Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27-11, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 10,22% so với cuối năm 2013. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng được bảo đảm và dư thừa, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng tiền đồng đã giảm 1,5 – 2%/năm so với cuối năm 2013, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ… Nghĩa là, mọi chuyện đang tiến triển rất tốt, theo đúng kế hoạch.
Nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng, có thể thấy – đúng như dự đoán của giới phân tích – tốc độ tăng của ba tháng cuối năm có bước nhảy vọt. Từ 7,26% (thời điểm 30-9) lên 8,63% (thời điểm 30-10) rồi 10,22% (27-11). Theo nhận định của giới chức ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 13% (mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đề ra là 12 – 14% trong năm 2014), tức là sẽ tăng thêm gần 3% trong tháng 12. Nếu đúng như thế, chúng ta lại có thêm một năm tăng trưởng tín dụng có bước đột phá trong ba tháng cuối năm. Với việc tín dụng tăng cấp tập vào quý cuối năm như vậy, có lẽ không cần phải là một chuyên gia kinh tế mới nhận ra sự tăng trưởng đó khó có thể là thực chất và có tác động mạnh đến tăng trưởng chung của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước và đại diện của các ngân hàng thương mại vẫn luôn lý giải điều này là do tính mùa vụ của hoạt động tín dụng, rằng nhu cầu vốn của nền kinh tế trong quý cuối năm luôn cao hơn bình thường… Tuy nhiên, hơn thì có hơn nhưng có lẽ không phải đến mức đột biến như thế. Nếu như điều này là điều bình thường, thì ngay từ đầu năm, Thủ tướng đâu cần phải nhắc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng tín dụng cần phải tăng đều trong các quý của năm. No dồn đói góp không tốt đã đành, nếu tăng trưởng đó là thực chất, liệu nền kinh tế có đủ sức hấp thu?
Mức tăng của lạm phát thời điểm tháng 11-2014 chỉ 2,6% so với cùng kỳ năm 2013 còn cho thấy một điều là sức mua của người dân từ đầu năm đến nay vẫn yếu ớt, độ hấp thu vốn của nền kinh tế còn chưa cao, phản ánh đúng thực tế tăng trưởng tín dụng của ba quý đầu năm (7,26%). Trên thực tế, tình hình sản xuất – kinh doanh chung của cả nền kinh tế trong năm nay cũng tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng này, nghĩa là mới duy trì được sự ổn định chứ chưa có bước tăng mạnh mẽ. Vẫn biết các ngân hàng thương mại có những “chiêu” để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng mà không phạm luật, nhằm hoàn thành kế hoạch và lấy chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm tới. Tuy nhiên, vẫn có những con số phản ánh được phần nào đường đi của dòng tiền tiết kiệm từ khu vực dân cư chảy vào ngân hàng. Đó là 11 tháng đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động hơn 192 ngàn tỉ đồng trái phiếu chính phủ, mà phần lớn khối lượng này là do các ngân hàng thương mại mua. Hay Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tổng cộng 60.774 tỉ đồng tín phiếu trong tháng 11, trong khi khối lượng tín phiếu đáo hạn là 70.529 tỉ đồng. Trong tháng 12 này, khối lượng tín phiếu đáo hạn cũng rất lớn nên Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải điều hòa lượng cung tiền trong nền kinh tế bằng việc phát hành tín phiếu. Điều đó đồng nghĩa với việc chi phí chi trả lãi tín phiếu trong một vài năm tới vẫn là rất lớn. Đồng vốn vẫn khá bế tắc chứ không lạc quan như con số tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành chỉ tiêu trong năm nay.
Minh Hằng (DNSGCT)