…. Dù sức ép của lịch sử tạo ra cơ hội nhưng cũng cần phải được lãnh đạo, tổ chức, quy hoạch, thực hiện để dẫn đường cho dòng nước chảy đúng hướng…
Một năm qua, ai cũng ngao ngán khi phải đi vào trung tâm Sài Gòn: nó bị kẹt cứng, chặn ngang lối chuyển động từ bắc xuống nam, từ tây sang đông của thành phố. Không kể các phố thị buôn bán như Đồng Khởi, Lê Lợi, Hai Bà Trưng…, ngay cả những con đường phụ một chiều như Lý Tự Trọng đoạn ngang qua Thư viện Tổng hợp, Bảo tàng Cách mạng (xưa tên là đường Gia Long, vốn là ký ức một thời yên ả với các quán cà phê vỉa hè nổi tiếng của sinh viên học sinh ngồi nhìn lá me bay) vài ba năm trước đây vẫn còn yên tĩnh, nay cũng hoàn toàn “thất thủ” vì từng đoàn xe hơi suốt ngày đêm chen đặc không còn lối thoát.
Nhưng không chỉ có “downtown” mới thế, thật ra cả Sài Gòn đã kẹt cứng: Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, An Phú, Thảo Điền, quận 9, quận 2, Khánh Hội…
Nhìn ngang thấy vậy, ngước lên trời xanh, thấy Tân Sơn Nhất thường xuyên “vỡ trận”. Từ cuối năm 2016, như ở bến xe Miền Đông, người viết bài này đã phải chen lấn ở quầy check-in để nhận cái thẻ lên tàu, xong mới nhận ra “boarding pass” không phải… tên mình. Cho nên không mấy ngạc nhiên khi tuần rồi nghe tin khách lên máy bay đi Myanmar mà lại được bay chuyến tới… Singapore.
Nhìn rộng ra, đâu chỉ có Sài Gòn, Đà Lạt cũng “vỡ trận”, Nha Trang không kém… Thế giới thật đã thế, thế giới ảo còn hơn thế nữa. Bao nhiêu là mua sắm, thương mại trực tuyến, bao nhiêu là chửi rủa, hờn oán, khoe khoang trên mạng. Bao nhiêu là hình ảnh chụp, chít, chát, phim ảnh, âm nhạc, chữ nghĩa… trào dâng trong thế giới số.
Thế giới như thế, đang bước vào cao trào của một giai đoạn bùng nổ mới về kinh tế, thương mại, công nghệ, tiêu dùng… Lần này không phải là ngọn triều dâng, mà có lẽ là một cơn sóng thần.
Định hình trong “tao loạn”
Nhiều người hoảng hốt, nao núng, quay quắt. Sống trong một nếp sống nhỏ, chậm, tao nhã, chúng ta khiếp sợ trước cơn sóng thần đang ập đến này âu cũng là lẽ thường tình. Chúng ta tiếc ngẩn ngơ khi thấy trung tâm Sài Gòn yêu kiều thuở nào nay phải nín thở để băng qua, quảng trường trước nhà thờ Đức Bà êm đềm nay chật cứng các super bus đỗ lại và đón thả du khách từ sáng đến tối, xe cộ, xăng khói khét lẹt cả bầu trời từng rất thoáng đãng…
Nhưng không phải chỉ mỗi chúng ta, cả thế giới đều đang hoảng sợ như thế, cảm giác này gián tiếp hay trực tiếp đã thúc đẩy xảy ra Brexit, Barcelona ly khai, chủ nghĩa cô lập mới của ông Donald Trump…
Sự thật diễn biến này là đúng quy luật và tự nó có nhiều cơ hội.
Vài chục năm trước, người ở Bà Chiểu, Bình Thạnh xuống phố Lê Lợi ăn kem, xem xinê hay đi sở thú thường rủ nhau “đi Sài Gòn”.
Vì thứ nhất, lúc đó khu vực này thuộc tỉnh Gia Định, qua cầu Bông mới là địa giới của đô thành Sài Gòn. Thứ nữa, với kiểu thành phố đơn cực thuở đó đã làm chỉ Sài Gòn và khu downtown mới có các dịch vụ đẳng cấp cần thiết. Sau này, ta nói nhiều đến quy hoạch đa trung tâm, xây dựng các đô thị vệ tinh nhỏ xung quanh thành phố Sài Gòn, nhưng điều gì chưa đạt ngưỡng thì chưa thể sinh thành.
