất là tại cổng vào các khách sạn, trung tâm mua sắm lớn nhỏ. Ở Dubai, thứ Năm là ngày cuối tuần nhưng các hoạt động buôn bán vẫn sầm uất và nhịp sống vẫn hối hả như ngày thường. Đường phố và các trung tâm mua sắm tấp nập người đủ các màu da. Chính sách mở dành cho người nước ngoài đến sinh sống và làm việc đã giúp thành phố này nhanh chóng trở thành một “Liên Hiệp Quốc thu nhỏ”. Nghe nói ở Dubai, người bản xứ chỉ chiếm 20% dân số, còn lại là người nhập cư từ các nước Hồi giáo lân cận, Ấn Độ, Australia và châu Âu.
Tại Dubai Mall – khu trung tâm mua sắm khổng lồ quy tụ hơn 2.000 cửa hiệu lớn nhỏ từ khắp nơi trên thế giới, có thể dễ dàng thấy nhiều du khách khệ nệ, lỉnh kỉnh túi to, túi nhỏ. Mỗi năm Dubai có hai mùa giảm giá lớn, một đợt vào dịp lễ Quốc khánh UAE và một đợt ngay sau Tết Dương lịch (từ ngày 3-1 đến 3-2). Ai cũng tranh thủ sắm sửa những món hàng hiệu đang được giảm giá từ 20 đến 50%.
Dubai còn được ngợi ca là “thiên đường của đồ trang sức”. Dù không có ý định mua vàng nhưng chúng tôi cũng dạo một vòng qua chợ vàng Gold Souk nằm bên phía hữu ngạn của rạch nước mặn Dubai Creek. Dưới vòm ngôi chợ có mái che xuyên suốt, du khách tha hồ chiêm ngưỡng những kiệt tác kim hoàn tưởng chỉ có trong truyện Nghìn lẻ một đêm. Nhiều người suýt xoa trước những chiếc nhẫn vàng đính kim cương khổng lồ, các sợi dây chuyển lóng lánh dài như… rèm cửa hoặc những bộ mề đay bằng vàng được nạm đầy ngọc quý. Một chiếc áo khoác được dệt bằng vàng được trưng bày khiến mấy du khách người châu Âu thi nhau bấm máy liên tục…
Cảm giác ở “trên đỉnh thế giới”
Như bước ra từ thế giới của những câu chuyện cổ tích Ả Rập, Dubai sở hữu rất nhiều công trình kiến trúc được mệnh danh là kỳ quan của thế giới hiện đại. Tất nhiên, mọi du khách đến đây đều có những trải nghiệm đáng nhớở tòa tháp cao nhất thế giới mang tên vị Tổng thống đương nhiệm của UAE – Burj Khalifa. Cao 828m, tòa tháp này như một thành phố thẳng đứng, vươn mình giữa sa mạc. Đứng ở vị trí cách xa gần cả trăm cây số vẫn có thể quan sát được đỉnh tòa tháp. Đây là công trình kiến trúc đạt nhiều kỷ lục thế giới: cao nhất, nhiều tầng nhất (164 tầng), thang máy chạy nhanh nhất (64km/g), có ban công quan sát toàn cảnh thành phố nằm ở độ cao nhất (trên tầng 124)…
Tại quầy vé, đông đảo du khách đứng xếp hàng chờ được tham quan “At the top” – tầng thứ 124 ấy. Thời gian thang máy đưa khách từ mặt đất lên tầng 124 chỉ mất có một phút, nhưng ai cũng phải mất gần 10 phút để đợi tới phiên mình bước vào bên trong khoang thang máy mát rượi và lấp lánh ánh đèn LED hiện đại. Từ ban công ở tầng 124 phóng tầm nhìn ra vịnh Ả Rập và toàn cảnh trung tâm thành phố Dubai, chúng tôi không khỏi bị choáng ngợp trước quang cảnh một thành phố hiện đại mọc lên sừng sững giữa lòng sa mạc. Trước khi đến thăm tòa nhà chọc trời này, chúng tôi đã tham quan Bảo tàng Dubai, nằm trong pháo đài Al-Fahidi. Thật khó tin rằng tiểu quốc Hồi giáo ở vùng sa mạc nóng nực, khô cằn nhất thế giới đã từ những làng chài nhỏ mà vươn vai biến thành một thành phố sôi động với thiên đường du lịch, mua sắm nổi tiếng thế giới chỉ trong vài chục năm.
