Điểm nhấn không tích cực trong đợt giảm điểm và giao dịch ảm đạm của thị trường chứng khoán nước ta tháng 9 vừa qua chính là việc các nhà đầu tư nước ngoài đảo vị thế từ mua ròng sang bán ròng, không những thế còn bán ròng mạnh. Thống kê cho thấy, khối ngoại bán ròng lên đến gần 1.000 tỉ đồng trong tháng 9 và là tháng bán ròng mạnh nhất của họ tính từ đầu năm nay. Với thị trường mà sức ảnh hưởng của khối ngoại là khá lớn như nước ta, việc bán ròng của khối ngoại đã gây ra những tác động tiêu cực, cụ thể là tình trạng giảm điểm và thanh khoản sút giảm mạnh trên cả hai sàn giao dịch.Nếu tình trạng này kéo dài, tâm lý của các nhà đầu tư trong nước trở nên bi quan và một cuộc bán tháo trên diện rộng khiến thị trường lún sâu vào suy thoái hoàn toàn có thể xảy ra.Phải chăng đang có một sự rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài?
Câu trả lời có lẽ là không phải. Trong giai đoạn này, bán ròng đang là xu thế của các quỹ đầu tư nước ngoài tại châu Á nói riêng và thị trường mới nổi nói chung. Thống kê của Bloomberg cho thấy trong quý III-2015, chỉ riêng với thị trường chứng khoán Thái Lan, Indonesia và Philippines, các quỹ nước ngoài đã bán ròng đến 5,1 tỉ USD cổ phiếu. Đây là lượng bán tháo cổ phiếu lớn nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1999. Hệ quả là chỉ số chứng khoán Đông Nam Á (MSCI Southeast Asia Index) giảm 20% trong quý này. Còn theo số liệu của tổ chức Institute of International Finance (Mỹ), trong quý III-2015, các nhà đầu tư tài chính đã bán ròng khoảng 40 tỉ USD tài sản đầu tư tại các thị trường mới nổi và đây là mức vốn rút ròng trong một quý lớn nhất kể từ năm 2008, năm khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ toàn cầu. Tình hình kinh tế thế giới không tích cực, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, giá dầu suy giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất đồng USD vào cuối năm, tất cả khiến cho nguồn vốn nước ngoài có xu hướng tạm rút khỏi các thị trường mới nổi. Mức độ rủi ro khi đầu tư vào đây đã tăng cao do sự biến động mất giá tiền tệ, giá cả hàng hóa nguyên liệu cơ bản giảm, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại và sự biến đổi khó kiểm soát của hoạt động tài chính thế giới. Dù thị trường chứng khoán Việt Nam có sức hấp dẫn nhất định với các nhà đầu tư nước ngoài bởi kinh tế vĩ mô nhìn chung vẫn tích cực, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đi cùng với chính sách nới room, cải cách khu vực ngân hàng tạo ra nhiều cơ hội cho khối ngoại, nhưng trong bối cảnh chung dòng vốn nước ngoài đang rút khỏi các thị trường mới nổi, nước ta khó tránh khỏi bị tác động.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong thời điểm hiện tại không chỉ chịu ảnh hưởng từ xu hướng chung của thị trường chứng khoán khu vực mà còn mang tính chu kỳ đối với việc đầu tư của các quỹ nước ngoài (ETF). Theo đó, những tháng đầu năm thường là giai đoạn các quỹ ETF đẩy mạnh cung tiền vào thị trường chứng khoán nước ta, trong khi cuối năm là giai đoạn rút vốn của họ. Vậy nên, có thể xem đây là một hoạt động điều tiết vốn mang tính chu kỳ chứ không phải là một hành động rút vốn mang tính chiến lược của các quỹ ETF. Nếu không có thông tin vĩ mô gì quá tiêu cực – cả ở trong nước lẫn thế giới – thì dòng vốn ngoại đã rút ra nhiều khả năng sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán trong thời gian tới. Việc khối ngoại những tháng gần đây vẫn đang thể hiện vị thế mua ròng trên sàn UPCoM càng chứng tỏ điều này.
Ngọc Khang (DNSGCT)