Các tỉnh, thành Việt Nam đa phần nép mình bên những dòng sông đẹp; đặc biệt là Sài Gòn nhưng du lịch đường sông (DLĐS) nước ta cứ mãi loay hoay, giậm chân tại chỗ vì “Lực bất tòng tâm” dù có nhiều hội thảo, nhiều cố gắng đột phá.
Tàu du lịch trên sông Hồng
Người thì bảo tại chưa có bến.Kẻ lại nói cầu quá thấp, tàu lớn không qua được. Số khác cho rằng do con nước hoặc nhu cầu chưa cao… Chưa có bến thì làm bến, cầu thấp cũng chưa phải là tai họa, chưa có nhu cầu thì tạo nhu cầu. Ở nhiều nước, cái gì cũng có thể làm du lịch được. Hãy nhìn qua Singapore, sông ngắn, bề ngang chừng vài chục mét, độ tĩnh không cầu chỉ 2m7 nhưng DLĐS của họ vẫn phát triển. Tàu gỗ nhỏ chạy điện êm ru. Thuyết minh cài sẵn theo ngôn ngữ du khách. Hai bên bờ là khu thương mại, ẩm thực hoành tráng và cảnh quan cực đẹp.Cái thiếu của DLĐS Việt Nam là cách làm, là tầm nhìn.Thiên hạ làm DLĐS gắn liền với quy hoạch đô thị vài chục năm chứ không hô hào quyết tâm, có gì làm nấy kiểu “mì ăn liền”. Nhìn ra thế giới, từ sông Seine (Paris, Pháp), Volga (Nga), Nevas (Saint Petersburg, Nga), Thames (London, Anh), Hudson (New York, Mỹ), Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), Châu Giang (Quảng Châu, Trung Quốc), Chao Phraya (Bangkok, Thái Lan)… đều có cách làm tương tự. Mỗi cây cầu là một điểm nhấn.Mỗi cầu có kiến trúc đặc thù được phối màu ánh sáng độc đáo. Hai bên bờ, ngoài cảnh quan do lịch sử để lại được con người sắp xếp, tô điểm còn có những công trình mới, thường là các khu mua sắm, ẩm thực, giải trí… và không nơi nào giống nơi nào.
Nhìn lại Việt Nam, ngoại trừ Đà Nẵng thì các nơi khác kiến trúc cầu đều na ná như “đồng phục”. Việc giải tỏa và xây dựng cứ “Mạnh ai nấy làm”. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi sự đồng bộ mà chúng ta cứ làm ngược lại. DLĐS, kể cả buổi tối là để ngoạn cảnh, để ngắm thành phố từ trên sông chứ không phải để ăn uống.Ăn thì phải tập trung cả ngũ giác để thưởng thức.Làm sao vừa ăn ngon, vừa ngắm cảnh đẹp, vừa nghe thuyết minh hấp dẫn?Có tàu du lịch còn thêm màn ca múa nhạc tạp kỹ.Tội nghiệp các nghệ sĩ rút ruột biểu diễn khi các đệ tử lưu linh mặt đỏ ké cứ“Dzô dzô 100%”.Đó là những “Nhà hàng nổi di động”, không thể gọi là DLĐS. DLĐS ban ngày cũng phải tìm cho ra cái độc đáo giữa cảnh quan lặp lại, chọn vài tour trọng điểm rồi tập trung quảng bá, tạo ra nhu cầu cho du khách. Hướng dẫn viên và những người làm DLĐS phải thổi hồn vào cảnh quan và truyền lửa đam mê sông nước cho du khách với sự hợp lực của các công ty lữ hành.
Nếu 15 năm trước thành phố có kế hoạch cụ thể với những bước đi thích hợp thì DLĐS Sài Gòn bây giờ đã có diện mạo khác.Phải bắt đầu từ nhận thức để thay đổi và có cách làm phù hợp. Muộn còn hơn không và vạn sự khởi đầu nan. Du lịch thành phố khó có thể cất cánh nếu mảng đường sông cứ ì ạch như hiện nay.
Nguyễn Văn Mỹ