Trong số 15 đường bay giá rẻ đông nhất thế giới thì khu vực Đông Nam Á chiếm tới chín đường bay và cũng theo các số liệu được tổng hợp từ CAPA thì đây là khu vực duy nhất trên thế giới hiện có số lượng máy bay đặt hàng cao hơn so với con số thực tế đang được khai thác.
Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường vận chuyển hàng không trong khu vực này được đánh giá rất cao đặc biệt là phân khúc hàng không giá rẻ. Nhưng tốc độ phát triển phù hợp là yếu tố quan trọng, nếu không có những nhận định và đường lối tăng trưởng chính xác các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực có thể đánh mất cơ hội của mình.
Nhìn vào sơ đồ phát triển có thể dễ dàng nhận thấy sự đột phá mạnh mẽ của các hãng hàng không theo mô hình LCC (hãng hàng không giá rẻ) tại khu vực Đông Nam Á. Theo CAPA (Centre for Asia Pacific Aviation – Trung tâm Hàng không dân dụng châu Á – Thái Bình Dương có trụ sở đặt tại Sydney), chỉ hơn mười năm tiếp cận, từ con số thị phần chỉ chiếm vỏn vẹn 3,8% trên thị trường khu vực vào năm 2001, các LCC khu vực này đến nay đã chiếm hơn 58%. Tức là hơn một nửa thị phần vận chuyển hàng không trong khu vực trong khi tại châu Âu, nơi mà hình thức LCC đã hiện diện lâu hơn thì cho đến nay thị phần dành cho LCC cũng chỉ đạt được mức 40%.
Sự cạnh tranh khốc liệt diễn ra trên phân khúc đường bay ngắn chủ yếu tại năm thị trường lớn trong khu vực bao gồm: Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore và Malaysia. Mặc dù có sự phát triển về phân khúc sản phẩm này chậm hơn, nhưng trong năm qua Việt Nam cũng chính thức góp mặt vào cuộc cạnh tranh khi Thai Vietjet loan báo sẽ khởi động trong năm nay, bên cạnh tốc độ tăng trưởng và mở rộng đường bay của Vietjet Air tại thị trường Việt Nam đang thể hiện khá tốt.
Gây thu hút khách hàng với mức giá vé hấp dẫn, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các hãng hàng không giá rẻ đang ngày càng mở rộng mạng lưới sản phẩm dịch vụ và chiếm thị phần ngày càng nhiều hơn trên thị trường. Việc tái cơ cấu về hoạt động điều hành lẫn về tài chính là một yêu cầu tất yếu nhằm giúp các LCC có thể đạt được sự tăng trưởng cao cũng như tăng tính cạnh tranh trên thương trường. Một trong những hình thức này có thể nhận thấy gần đây chính là sự xuất hiện của nhiều hãng hàng không con hay liên doanh hoạt động khai thác với nhiều đối tác khác nhau để đạt được sự vững chắc về tài chính.
Thị trường vận chuyển hàng không trong khu vực Đông Nam Á tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó nổi bật chính là sự thông thoáng hơn về các điều kiện xuất nhập cảnh giữa các quốc gia ASEAN cho mục đích thương mại và du lịch. Các sân bay tại các quốc gia trong khu vực cũng gia tăng về số lượng và chất lượng tạo nên khuynh hướng thích được dừng chân tại nhiều điểm trên hành trình bay của hành khách, và đây là yếu tố quan trọng để LCC tăng trưởng. Với địa hình dân cư phân bố trên nhiều đảo nhỏ như tại Philippines hay Indonesia, hình thức vận chuyển bằng đường hàng không là tối ưu với những đường bay ngắn vốn là thị phần màu mỡ của hàng không giá rẻ.
Ngoài ra, trên phân khúc đường bay tầm trung và đường dài cũng còn rất nhiều chỗ trống dành cho các LCC. Chỉ có bốn trong 23 hãng hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á hiện có khai thác đường bay trên 4 giờ với máy bay thân rộng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ba trong bốn hãng LCC sẽ ra mắt trong năm 2014 này sẽ triển khai hoạt động kinh doanh theo phân khúc này. Cơ hội thành công được nhận định là khá cao khi trên một số trục đường bay tầm trung đã thấy có sự quá tải mà điển hình là trục đường bay Đông Nam Á – Uc.
Bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi thì các LCC tại Đông Nam Á cũng gặp không ít trở ngại cho sự phát triển. Mặc dù, các sân bay trong khu vực vẫn đang được mở rộng và tiện nghi hơn, nhưng với loại hình vận chuyển giá rẻ thì những sân bay rộng lớn, hiện đại sẽ không phù hợp khi luôn đi kèm với những mức phí ngất ngưởng trong khi những sân bay tầm trung, địa phương với mức thu phí thấp hơn thì còn rất hạn chế.
Hiện có 23 hãng hàng không giá rẻ đang khai thác tại khu vực, bốn cái tên mới sẽ xuất hiện trong năm 2014 gồm: Thai AirAsia X, Thai Vietjet Air, NokScoot và Indonesia AirAsia X. Tập đoàn hàng không giá rẻ mới nổi lên của Việt Nam là Vietjet Air cũng có kế hoạch phát triển khi tăng thêm 10 chiếc A320 vào năm nay, trong đó có ít nhất là hai chiếc dành cho nhu cầu hoạt động của Thai Vietjet, phần còn lại sẽ tập trung phục vụ nhu cầu mở rộng cho Vietjet Air tại Việt Nam. Nếu như phần lớn các hãng LCC con phát triển với sự hậu thuẫn về tài chính từ tập đoàn hay công ty mẹ thì do những hạn chế nhất định về quy mô tài chính hầu hết các hãng hàng không độc lập đều chọn sự phát triển thận trọng như Nok Air, Cebu Pacific hay Golden Myanmar.
Trong khi một vài hãng hàng không giá rẻ đạt được một chút tăng trưởng tốt tại thị trường nội địa thì sự cạnh tranh diễn ra khá căng thẳng trong nhóm lớn hơn mà nổi bật là hai tập đoàn hàng không AirAsia và Lion Air. Với con số máy bay đặt hàng khổng lồ lên đến 1.000 chiếc, gấp 3 lần số lượng máy bay của tất cả các LCC toàn khu vực hiện đang khai thác cho thấy các ông lớn đang rất khao khát chiếm lĩnh thị trường béo bở này.
Mặc dù không thể phủ nhận sự tăng trưởng ngoạn mục của hàng không giá rẻ tại khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây, nhưng sự quá tải trên các đường bay có thể sẽ dẫn đến sự hợp nhất và suy giảm số lượng đặt hàng. Nếu không có những đánh giá chính xác về thị trường cũng như chiến lược phát triển phù hợp thì có thể những trì hoãn, ngưng hoặc giảm số lượng máy bay đặt hàng của AirAsia gần đây chính là phần nổi của tảng băng chìm chứa nhiều nguy cơ.