Ngoài tòa tháp Burj Khalifa, Dubai còn thu hút khách bốn phương bằng quần đảo nhân tạo The Palm lớn nhất thế giới và Khách sạn bảy sao Burj Al-Arab với những phòng ốc được trang trí lộng lẫy, hội tụ những xa xỉ phẩm bậc nhất thế giới nhằm phục vụ cho giới thượng lưu. Việc lưu trú một đêm tại Khách sạn Atlantis ở The Palm để được ngắm vịnh Ả Rập từ ban công hoặc tại Khách sạn Burj Al-Arab có lẽ là một giấc mơ với nhiều du khách đến đây chứ không chỉ riêng nhóm chúng tôi vì giá phòng khởi điểm ở hai nơi xa xỉ đó đều hàng ngàn USD. Chúng tôi chỉ có thể đi tàu điện trên không tham quan The Palm theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” và đứng từ bãi biển Jumeirah chụp ảnh Khách sạn Burj Al-Arab.
Khám phá Abu Dhabi
Chúng tôi có riêng một ngày đến tiểu vương quốc láng giềng Abu Dhabi, nơi đồng thời là thủ đô của UAE để tham quan thánh đường Sheikh Zayed – một tuyệt tác trong kiến trúc Hồi giáo ởẢ Rập. Từ Dubai, xe chạy theo con đường huyết mạch Sheikh Zayed mất khoảng một giờ rưỡi thì tới Abu Dhabi. Không ít ôtô mang nhãn hiệu hạng sang nhất thế giới đang lưu thông trên con đường cao tốc này. Người hướng dẫn viên địa phương của Vietravel giải thích rằng với chính sách mở, Dubai sẵn sàng chào đón người nước ngoài đến đây mua nhà, mua xe. Hơn nữa, giá xăng ở xứ sở dầu mỏ lại quá rẻ (một lít xăng giá 0,6 USD, còn giá một lít nước đúng tròn 1 USD) nên nhiều người ở Dubai không ngần ngại tậu những chiếc xế hộp đắt tiền.
Về mặt tài chính, Abu Dhabi giàu mạnh hơn Dubai vì sở hữu trữ lượng dầu hỏa nhiều hơn hẳn. Thế nhưng, trong quá trình phát triển, Abu Dhabi không nhắm tới dịch vụ, du lịch và bất động sản như Dubai, mà chủ yếu tập trung vào các kiến trúc văn hóa, gồm văn hóa Hồi giáo xen lẫn nét kiến trúc hiện đại. Đặt chân vào nhà thờ Hồi giáo Sheikh Zayed, các du khách đều như bị nét lộng lẫy của thánh đường rộng 22.000m2 này thôi miên. Thánh đường mang tên anh hùng của vùng Vịnh – quốc vương Sheikh Zayed Bin Sultan Al Nahyan, người đã thành lập nên UAE và đề ra ý tưởng xây dựng công trình kiến trúc tôn giáo này. Phòng chính của thánh đường có thể chứa được khoảng 8.000 người đến cầu nguyện. Từ nền đá cẩm thạch mát rượi đến chiếc đèn chùm cao hàng chục thước được làm bằng pha lê rực rỡ sắc màu, những ô kính pha lê tinh tế, hay tấm thảm len dệt tay rộng hàng ngàn mét vuông trải trong thánh đường… đều góp phần thể hiện sự giàu có của Abu Dhabi.
