Hơn hai tháng liền chỉ có đi lên, VN-Index vượt đỉnh cũ 11 năm, rồi vượt qua mốc đẹp 1.200 điểm…, mọi sự quá tốt đẹp khiến cho nhiều nhà đầu tư dường như quên mất rằng thị trường đang tồn tại những sự lệch lạc như thanh khoản giảm, khối ngoại bán ròng, giá cổ phiếu ngày càng phân hóa… Chỉ khi VN-Index giảm gần 50 điểm chỉ trong một tuần, người ta mới giật mình nhớ lại những lời cảnh tỉnh và cùng công nhận rằng thị trường đang trong giai đoạn khá chênh vênh.
Nhiều người cho rằng nguyên nhân chính của đợt giảm khá mạnh này là do thông tin về việc siết margin (trong nước), cộng hưởng với sự căng thẳng bùng phát giữa Mỹ và Syria (ngoài nước), đã tác động đến tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là sự tăng trưởng của VN-Index thời gian qua không hề là sự đồng thuận tăng giá của đa số cổ phiếu trên thị trường, nên một đợt giảm điểm là tất yếu. Các yếu tố ảnh hưởng từ trong – ngoài nước vừa nêu chỉ là “cái cớ” cho việc điều chỉnh diễn ra mà thôi. Sau một giai đoạn rung lắc, thị trường sẽ giao dịch ổn định và tăng trưởng trở lại.
Trong thời gian tới, những nhóm cổ phiếu từng làm mưa làm gió thời gian qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán có thể sẽ ít “sóng” hơn trước, do đa số đã có quá trình tăng điểm khá dài, dư địa tăng giá không còn nhiều. Một số cổ phiếu thậm chí đã đạt đến mức giá mục tiêu cho năm nay. Dĩ nhiên, những thông tin tốt như kết quả lợi nhuận quý I, dự báo lợi nhuận năm 2018… của các doanh nghiệp này vẫn sẽ tạo được sự chú ý, nhưng sự tăng giá cổ phiếu có lẽ không thể bằng giai đoạn vừa qua.
Tuy vậy, cái gốc của thị trường chứng khoán vẫn đến từ hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết và sự tăng trưởng của nền kinh tế, cộng với sự hỗ trợ thị trường từ phía nhà điều hành. Dưới góc nhìn đó, mọi chuyện vẫn đang tốt đẹp. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong điều hành kinh tế cũng như quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán và thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vẫn đang hỗ trợ mạnh cho thị trường.
Tất nhiên, việc thị trường chứng khoán liên tục đi lên thời gian qua khiến cho chỉ số P/E chung không còn thấp nữa, nhưng chính điều này mới tạo được sức thu hút đối với dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư tổ chức. Một khi quy mô của thị trường đủ lớn, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp thì những phiên rung lắc mạnh trở thành chuyện bình thường. Mà như đã nói, kết quả kinh doanh quý I của nhiều doanh nghiệp niêm yết đang rất tốt, dự báo một năm thành công của giới doanh nghiệp.
Vì lẽ đó, giai đoạn rung lắc ngắn hiện tại chính là cơ hội cho những nhà đầu tư đang sẵn tiền mặt trong tài khoản. Canh mua được những cổ phiếu tốt với giá hợp lý là mục tiêu hiện tại của họ. Còn với nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu “chất lượng, giá cao” đồng thời không bị áp lực margin, việc cần làm lúc này có lẽ là tạm rời xa bảng điện, để không bị sự rung lắc của thị trường ảnh hưởng đến quyết định của mình. Tuyệt đối không bán tháo nếu trong danh mục đầu tư bao gồm những cổ phiếu tốt thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán.
Xét về trung hạn, xu hướng tăng trưởng của thị trường vẫn đang tích cực và vì vậy, thực chất của những lần giảm điểm chỉ là dịp để thị trường rũ bỏ những nhà đầu tư yếu bóng vía mà thôi. Rủi ro của người này sẽ là cơ hội của người khác. Đặc biệt, với những nhà đầu tư luôn tuân thủ những nguyên tắc giao dịch của mình, biết cách cân bằng tài khoản và quản trị rủi ro, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong lúc thị trường rung lắc thậm chí còn lớn hơn khi thị trường yên ả.