Trong quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh ở Việt Nam hiện nay thì người ta có xu hướng đưa phố về quê nhiều hơn. Nhưng, cũng có những lựa chọn đặc biệt và khác với số đông, như trường hợp chủ nhân của ngôi nhà này. Hiểu theo một cách nào đó và trong một chừng mực nhất định thì họ đang ngược dòng: đưa quê về phố.
Tất nhiên, với điều kiện về diện tích mặt bằng và vị trí tọa lạc trong một khu đô thị thì nó không hẳn là một ngôi nhà quê đúng nghĩa, nhưng bằng khả năng và nỗ lực của mình, những người thiết kế đã áp vào không gian được điều quan trọng nhất – cái không khí mà họ muốn, một ngôi nhà theo phong cách đồng quê, mộc mạc, tự nhiên và gần gũi nhưng vẫn đầy đủ tiện ích của một đời sống hiện đại.
Được xây dựng trên một mảnh đất ven sông, với quy mô ba tầng và tổng diện tích xây dựng 230m², ngôi nhà có không gian thoáng đãng với khoảng sân phía trước.
Khoảng sân trồng hàng trúc – hình ảnh đặc trưng của làng quê. Nền sân rải sỏi, lát đá tự nhiên, vách tường ốp gạch trần thô… Buổi tối, sân vườn sử dụng ánh nến để tăng sự ấm áp, giúp con người được hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng cuộc sống…
- Xem thêm: Chiếc lồng trong đô thị
Tất cả tạo một khoảng thư giãn giá trị. Hai khoảng thông tầng ở giữa và sau nhà, vừa trồng cây xanh, đồng thời lấy nắng và gió tự nhiên.
Toàn bộ không gian sinh hoạt chung như phòng khách, bếp và khu vực bàn ăn bố trí tầng trệt. Ba phòng ngủ tập trung trên các tầng còn lại.
- Xem thêm: Nhà tiệc – nhà mình
Về vật liệu, họ sử dụng các vật liệu thô mộc như mặt bếp bằng đá bê tông, đảo bếp là đá bazan tự nhiên; ốp gạch trần, sử dụng vật liệu mây, gỗ tự nhiên, cây xanh… Sàn nhà chính được đổ bê tông kết hợp sỏi tự nhiên, lát nhấn gạch bông thủ công.
Ngôi nhà toát lên vẻ ấm cúng và tình cảm nhờ chính những chủ nhân đã vận dụng vật liệu cũ và xắn tay vào tạo nên tổ ấm của mình. Một số vật dụng trong nhà được tận dụng gỗ từ nhà cũ, đóng bàn, kệ gỗ để trang trí cây xanh.
- Xem thêm: Cái duyên từ sự đồng điệu
Từng không gian xanh trong ngôi nhà được tự tay mỗi thành viên trong gia đình cùng nhau làm đất, bón phân, trồng cây, sắp xếp một cách ngẫu hứng. Hai đứa trẻ bốn tuổi và sáu tuổi cũng cùng làm với cha mẹ. Chính điều đó làm tăng sự kết nối và làm mới năng lượng từng thành viên trong gia đình.
Đưa quê về phố theo cách của mình, gia đình trẻ này đã thành công vì tạo nên một ngôi nhà như mơ ước của họ. Và cứ nhìn vào hình ảnh của ngôi nhà, cũng có thể đoán được rằng nó gợi lên nhiều ước mơ của những người trẻ khác.
- Xem thêm: Giá trị của khoảng thông tầng