Dòng xe nhập khẩu tại thị trường Việt Nam đang trên đà tăng tốc mạnh mẽ và có khuynh hướng lấn át dòng xe sản xuất – lắp ráp trong nước. Sự cạnh tranh giữa hai dòng sản phẩm càng quyết liệt hơn khi gần đây thị trường liên tục nhận được những thông tin về những thay đổi chính sách thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Trong khi Bộ Tài chính lý giải những nội dung thay đổi trong dự thảo mới sẽ tạo nên sự công bằng hơn trên thị trường ôtô thì các nhà nhập khẩu dường như đang ngồi trên đống lửa.
Sự trỗi dậy của dòng xe nhập khẩu
Theo số liệu cập nhật từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 10, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam tiếp tục đạt mức cao, khoảng 11 ngàn chiếc, trị giá 203 triệu USD. Mức tăng 28,2% về số lượng và 3,6% về giá trị so với tháng trước cho thấy lượng xe nhập khẩu vẫn không ngừng tăng theo thời gian. Tính chung trong mười tháng đầu năm nay, lượng ôtô nhập khẩu đạt khoảng 95 ngàn chiếc, trị giá 2,31 tỉ USD, tức là tăng 82,8% về lượng và tăng tới 100,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Về phần mình, giới tiêu dùng cũng tỏ ra khá mặn mà với các mẫu xe nhập khẩu vì theo thống kê của VAMA, lượng xe nhập khẩu bán ra trong tháng 10 đạt 6.443 chiếc (tăng 19% so với tháng trước), đưa lượng xe đã tiêu thụ trong mười tháng đầu năm lên 48.683 chiếc (tăng 62% so với cùng kỳ năm 2014).
Đi cùng sự tăng trưởng về lượng, các thương hiệu xe hơi nổi tiếng cũng tích cực tiến vào thị trường Việt Nam thông qua việc ra mắt đại lý phân phối chính thức và mở showroom. Chưa bao giờ giới tiêu dùng lại liên tục được trực tiếp diện kiến nhiều mẫu xe siêu sang mới nhất của các thương hiệu “đình đám” như Bentley, Lamborghini, Rolls-Royce, Porsche và sắp tới sẽ là Maserati bên cạnh những tên tuổi nổi tiếng khác như Renault, Volkswagen, Subaru, Luxugen…
Với mức độ phát triển mạnh, năm 2015 trở thành cột mốc quan trọng đối với các nhà nhập khẩu xe hơi khi lần đầu tiên một triển lãm ôtô quốc tế dành riêng cho các thương hiệu xe hơi nhập khẩu tại Việt Nam (VIMS 2015) đã được tổ chức, cho dù còn bị hạn chế về số lượng thương hiệu tham gia. Thế nhưng bước khởi đầu đó có vẻ đạt yêu cầu của các nhà tổ chức vì chỉ hơn một tháng sau sự kiện trên, một cuộc họp báo được tổ chức để công bố VIMS 2016 sẽ tiếp tục được tổ chức với sự tham gia của hàng loạt thương hiệu xe nhập khẩu hấp dẫn khác. Hơn thế, như đã được công bố tại VIMS 2015, các nhà nhập khẩu xe hơi tại Việt Nam đang hướng tới một mục tiêu cao hơn là thành lập hẳn một hiệp hội các nhà nhập khẩu xe hơi chính thức để hoạt động song hành cùng VAMA. Nếu ý đồ đó được hiện thực hóa thì sẽ tồn tại hai hiệp hội xe hơi và với xu hướng tăng tốc của các dòng xe nhập khẩu thì chắc chắn thị trường ôtô Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc chiến đầy kịch tính.
Thuế TTĐB có phải là chiếc phanh?
Trong cuộc họp báo để công bố về VIMS 2016, các nhà nhập khẩu xe cũng cho biết đã chuẩn bị một bản kiến nghị lên Chính phủ, mà nội dung có liên quan đến sự thay đổi về Luật thuế TTĐB trong Nghị định 108/2015/NĐ-CP và dự luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB đang trình Quốc hội thông qua. Cả hai đều có thời hạn thi hành từ ngày 1-1-2016.