Chuyến du hành sa mạc khó quên
Sẽ là thiếu sót lớn nếu du khách đến Dubai mà không trải nghiệm cảm giác khám phá sa mạc Safari bằng xe Land Cruise – đặc sản du lịch của vùng đất này. Mỗi chiếc xe chở năm khách. Trước khi vào sa mạc, bánh xe được xì bớt hơi để xe dễ dàng di chuyển trên những đồi cát nhấp nhô. Anh tài xế của xe chúng tôi kể rằng tất cả các bác tài trong đội xe đưa du khách đi tour sa mạc đều đã qua khóa huấn luyện để được cấp bằng lái đặc biệt và đều thông thạo các ngóc ngách địa hình của sa mạc để không bị lạc đường giữa biển cát mênh mông.
Cát sa mạc màu đỏ đồng, mịn như bột, trải dài tít tắp đến tận chân trời. Nổi bật trên màu cát đỏ là những chiếc xe màu trắng nối đuôi nhau thành đoàn. Đi xe trong sa mạc có cảm giác mạnh không khác gì đi tàu lượn siêu tốc. Anh tài xế trổ hết tài nghệ bẻ lái vô-lăng, khi lượn vòng men theo sườn đồi cát, khi nhấn ga cho xe chạy nhẹ nhàng lên đồi cao rồi từ từ đổ dốc, thỉnh thoảng lại cua nghiêng hẳn 40 độ khiến cho chúng tôi bị thót tim. Du khách ngồi ở xe sau có thể nhìn thấy chiếc xe phía trước mình lượn lên lượn xuống hoặc chạy vòng vèo trên những đụn cát nhấp nhô trùng điệp như núi đồi. Phóng tầm mắt sang đồi cát bên kia, tôi quan sát được những pha di chuyển ngoạn mục của những chiếc xe khác. Sau gần một giờ chinh phục các đụn cát, xe dừng chân ở một đồi cát đủ cao và rộng để du khách dùng máy ảnh, điện thoại ghi lại khoảnh khắc hoàng hôn đặc biệt trên sa mạc. Sau khi xuống xe, hướng tới những người bạn cùng đoàn sau hành trình giữa biển cát mênh mông để trò chuyện, tôi mới láng máng hiểu được cảm giác hồ hởi của những người du mục xưa khi được gặp người quen trong hành trình cưỡi lạc đà đi xuyên sa mạc.
Khi mặt trời gần khuất bóng, xe tiến đến một vùng tương đối bằng phẳng, được rào thành một khu cắm trại ngoài trời với những túp lều dựng bằng lá cọ theo truyền thống của người Ả Rập. Tại đây, du khách được cưỡi lạc đà, thưởng thức các món thịt nướng, nhâm nhi cà phê nóng dưới ánh lửa bập bùng. Vào trong lều, nhiều người, nhất là phụ nữ, tìm được niềm vui khi thử dịch vụ vẽ Henna (dùng mực chiết xuất từ thực vật để tạo hình trên da tay, chân). Có nhóm khách rủ nhau hút shisha một lần cho biết. Riêng các em bé người châu Âu tỏ ra rất thích thú với trò trượt cát. Nhiều nhóm khách quây quần bên những chiếc bàn thấp kê gần sân khấu để chờ đợi thưởng thức màn múa bụng truyền thống. Lúc nhạc trỗi lên và các vũ công xuất hiện trên sân khấu, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy điệu múa truyền thống của người Ả Rập lại được biểu diễn bởi những vũ công châu Âu. Thì ra, theo quy định của luật Hồi giáo và nhờ những ưu đãi dành cho người bản xứở đất nước Dubai phồn thịnh, chẳng có phụ nữ bản xứ nào làm nghề này.
Sau gần sáu giờ đồng hồ trải nghiệm sa mạc, cưỡi lạc đà, cuối cùng mới thấy đây chính là điều ấn tượng nhất, thú vị nhất trong số những kết quả mà chúng tôi đã thu lượm được qua chuyến du lịch Dubai.
Tô Ái Liên