Mendoza là vùng trồng nho lớn nhất Argentina với 158.833ha diện tích canh tác, trong đó chủ lực là nho malbec. Vùng đất bán sa mạc thuộc dãy Andes này chủ yếu là đá sỏi, chất đất nghèo, nhưng có điều kiện khí hậu rất lý tưởng để trồng nho nhờ biên độ nhiệt rộng đến 20oC. “Thời tiết về đêm rất lạnh, nhưng ban ngày nắng rực rỡ và khí hậu khô ráo cho phép trái nho chín tốt mà không bị úng”, ông Hervé Joyaux-Fabre, chủ của lò vang Fabre Montmayou thành lập từ năm 1993 giải thích.
Độ cao vườn nho là đặc thù sản phẩm
Chính vì nho malbec thích nghi tốt ở Argentina và lại được nhân giống di truyền thành công nên vang cùng loại ở Cahors (Pháp) bán chậm đi, theo nhận xét của một nhà phân phối ở TP. Hồ Chí Minh. Hơn nữa, tại Argentina không có sự ràng buộc của quy định xuất xứ AOC nhưở Pháp nên các lò vang thỏa sức thử nghiệm cái mới. “Luật lệ duy nhất, đó là luật thị trường. Cần phải làm ra sản phẩm đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng”, Philippe Rolet, chuyên gia của lò vang Alta Vista khẳng định.
Các vườn nho Argentina thường được bao chung quanh bởi những hàng cây cao có tác dụng chắn gió mạnh ập xuống từ dãy Andes. Nước tưới được dẫn nhập từ sông suối, chủ yếu là nước từ tuyết tan. Ưu thế lớn nhất của ngành rượu vang Argentina là trái nho vừa chín tới khi thu hoạch. Tại sự kiện Wines of Argentina được tổ chức lần đầu tiên tại Khách sạn Caravelle, TP. Hồ Chí Minh hồi tuần trước, 23 lò vang có đại diện giới thiệu với khách hàng rất nhiều sản phẩm niên vụ 2012, 2011 với thời gian ủ khác nhau trong thùng gỗ sồi, lâu nhất là 18 tháng và gần nhất khoảng sáu tháng, thậm chí có chai được ủ có ba tháng (Maula & Misery Mouse 2013 của Bodega Margot). “Theo truyền thống ở châu Âu, người ta ủ vang đỏ vì phải làm dịu độ chát của nó. Ở Argentina, chỉ sau 2-3 năm thu hoạch là rượu vang được đưa ra thị trường” – một chuyên gia người Pháp làm việc trong ngành rượu vang Argentina giải thích.
Không phải ngẫu nhiên mà các lò vang Argentina luôn ghi rõ thông tin độ cao của các vùng trồng nho làm ra sản phẩm, từ 700 – 1.400m so với mực nước biển, thậm chí trên 1.500m nhưở thung lũng Uco nổi tiếng, bởi đây chính là điểm độc đáo mà quốc gia rượu vang này muốn tiếp thị. Người đại diện của lò vang Achaval Ferrer (hợp tác giữa một nhóm bạn người Argentina và Ý) liên tục mời khách hàng nếm thử những chai malbec 100% được trồng ở những độ cao khác nhau, từ chai Finca Mirador (700m) đến Finca Bella Vista (980m) và cuối cùng là Finca Altamira (1.050m). Rõ ràng có sự khác biệt về mùi vị mà những khách hàng không cần phải tinh tế trong thử nếm cũng cảm nhận được.
Có lẽ nhờ tính tập trung cao trong sản xuất mà Achaval Ferrer – đại diện duy nhất tại sự kiện chỉ giới thiệu dòng vang đỏ gồm năm chai malbec, trong đó có một sản phẩm pha chế – làm nổi bật chất lượng của nho malbec, được hái từ những cây nho có tuổi từ 90 năm đến trên 100 năm và cho năng suất thấp. Nhiều khách hàng đánh giá cao chai Achaval Ferrer 2011 (pha chế từ malbec, merlot, cabernet sauvignon và cabernet franc, ủ một năm trong thùng gỗ sồi) có mùi vị rất cân bằng và mượt mà theo phong cách vang Bordeaux tinh tế. Đây không phải là phát hiện bất ngờ vì chai này đã được bán ở thị trường Mỹ với giá trên 50 USD. Giá cả phản ánh chất lượng tương xứng, nhưng cũng là yếu tố được các nhà nhập khẩu cân nhắc nhiều trong thời buổi hiện nay vì sức hút của thị trường chủ yếu nằm ở phân khúc trung bình. Chai Cheval des Andes – thương hiệu hợp tác giữa Terrazas de los Andes và nhãn hiệu Cheval Blanc thuộc sở hữu của Moet Hennessy – có giá trên 2,2 triệu đồng không được giới thiệu tại sự kiện này dù đã có mặt trên thị trường.
