Các bộ đồng phục lúc này hầu hết đều có màu xám và trông giống như những bộ trang phục của các nữ y tá trong bệnh viện. Đã hơn 83 năm trôi qua với nhiều sự thay đổi và phát triển vượt bậc của ngành vận chuyển hàng không thương mại, bộ đồng phục của tiếp viên trên các chuyến bay vẫn không thay đổi nhiều và dường như nó vẫn giữ nguyên được hình ảnh như những ngày khởi đầu của nghề tiếp viên hàng không.
Những bộ đồng phục tiếp viên hàng không đầu tiên được thiết kế có độ bền, tiện lợi, và thể hiện được sự tự tin trước hành khách. Những nữ tiếp viên đầu tiên của United Airlines đội những chiếc mũ nồi màu xanh lá, tấm choàng cũng màu xanh lá và đôi giày dành cho các nữ y tá. Các hãng hàng không khác cùng thời như Eastern Air Lines thực tế cũng khoác lên các nữ tiếp viên trên chuyến bay của mình bằng những bộ đồng phục của các nữ y tá.
Có lẽ bịảnh hưởng từ xuất thân là ngành hàng không quân sự nên nhiều mẫu đồng phục tiếp viên ngày ấy đều có một vẻ bề ngoài đậm chất quân nhân với những chiếc mũ, áo vest và những chiếc váy thể hiện những đường may thẳng cùng với những chi tiết quân đội như cầu vai và những chiếc nút bằng đồng thau. Nhiều bộ đồng phục có những phiên bản mùa hè và mùa đông được phân biệt thông qua các màu sắc và chất liệu vải phù hợp với từng mùa: ví dụ như màu xanh lục quân dành cho mùa đông, màu kaki dành cho mùa hè. Cùng với thời gian, vai trò của nữ tiếp viên trên các chuyến bay ngày càng phát triển và các hãng hàng không đã bắt đầu nhận ra giá trị về mặt hình ảnh cộng đồng của đội ngũ tiếp viên nữ, nhiều kiểu dáng và màu sắc nữ tính hơn bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1930 và đầu thập niên 40. Vài hãng hàng không bắt đầu đặt hàng các mẫu thiết kế từ những cửa hàng thương hiệu cao cấp và những nhà thiết kế chuyên nghiệp.
Theo các cuộc khảo sát thì xu hướng trang phục của đội ngũ nhân viên hàng không qua nhiều thập niên đã thay đổi theo hướng đáp ứng được các nhu cầu về thẩm mỹ của hành khách cùng với những yêu cầu khắt khe từ những quy định an toàn. Nếu như trong những năm của thập niên 60 và 70, khuynh hướng thời trang của đồng phục nữ tiếp viên hàng không là phải hấp dẫn đối tượng hành khách nam giới trong chuyến bay, những màu sắc được chọn lựa sáng và sặc sỡ hơn với những họa tiết được đưa vào như những mẫu sọc ngang dọc, những kiểu hoa văn hay chấm bi. Ngược lại trong những năm gần đây, các hãng hàng không chọn những mẫu đồng phục thể hiện sự chuyên nghiệp và có khuynh hướng công sở hơn cho đội ngũ tiếp viên của mình. Bên cạnh đó, sự góp mặt ngày càng nhiều của các nam tiếp viên trên các chuyến bay đòi hỏi các mẫu thiết kế đồng phục dành cho tiếp viên trên chuyến bay ít rối rắm, rườm rà và mang vẻ trung tính nhiều hơn. Những chi tiết thể hiện sự khác biệt về văn hóa cũng có khuynh hướng bị hòa nhập một cách tinh tế hơn.
Cùng ngắm vẻ đẹp và nét chuyên nghiệp của một vài bộ đồng phục tiếp viên hàng không được đánh giá cao nhất hiện nay.
Asiana Airlines: hình ảnh tiếp viên hãng hàng không năm sao của Hàn Quốc luôn tạo được nét chuyên nghiệp với váy ôm bút chì, áo cộc tay không cổ và chiếc mũ kiểu Peter Pan.
Korean Air: các tiếp viên của hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc với trang phục màu xanh da trời và chiếc khăn thắt cổ xinh xắn. Được thiết kế bởi Gianfanco Ferre từ năm 2005. Phần dưới của chiếc áo choàng được làm từ chất liệu vải tổng hợp lấp lánh giống như ánh làn nước dưới ánh sáng.
Emirates: những nữ tiếp viên trên các chuyến bay của hãng hàng không đẳng cấp luôn nổi bật với chiếc áo cộc tay màu kaki trơn, vốn được ví như màu của những sa mạc cát, với chiếc mũ màu đỏ và khăn che mặt.
Emirates
Thai Airways: thể hiện sự khác biệt với hình ảnh các nữ tiếp viên trong trang phục phương Tây trước và sau chuyến bay, và thay đổi hình ảnh với trang phục truyền thống của Thái trong chuyến bay.
Thai Airways
Virgin America: được thiết kế bởi thương hiệu nổi tiếng Banana Republic, là sự pha trộn giữa màu đỏ và màu xám đen.
Air France: được thiết kế bởi Christian Lacroix với phong cách đặc thù của kinh đô thời trang thế giới.
Aeroflot: với chiếc áo sơmi cổ bản to, chiếc mũ đúng kiểu không quân, đôi găng tay trắng muốt, kiểu cổ điển làm cho bộ đồng phục thêm phần sắc sảo.
Qantas: cuối năm 2013, nhà thiết kế người Pháp gốc Úc, Martin Grant đã tạo cho các tiếp viên hàng không của Qantas một diện mạo mới đầy sang trọng và chuyên nghiệp với pha trộn của ba màu sắc xanh dương, đỏ và cam.
Qantas
China Eastern: bộ đồng phục cũng đến từ Christian Lacroix, được nhận xét là khá giống với đồng phục của Air France với váy ôm màu xanh dương và những phụ kiện màu đỏ. Việc thuê Christian Lacroix chứng tỏ hãng hàng không châu Á này đang mong muốn hòa nhập và khẳng định trên thương trường quốc tế hơn.
China Eastern
Singapore Airlines: vốn rất chung thủy với mẫu đồng phục đã tạo nên thương hiệu “Singapore Girl” từ nhà thiết kế Pierre Balmain từ hơn 40 năm nay.
H.K