Nhiều tỉnh thành trên cả nước thời gian qua đã tiến hành rà soát và rút giấy phép các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã cấp phép nhưng không triển khai. Cụ thể, năm 2011, tỉnh Lạng Sơn đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của năm doanh nghiệp không triển khai thực hiện dự án. Ở Bắc Ninh, số dự án bị thu hồi là 16, với tổng vốn đầu tư 47,64 triệu USD. Tỉnh Bắc Giang cũng đã xử lý vi phạm hành chính hai nhà đầu tư nước ngoài với số tiền là 102,5 triệu đồng; thu hồi 12 dự án do vi phạm các quy định của pháp luật với diện tích thu hồi là 313,1ha. Còn đến hết quý I-2012, Vĩnh Phúc đã thực hiện thu hồi 12 dự án FDI không triển khai với tổng diện tích đất 17,2ha.
Ở khu vực miền Trung, tỉnh Bình Định đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của bốn dự án FDI vì lý do chậm triển khai. QuảngNamcũng thu hồi tám dự án FDI với tổng vốn đăng ký 104,7 triệu USD, gồm có ba dự án du lịch ven biển và các dự án dịch vụ không triển khai thực hiện theo đúng tiến độ cam kết. Ở phía Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu đã chấm dứt hoạt động trước thời hạn và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2011 và quý I-2012. Tại Bình Dương, ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã thu hồi 12 giấy chứng nhận đầu tư của 12 dự án với tổng vốn đầu tư 35,5 triệu USD.
Nếu như trước đây, nhiều địa phương tỏ ra nương nhẹ với các dự án được cấp phép mà không chịu triển khai nhằm thu hút càng nhiều vốn FDI càng tốt, thì những động thái của các tỉnh thành trên cho thấy một thái độ ứng xử mới với dòng vốn FDI, đó là không thu hút nguồn vốn này bằng mọi giá.
Ngành sản xuất xe hơi thu hút nhiều dự án FDI của nước ta
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuần qua cho biết, đến nay về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng yếu kém. Thống đốc cũng nhấn mạnh rằng việc tái cấu trúc ngân hàng được tiến hành toàn diện trên các mặt: tài chính, hoạt động, quản trị với lộ trình phù hợp với từng ngân hàng. Mọi tổ chức tín dụng đều phải xây dựng phương án cơ cấu lại để báo cáo Ngân hàng Nhà nước và chịu sự giám sát thực hiện. Nguyên tắc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém về cơ bản theo trình tự trước hết bảo đảm khả năng chi trả của ngân hàng, áp dụng các biện pháp kiểm soát, giám sát thích hợp, thực hiện sáp nhập, hợp nhất tự nguyện hoặc bắt buộc (khi cần thiết) và cơ cấu lại tài chính, quản trị, hoạt động. Theo đó, một số giải pháp sẽ được triển khai như, tăng tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng thông qua việc áp dụng cơ chế mới về công bố thông tin; đẩy mạnh niêm yết cổ phiếu các ngân hàng thương mại cổ phần trên thị trường chứng khoán, tăng tính đại chúng.
Ngoài ra, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là cổ đông hoặc có vốn góp tại các tổ chức tín dụng phải có kế hoạch thoái vốn đầu tư và chấm dứt kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, hạn chế sự chi phối, thao túng của cổ đông lớn đối với ngân hàng thương mại cổ phần. Song song đó phải nâng cao các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản trị, kinh nghiệm công tác và trình độ chuyên môn đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt của các ngân hàng. Cuối cùng là triển khai các quy trình, chính sách kinh doanh nội bộ lành mạnh. Thống đốc cũng tin tưởng rằng, chủ trương cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra. Hệ thống các tổ chức tín dụng ngày càng hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững hơn nhằm góp phần thiết thực vào thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.
Trong một diễn tiến khác, ngày 11-5, tổ chức tín nhiệm Fitch Ratings cho biết giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm các khoản vay bằng ngoại tệ và nội tệ của Việt Nam ở mức “B+”, tức là “ổn định”, trong khi nguồn ngoại tệ ngắn hạn IDR ở mức B.
Ly Lam tổng hợp