Cuối năm 2017, tại Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh diễn ra một chương trình huấn luyện hướng nghiệp và chuẩn bị nghề nghiệp miễn phí cho sinh viên. Khác với những buổi trò chuyện về việc chọn nghề, các giảng viên mang đến cho sinh viên những bài học về kỹ năng thiết kế cuộc đời, tư duy tích cực, tư duy độc lập, xử lý vấn đề, ra quyết định… Có khoảng 500 em đến tham dự chương trình, vượt xa con số 300 em dự kiến ban đầu. Nhiều em đứng ở xa lắng nghe một cách say sưa vì không kịp đăng ký trước đó. Sau khi đi qua một số trường ở TP. Hồ Chí Minh, dự án J.A.S Project (viết tắt của Job Application Skill Project) đã có mặt ở miền Trung, với mong muốn góp phần giải quyết tình trạng hàng trăm ngàn sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường vì thiếu thông tin nghề nghiệp và các kỹ năng mềm.
Chủ động đưa chương trình giáo dục đến cho sinh viên
Một cuộc khảo sát trên 1.200 sinh viên được G.A.P Institute phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Giáo dục và Đào tạo UNESCO thực hiện năm 2016 cho thấy chưa đến 10% các em được hỗ trợ việc làm từ các trung tâm hỗ trợ sinh viên, thậm chí một số sinh viên còn không biết sự tồn tại của các trung tâm này. Những em khác thì đến các trung tâm hỗ trợ sinh viên để tìm kiếm thông tin nghề nghiệp mà doanh nghiệp cần là chủ yếu, chứ chưa nhận được sự hỗ trợ kỹ năng như mong đợi. Ngay trong trường đại học, các em cũng ít khi được dạy về các kỹ năng mềm. Kết quả là sinh viên thường thiếu rất nhiều kỹ năng quan trọng cho công việc khi rời khỏi giảng đường.
Theo bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh năng lực toàn cầu năm 2017 do Đại học INSEAD và Tập đoàn Nhân sự Adecco, Việt Nam xếp thứ 86/118 tổng số nước khảo sát trên thế giới; còn theo Khảo sát về chất lượng nguồn nhân lực được thực hiện bởi Ngân hàng Thế giới Việt Nam đứng thứ 11/12 các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bảng xếp hạng này được đưa ra dựa trên các tiêu chí như khả năng phát triển, thu hút và giữ chân nhân tài. Điều này cho thấy nguồn nhân lực Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn với nhà tuyển dụng và một số lượng không nhỏ sinh viên ra trường bị thất nghiệp trong những năm qua.
Mặt khác, những báo cáo của UNDP về chỉ số “Nghèo đa chiều” (MPI) của các tổ chức khác nhau trong và ngoài nước thì Việt Nam có từ 10% – 19,5% dân số nằm trong diện nghèo đa chiều hoặc cận nghèo đa chiều (trong đó trên dưới 1 triệu người thuộc dạng cực nghèo hoặc khốn cùng). “Tôi thật sự bị ám ảnh không chỉ bởi những con số, hình ảnh, dẫn chứng của các báo cáo mà còn cả một kết luận rất đau lòng của vị giáo sư kinh tế học rất uy tín tại Đại học Pennsylvania về Việt Nam rằng nếu không có sự đổi mới trong các tiếp cận giải quyết đói nghèo và tiếp tục phát triển kinh tế một cách thiếu bền vững và hoàn toàn dựa trên các tài nguyên và lợi thế thiên nhiên, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các nước như Việt Nam sẽ không dừng lại mà tiếp tục tăng lên”, Lê Đình Hiếu, sáng lập Học viện G.A.P đồng thời là một trong 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ hiện nay (theo tạp chí Forbes), cho biết.
