Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vui mừng khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã bỏ các quy định mang tính áp đặt về các nội dung hỗ trợ thành phần kinh tế này.
Cuộc thảo luận tại dự thảo mới nhất Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy có một số nội dung chưa phù hợp với nguyên tắc thị trường, có thể dẫn đến tình trạng bao cấp.
Cụ thể, về tiếp cận tín dụng, dự thảo luật đã bỏ các quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phù hợp với nguyên tắc thị trường. Như bỏ quy định về cung cấp khoản vay với lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với khả năng thanh toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa và tình hình tài chính của ngân hàng.
Quy định trong từng thời kỳ, Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất và các hình thức khác để hỗ trợ các ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã được bỏ.
Về hỗ trợ mặt bằng sản xuất, cơ quan chỉnh sửa dự án luật cho biết cũng đã bỏ quy định về hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Dự thảo luật đã điều chỉnh lại theo hướng quy định chính sách hỗ trợ giá thuê đất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp thông qua nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp trong thời hạn năm năm.
Quy định như dự thảo luật là nguyên tắc để tạo linh hoạt cho cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện ngân sách của địa phương quyết định hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Việc quy định thời hạn hỗ trợ tối đa năm năm cũng nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp sản xuất, chế biến có động lực chuyển từ hoạt động phân tán bên ngoài vào trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường.
Bên cạnh nội dung hỗ trợ thì nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng là vấn đề còn nhiều băn khoăn từ phía các vị đại biểu Quốc hội.
Nhiều ý kiến cho rằng với điều kiện ngân sách như hiện nay và việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách được thể hiện chưa mạnh mẽ như trong dự thảo luật, thì việc bảo đảm nguồn lực hỗ trợ khó khả thi.
Trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba khai mạc cuối tháng 5, dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được các vị đại biểu chuyên trách thảo luận vào đầu tháng 4 tới.
Một con số ít ai nghĩ đến là trong quý I vừa qua, bình quân mỗi ngày có 265 doanh nghiệp bỏ cuộc chơi, trong khi đó số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 294.
Báo cáo kinh tế quý I-2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết như vậy sau khi đưa ra nhiều số liệu đáng chú ý về tình hình doanh nghiệp Việt Nam quý I-2017. Theo đó trong ba tháng đầu năm, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 271.200 tỉ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Cũng trong thời gian này, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3.268 doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 13,8%), trong đó có 3.008 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, chiếm 92%.
Nếu phân theo loại hình doanh nghiệp, trong tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 1.269 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (chiếm 38,8%); có 993 công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên (chiếm 30,4%); có 594 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 18,2%) và có 412 công ty cổ phần (chiếm 12,6%).
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong ba tháng đầu năm là 20.636 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 9.942 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23,9% và 10.694 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 11%.
Tổng cộng có 23.904 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong quý I, bằng khoảng 9/10 số doanh nghiệp thành lập mới.
Về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý I năm nay, theo Tổng cục Thống kê, có 56,2% doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất; 44,2% doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 34,5% doanh nghiệp cho rằng do khó khăn về tài chính; 31,2% doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 27% doanh nghiệp cho rằng lãi suất cao và 22,9% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao là yếu tố quan trọng.
Về chi phí sản xuất, có 28,3% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý I năm nay tăng so với quý trước; 7,5% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 64,2% số doanh nghiệp cho rằng chi phí ổn định.
Về tình hình tồn kho sản phẩm, có 19,4% số doanh nghiệp có lượng tồn kho quý I năm nay tăng so với quý trước; 28,9% số doanh nghiệp có lượng tồn kho giảm và 51,7% số doanh nghiệp giữ ổn định.
Trong khi đó, một thông tin không vui là “công nghiệp tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011 đã kéo tụt GDP và ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế”, là chia sẻ của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại cuộc họp báo kinh tế quý I-2017 diễn ra sáng 29-3.
Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2017 ước tăng 5,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực nông – lâm – thủy sản tăng 2,03%, chỉ đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17% đóng góp 1,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tăng trưởng quý I năm nay tăng cao hơn mức tăng của cùng kỳ giai đoạn 2012-2014 nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Trong khu vực nông – lâm – thủy sản, ngành nông nghiệp cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (giảm 2,69%), lâm nghiệp và thủy sản đều có tăng trưởng tốt.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh 11,4% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 8,3%, tăng thấp nhất kể từ năm 2015.
- Gia Minh
Xem thêm:
Chi phí vận chuyển tại Việt Nam làm doanh nghiệp khó cạnh tranh