Giờ đây, chính sức ép của “tao loạn” này đã giúp ước mơ “vệ tinh hóa các đô thị” vô tình hay chủ ý đang trở thành hiện thực. Ta thấy ngoài những khu đô thị vệ tinh được quy hoạch trước như Phú Mỹ Hưng ở quận 7, nhiều khu vực ven đô lạc hậu trước đây đã bắt đầu trở mình.
Chẳng hạn, Gò Vấp dù tự phát nhưng cũng bắt đầu ra dáng của một đô thị vệ tinh hoàn thiện với công viên Gia Định, công viên Nguyễn Văn Lượng, với các shopping mall khổng lồ Lotte, E-mart, với McDonald, Starbucks, các trường đại học và hai cây cầu vượt vừa hoàn thiện giúp kết nối dễ dàng. Bây giờ người ta có thể sống ở Gò Vấp mà không cần phải vào Sài Gòn để thấy mình là người văn minh.
Ta cũng nhận thấy điều tương tự ở Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, ở các khu vực phát triển nhanh bên kia cầu Sài Gòn dọc xa lộ Hà Nội và tuyến tàu metro số 1… Và vài năm nữa, không gian còn chút bề bộn của quận 8, 9, 12 sẽ tiếp tục nổi lên. Lý do đơn giản là khi trung tâm đơn cực quá tải và đắt đỏ, khi giao thông trở thành nỗi ngán ngại, khi dân cư đã tập trung đủ ở các vùng ven đẩy cao các nhu cầu thì nhà đầu tư các loại sẽ tìm đến cung cấp các dịch vụ, để giúp biến những “thị” thành những “đô thị”.
Đừng sợ, hãy tiếp đón những “lữ khách”
Cái thú của người Sài Gòn mấy ngày tết là được lẩn thẩn nhìn ngắm những con đường vắng vẻ, thênh thang, bồi hồi. Ai cũng cảm khái: người ta đi về tỉnh hết rồi, trả Sài Gòn lại cho Sài Gòn, cứ vậy mãi thì thích nhỉ! Xin thưa, thích thì thích thật, nhưng hãy hỏi thế hệ những người gần 60 tuổi về Sài Gòn những năm 1976 đến 1980.
Một thành phố thời hậu chiến vắng vẻ, nhiều người ra đi, nhiều người hồi hương, đi kinh tế mới, dân tứ xứ chẳng lai vãng vì lúc ấy dân tỉnh nào sống tỉnh đó, không giấy phép đi đường của phường cấp thì không bước lên xe đò được… Sài Gòn lúc đó yên tĩnh như… Đà Lạt, ai cũng lóc cóc chiếc xe đạp đi làm, đi chơi dưới các làn gió thổi bay những cơn mưa lá me, những “cánh hoa dầu xoay tít bay bay”… Yên bình thật, nhưng không có doanh thương, không có dịch vụ, không có việc làm, không có cơ hội…
Quy luật phát triển là thế, phải tụ tập đông người mới bắt đầu có chuyện để trao đổi. Và phải đủ đông, đủ nhiều mới bắt đầu nói đến dư dả, giàu có, thăng tiến. Cho nên cứ mời mọi người đến, cứ dang tay tiếp đón các “lữ khách”, hay nói đúng hơn bà con thấy sống được thì để họ đến, cùng tụ tập lại thành một siêu đô thị thì kinh tế càng phát triển.
Nhìn quần đảo Nhật Bản, cứ nghĩ đất nước bé tí tẹo ấy chắc ở đâu cũng chật chội hết, nhưng thật ra nước Nhật vắng tanh, xem các làng mạc, vùng quê của họ mà thấy nản lòng vì chả có bóng người ngoài đường, toàn người già quanh quẩn, có làng người ta làm các hình nộm, búp bê vải để ở góc đường, trước hiên nhà cho cảnh quan đỡ cô quạnh vì tất cả đã tập trung về đô thị, riêng vùng thủ đô Tokyo đã lên đến 40 triệu dân.