Chính những điều này đã thôi thúc Hiếu quyết định cho ra đời một J.A.S Project, một chương trình huấn luyện về hướng nghiệp và chuẩn bị nghề nghiệp miễn phí cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên miền Trung và các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Hiếu và các giảng viên của Học viện G.A.P đã cung cấp những tài liệu về Design Your Life, Critical Thinking, Career Exploration…, sách về định hướng nghề nghiệp và cả những phương pháp học tập ở nước ngoài đội ngũ góp nhặt trong quá trình học tập hoặc mua bản quyền từ Harvard, Stanford, UPenn, Brandeis… Anh nói: “Trong quá trình giảng dạy về tiếng Anh và kỹ năng nghề nghiệp tại Học viện G.A.P, chúng tôi nhận thấy các em sinh viên ở xa rất thiệt thòi. So với sinh viên thành phố, các em ít có điều kiện tiếp cận thông tin và cũng hiếm khi có cơ hội tham gia vào các chương trình huấn luyện kỹ năng. Vì vậy, chúng tôi quyết định “thân chinh” đến với các em, không chỉ có các em ở Thủ Đức, mà còn ở các vùng miền Trung xa xôi như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên, Nghệ An…, nhất là ở những nơi mà bão lũ thường đi qua, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người dân”.
Cần sự chung tay của nhiều doanh nghiệp
Được biết, các chủ đề và nội dung của J.A.S Project được chọn lọc dựa trên nhu cầu thực tế của sinh viên và được chia sẻ bởi chính những người làm nghề để có cái nhìn toàn diện và chính xác hơn về thế giới nghề nghiệp mà các bạn sắp dấn thân vào. Theo chia sẻ của Phạm Hồng Anh, Giám đốc học vụ của Học viện G.A.P đồng thời là một giảng viên của chương trình thì theo những cuộc khảo sát về phía doanh nghiệp cho thấy, ba kỹ năng quan trọng nhất mà sinh viên thường thiếu là tư duy độc lập, xử lý vấn đề và ra quyết định. Nhiều em học lực rất tốt, điểm các môn chuyên ngành đều cao, nhưng vẫn cảm thấy khó khăn khi đứng trước các tình huống lạ và không biết phải quyết định ra sao trước nhiều lựa chọn quan trọng. Vì vậy, dự án của Học viện G.A.P rất chú trọng về các kỹ năng này trong huấn luyện bên cạnh các kỹ năng khác như tư duy tích cực, đổi mới sáng tạo… Hầu hết các buổi training của J.A.S Project đều đón hàng trăm bạn trẻ háo hức tham gia. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Quản lý dự án J.A.S cho hay: “Các em không ngần ngại đặt ra nhiều câu hỏi cho diễn giả, đôi khi có những câu hỏi rất đơn giản như: cách đặt tiêu đề của một email, hay cách xưng hô khi viết đơn xin việc, cách ứng xử trong môi trường làm việc đa văn hóa, đa vùng miền… Hy vọng rằng, các kỹ năng này sẽ giúp cho các bạn sinh viên không chỉ đủ tự tin và còn đủ năng lực để tìm việc thành công”.
Với những ý nghĩa thiết thực, J.A.S project đã được bầu chọn là một trong ba dự án xã hội tốt nhất được LIN tài trợ trực tiếp. Ngoài ra, doanh nghiệp Vexere cũng tài trợ chi phí đi lại của giảng viên cùng những phần học bổng cho sinh viên miền Trung. Dự án dự kiến sẽ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho khoảng 1.000 em sinh viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với nhiều nguồn tài trợ khác nhau, dự án có thể sẽ đào tạo cho 1.500 em sinh viên hoặc hơn nữa. Lê Đình Hiếu cho biết: “Cần có thêm thời gian để có thể đo lường về hiệu quả của chương trình, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều em sinh viên đã có sự chuyển biến trong suy nghĩ, tư duy. Đó đã là một thành công bước đầu và là niềm vui của những người khởi động dự án. Chương trình này đã cho chúng tôi niềm tin về tương lai của giới trẻ cũng như niềm tin về sự chung tay ngày một đông của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào các dự án giáo dục cộng đồng”.