Các nhà nhập khẩu ôtô tỏ ra bức xúc về cách tính thuế cũng như thời điểm triển khai thực hiện luật vì theo họ như vậy là không công bằng, đồng thời sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô nói riêng, của cả thị trường ôtô trong nước nói chung trong thời gian tới.
Quay ngược thời gian, hồi tháng 6 vừa qua, trước câu hỏi của giới truyền thông về lý do đưa ra sửa đổi về cách tính thuế TTĐB đối với dòng ôtô nhập khẩu, đại diện Bộ Tài chính đã trả lời rằng làm như vậy để đảm bảo sự công bằng giữa nhà nhập khẩu và nhà sản xuất thông qua việc giám sát tình hình thực hiện và các cam kết thuế trước đây, trong đó có việc mức thuế đối với ôtô nhập khẩu sẽ giảm dần về 0% vào năm 2018 và theo kiến nghị của VAMA, Hiệp hội Cơ khí (VAMI) cùng một số doanh nghiệp. Bộ Tài chính xác định cách tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước là dựa trên giá bán ra của nhà sản xuất, trong khi đối với xe nhập khẩu là giá ship cộng với thuế nhập khẩu là chưa thực sự công bằng, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh giữa nhà nhập khẩu và nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn căn cứ vào một cơ sở khác là các nước trong khu vực áp dụng cách tính thuế TTĐB dành cho xe nhập khẩu dựa trên giá bán lẻ cho người tiêu dùng. Trong khi những nội dung thay đổi trong luật và nghị định được cho là để đảm bảo sự công bằng hơn thì lại đang tạo nên một cơn sóng bức xúc mạnh mẽ chưa từng có từ đối tượng bị ảnh hưởng chính – những nhà nhập khẩu ôtô chính thức.
Không đặt trọng tâm vào sự tăng giảm mức đánh thuế TTĐB đối với các dòng xe nhập khẩu theo dung tích nhiên liệu sử dụng, những lo lắng được các nhà nhập khẩu ôtô chia sẻ tập trung vào tác động của cách tính thuế TTĐB mới và thời điểm triển khai cách tính thuế mới.
Đầu tiên, theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP, đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi, căn cứ để tính thuế TTĐB là giá xe bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn) nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn đối với xe nhập khẩu. Nếu thấp hơn mức này, giá tính thuế sẽ do cơ quan thuế ấn định. “Giá vốn” được giải thích là giá để tính thuế nhập khẩu kèm thuế nhập khẩu và thuế TTĐB. Tuy nhiên, trong dự thảo luật sửa đổi đang được Bộ Tài chính trình Quốc hội thông qua thì quy trình tính thuế TTĐB sẽ được tính ngược lại, cụ thể là mức thuế được tính theo giá bán lẻ (giá bán cho người tiêu dùng). Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đăng Thảo – Tổng giám đốc Euro Auto nhìn nhận: “Có thể nói, các chính sách về thuế sắp tới là một cách tính thuế chồng lên thuế. Hiện nay, khi nhập xe về, chúng tôi đóng thuế TTĐB trên giá nhập khẩu cùng với thuế nhập khẩu. Sắp tới, nếu đánh thuế TTĐB trên giá bán ra của nhà nhập khẩu, tức là đánh thuế trên giá bán cho người tiêu dùng, thì có phải là tất cả các chi phí hoạt động của công ty, kể từ từng ly nước uống, từng tờ giấy sử dụng vốn không phải là loại hàng hóa xa xỉ giờ đều phải đóng thuế TTĐB. Rồi tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong công ty vốn đã phải chịu thuế thu nhập cá nhân thì sắp tới có thể lại bị đóng thêm thuế TTĐB. Bên cạnh đó, xét theo hình thức kinh doanh thì những nhà nhập khẩu như chúng tôi cũng chỉ ngang hàng với các đại lý của các nhà sản xuất tại Việt Nam. Theo lẽ thường, do vai trò của các nhà sản xuất ôtô tại Việt Nam cũng tương tự như các nhà sản xuất ở nước ngoài, thuế TTĐB mà các nhà sản xuất tại Việt Nam đóng cũng tương đương với thuế TTĐB mà chúng tôi đóng khi nhập xe của nhà sản xuất nước ngoài. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị giữ nguyên cách tính thuế TTĐB như hiện tại. Có vậy mới công bằng cho khu vực nhập khẩu”.