Ở châu Âu không khác, các ghi nhận gần đây là rừng đã tái chiếm các vùng quê châu Âu, sói và các động vật hoang dã đã quay lại vì dân châu Âu đã tập trung hết về đô thị rồi. Nhìn cạnh ta, ở Thái Lan, thủ đô của họ được gọi chính thức là “đại Bangkok” (Grand Bangkok), tập trung rất lớn và trải dài cả trăm cây số…
Cho nên dù muốn hay không, hãy mở cửa và mời mọi người, ai thích thì đến làm ăn, chung sống với chúng ta để cùng vui và cùng khá giả hoặc giàu có.
Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel không ngây thơ khi mạnh mẽ ủng hộ mở cửa cho người nhập cư. Đành rằng bà vốn xuất thân trong một gia đình Kitô giáo, mà truyền thống “tiếp lữ” là vô cùng quan trọng: họ luôn mở cửa đón tiếp người khách lữ thứ lỡ đường, hoạn nạn (*). Nhưng mặt khác, bà cũng biết rằng nước Đức và châu Âu đang rất cần lao động để duy trì khả năng phát triển kinh tế của mình.
Người viết bài này gần đây khởi công xây nhà và kinh nghiệm đầu tiên rút được là tất cả công việc cực nhọc, nguy hiểm, nặng nề như đào móng, đổ bêtông, xây tường, leo cao chót vót, chở gạch đá nguy hiểm… đều là dân Trà Vinh, Quảng Nam, Nghệ – Tĩnh… nhận làm, không có một người thành phố nào chịu làm công việc cực nhọc này.
Người ta còn vậy, huống hồ gì mấy ông Tây của các xứ sở giàu có đó. Cho nên khi ông Trump kiên quyết ngăn người nhập cư vào Mỹ, một vị trong hội đồng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã ta thán rằng: để kinh tế phát triển thì cần lao động đến làm việc và sau đó là tiêu thụ sản phẩm làm ra, dòng người nhập cư đáp ứng điều đó. Đúng vậy, không có dòng nhập cư, người Mỹ sinh sao cho kịp để bù đắp và không biết ông Trump tính sao chứ những công việc lắp ráp, xây dựng, hái dâu… dân Mỹ đâu có chịu làm.
Cần lãnh đạo giỏi
Dĩ nhiên nương vào cơn sóng để giúp dâng thuyền lên nhưng cũng rất cần những thuyền trưởng, hoa tiêu tài giỏi, mạnh mẽ, quyết đoán để dìu dắt con thuyền đến bến bình an.
Cho nên dù sức ép của lịch sử tạo ra cơ hội nhưng cũng cần phải được lãnh đạo, tổ chức, quy hoạch, thực hiện để dẫn đường cho dòng nước chảy đúng hướng. Do đó, không chỉ biết mời gọi mà còn phải có người lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn và đủ bản lĩnh thực hiện.
Nhớ hồi năm 2011, tại Singapore, tôi đã hỏi chuyện một kiến trúc sư người Myanmar từng tháp tùng lãnh đạo của nước này trong việc tìm kiếm, quy hoạch và xây dựng thủ đô mới Naypyidaw. Ông cho biết toàn bộ công việc được tiến hành tuyệt mật, âm thầm và nghiên cứu rất kỹ. Tại sao tuyệt mật? Ông cho biết khi đã nghiên cứu đủ và thấy cần có thủ đô mới, lãnh đạo ở đây quyết tâm thực hiện và phải giữ bí mật tuyệt đối, vì chỉ cần lọt tin tức ra là đất đai sẽ bị đầu cơ đội giá gây rối loạn kế hoạch ngay.
Thế đấy, vừa phải biết, thấy con nước đang lên thì dựa vào sức nước mà dâng trào, nhưng cũng phải biết cách cưỡi sóng để con thuyền tiến lên mà không bị sóng làm lật nhào.
(*) Trong quan niệm Kitô giáo, chính cái đêm Chúa Giêsu sắp ra đời thì cha mẹ ngài – bà Maria và ông Giuse – đã đi gõ tất cả các cánh cửa để xin trú ngụ nhưng đều bị chối từ. Cuối cùng, chỉ có cái chuồng bò nghèo nàn và máng cỏ cùng các mục đồng đơn sơ, nghèo khó đón họ và Chúa Hài Đồng ra đời trong sự ruồng bỏ đó.
– Theo TTCT