Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm tháng đầu năm nay, số khách quốc tế đến Việt Nam lên đến 5,2 triệu người, tuy chưa như mong muốn của chúng ta khi khu vực Đông Nam Á đang là điểm bình yên trên bản đồ du lịch thế giới, nhưng con số này so với cùng thời kỳ năm ngoái đã tăng 29,6%, cũng là điều đáng mừng.
Thống kê này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta biết rằng số khách đến từ các nước Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha tăng thêm 780.000 lượt người, doanh thu tăng thêm gần 200 triệu USD do tác động của việc Chính phủ áp dụng thí điểm miễn visa cho công dân các nước vừa nói.
Nếu lấy tỷ lệ tăng trưởng làm thước đo hiệu quả của một biện pháp thì với mức tăng 39% khách từ các nước Tây Âu trong vòng hai năm qua cũng đã là một ghi nhận lạc quan, trong tình hình cạnh tranh gay gắt do các nước khu vực có nhiều chủ trương thông thoáng hơn chúng ta về hoạt động du lịch.
Tây Âu lâu nay vốn là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam với thời gian khách lưu trú dài ngày và chi tiêu có phần rộng rãi hơn du khách đến từ các nơi khác. Ghi nhận từ Hiệp hội Du lịch cho thấy mức chi tiêu trung bình của một du khách đến từ Tây Âu vào khoảng 1.316 USD, cao gấp đôi chi tiêu của khách thị trường gần.
Miễn visa không chỉ khiến du khách giảm chi phí mà quan trọng hơn là tránh được những thủ tục rườm rà dễ gây nản lòng như họ đã từng phản ánh. Và cũng từ ngày chủ trương này được thực hiện, rõ ràng hình ảnh Việt Nam được cải thiện, ngành du lịch của chúng ta có thêm được lợi thế mà lẽ ra phải có từ lâu.
Du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế trọng điểm thì việc miễn visa là một trong những chính sách mang lại hiệu quả cao. Đó cũng là lý do khiến Hội đồng Tư vấn Du lịch kiến nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian miễn thị thực từ 1 đến 5 năm, tăng số ngày lưu trú từ 15 đến 30 ngày, đồng thời mở rộng danh sách đến công dân các nước như Australia, New Zealand, Canada… Ngoài ra, hội đồng này cũng đề nghị xem xét miễn thị thực quá cảnh 48 hoặc 72 giờ cho du khách đi châu Âu có nhu cầu trải nghiệm du lịch ở đất nước ta.
Theo Chiến lược Phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì du lịch được xác nhận là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GDP, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Kỳ vọng của chúng ta là đến năm 2020, Việt Nam thu hút mỗi năm từ 10 đến 11,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ hoạt động này có thể lên đến 18-19 tỉ USD. Có vẻ như kỳ vọng ấy sẽ đạt được như số liệu du khách nước ngoài đến với chúng ta trong năm tháng qua đã cho thấy.
Mới đây, chúng ta đã triển khai visa điện tử tạo thuận lợi cho công dân 40 nước đến với chúng ta, nhưng việc thu hút du khách sẽ càng hiệu quả hơn với chính sách miễn visa ngày càng nhiều cho công dân các nước trong điều kiện an ninh cho phép.
Hiện nay, Việt Nam và các nước ASEAN đang đàm phán để đi đến thống nhất cấp visa chung cho công dân toàn khu vực tương tự các nước EU. Nếu điều này trở thành hiện thực thì các nước trong khu vực sẽ miễn visa cho nhiều nước, khi ấy việc chậm trễ của chúng ta sẽ là một thiệt thòi không nhỏ.
- Đoàn Thi