Bên cạnh đó, liên quan đến thời điểm công bố và triển khai áp dụng các nghị định hay luật về thuế, các nhà nhập khẩu kiến nghị phải chọn thời điểm phù hợp để không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Trả lời câu hỏi về kế hoạch kinh doanh sắp tới cũng như đưa ra dự đoán về giá của dòng xe nhập cho năm 2016, ông Trần Tấn Trung – Tổng giám đốc Công ty Liên Á Quốc tế, nhà nhập khẩu chính thức thương hiệu Audi tại Việt Nam đã bộc bạch: “Những thay đổi về cách tính thuế trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB đang trình Quốc hội nếu được thông qua sẽ thay thế hoàn toàn Nghị định 108 của Chính phủ và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh sắp tới của tất cả các công ty nhập khẩu ôtô bởi họ không biết giá xe sắp tới sẽ như thế nào. Đến giờ này, thậm chí thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 108 vẫn chưa có thì làm sao các nhà nhập khẩu có thể tính toán giá bán xe sau ngày 1-1-2016? Đã vậy, những nội dung thay đổi của luật thì ghi là áp dụng từ ngày 1-1-2016 nhưng bảng tính tỷ lệ phần trăm đánh thuế thì áp dụng từ ngày 1-7-2016 nên chúng tôi không biết phải xây dựng khung giá như thế nào, vì để đem một chiếc xe về Việt Nam, Audi thường phải mất từ bốn đến năm tháng. Nếu chính sách thuế thay đổi trong vòng hai đến ba tháng như vậy thì các nhà nhập khẩu không thể nào lên được kế hoạch kinh doanh và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức tiêu thụ xe nhập khẩu nói riêng và cả thị trường ôtô nói chung, thậm chí là cả nền công nghiệp ôtô Việt Nam. Chúng tôi đã gửi Bộ Tài chính văn bản hỏi về cách tính thuế nhưng vẫn chưa được trả lời…”. Để minh chứng cho những ảnh hưởng nghiêm trọng mà những thay đổi trong luật mới có thể tác động đến thị trường ôtô Việt Nam, cả ông Trung và ông Laurent Genet – Tổng giám đốc Audi Việt Nam đều nhắc lại bức tranh của thị trường ôtô Việt Nam hồi năm 2012, sau khi có những thay đổi về luật thuế đối với ôtô.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cho rằng cách khấu trừ thuế sẽ làm họ tốn nhiều thời gian và nhân sự hơn cho các thủ tục thanh toán thuế. Do giá trị sản phẩm cao, phần thuế bị giữ lại chờ hoàn trả sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo giải thích của Bộ Tài chính thì sửa đổi được đề nghị dựa trên những nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác, đồng thời căn cứ vào khoản 6, điều 6 của Luật thuế TTĐB nên giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ.
Sau khi gửi kiến nghị lên Chính phủ và các cơ quan chức năng, không chỉ các nhà nhập khẩu đang nóng lòng chờ kết quả giải quyết, mà cả giới tiêu dùng cũng đang ngóng theo để quyết định có nên mua xe nhập khẩu trước ngày 1-1-2016 hay không. Nếu không có gì thay đổi thì chắc chắn mùa cao điểm cuối năm nay hứa hẹn sẽ rất sôi động tại thị trường ôtô Việt Nam.
Khôi Huỳnh (DNSGCT)