Tiếp cận bước đầu một cách nhẹ nhàng
Bên cạnh các giống nho bản địa như torrontes (trắng) và bonarda (đỏ), các lò vang Argentina đang nhấn mạnh đến sự độc đáo của các giống nho mà các quốc gia rượu vang khác đều có như sauvignon blanc, chardonnay, viognier, chenin, cabernet sauvignon, syrah, merlot, pinot noir… Tuy nhiên, tính biểu tượng và chất lượng đi kèm của malbec vẫn giữ vị trí quan trọng giúp làm nên bản sắc vang Argentina. Nếu chỉ đánh giá mức độ thành công qua các sản phẩm có mặt tại Wines of Argentina lần này, rõ ràng nỗ lực đa dạng hóa các giống nho của Argentina chưa đủ thuyết phục khách hàng về khả năng cạnh tranh sản phẩm cùng loại của các nước khác, trừ vài ngoại lệ như chai Dona Paula sauvignon blanc thơm ngát hương trái cây mà vẫn có chút vị chua tươi mát gây ngạc nhiên thích thú ở nhiều khách hàng (nhà phân phối Đa Lộc cho biết giá bán chai này ở cửa hàng là 360.000 đồng). Riêng với dòng pinot noir của Familia Schroeder, sự cân bằng và mùi vị chất khoáng chưa thật sự rõ rệt, dù đại diện của lò vang do di dân người Đức thành lập này có nhấn mạnh đến yếu tố terroir trên vùng đất khắc nghiệt Patagonia ở cực nam, tức đã hội đủ điều kiện thời tiết, đất đai… cho giống nho vốn quen với khí hậu lạnh.
Trong số 23 lò vang nêu trên, có đến 2/3 đang tìm nhà nhập khẩu. Ở thời điểm mùa tết cận kề, thật khó để có được hợp đồng tức thời khi các nhà phân phối đang nỗ lực tiếp thị cho những thương hiệu đã có sẵn bấy lâu nay, với nhiều lo âu vì khả năng tiêu thụ giảm so với cùng thời điểm những năm trước. Hy vọng tìm kiếm cơ hội làm ăn chỉ được nhà kinh doanh tính đến từ tháng 3-2014, với điều kiện sức mua cuối năm nay đạt kỳ vọng của họ. Ông Andrew Maidment, người phụ trách khu vực châu Âu và châu Á của Wines of Argentina, chỉ hứa sẽ tổ chức sự kiện tương tự vào năm sau để rượu vang Argentina được biết đến nhiều hơn: “Chúng tôi chỉ mới tiếp cận thị trường một cách nhẹ nhàng, điều quan trọng là ở tương lai”, và ông cũng thừa nhận người láng giềng Chilê đang giúp rượu vang Nam Mỹ nói chung có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam thông qua các đợt tiếp thị mạnh mẽ hướng đến giới chuyên ngành và cả người tiêu dùng bình thường trong những năm qua.
Theo tác giả quyển Vino Argentino, Argentina dù đứng hàng thứ năm thế giới về sản xuất rượu vang, nhưng chỉ từ cuối thập niên 1990 đất nước này mới chú ý đến xuất khẩu. Cuối năm 2010, rượu vang Argentina đã được nâng lên hàng quốc tửu (national drink). Tại buổi lễ vinh danh sự kiện này, Tổng thống Argentina, bà Cristina Kirchner, giải thích: “Sản xuất rượu vang không chỉ là một hoạt động kinh tế mà nó còn gắn với bản sắc và văn hóa của một dân tộc”. Trong thực tế, hoạt động kinh tế nào cũng cần được nỗ lực tiếp thị, đặc biệt là từ phía nhà nước khi sản phẩm đã được tuyên bố là quốc tửu. Nếu như ngành rượu vang Chilê đã có Hiệp hội Wines of Chile và lại được Thương vụ ProChile góp sức quảng bá sản phẩm ra ngoài biên giới, thì Wines of Argentina vẫn còn tự thân vận động trong hành trình của mình. Và như vậy, văn hóa rượu vang Argentina cần thêm thời gian để có thể bắt nhịp tốt với điệu tango được cả thế giới biết đến và để có thể đạt được mục tiêu doanh số xuất khẩu năm 2020 là 2 tỉ USD.
Q. Thái
[note color=”#d9d9d9″]
Ngành rượu vang Argentina có sự khai phá của nhiều di dân đến từ châu Âu. Cuối thế kỷ XIX, Aimé Pouget, kỹ sư nông học Pháp là người đầu tiên vào biến vùng đất bán sa mạc Mendoza dưới chân dãy Andes thành vùng đất nông nghiệp trồng nho, ôliu và cây ăn trái. Ông cũng nghĩ ra hệ thống kênh dẫn nước tưới cây từ con sông Mendoza và trồng những hàng cây cao chắn gió, đồng thời mở đường cho các chuyên gia rượu vang Pháp đến Argentina. Michel Rolland (Pháp), Alberto Antonini (Ý), José Manuel Ortega (Tây Ban Nha)… ở trong số những chuyên gia đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo một thế hệ trẻ các nhà làm vang Argentina biết nâng tầm chất lượng vang malbec.
Năm 2010, Argentina xuất khẩu khoảng 20% sản lượng rượu vang, đạt doanh số kỷ lục 857 triệu USD, nhưng chỉ 5% sản phẩm hướng đến châu Á. Trên thị trường TP. Hồ Chí Minh có không ít thương hiệu Argentina, hầu hết đến từ vùng Mendoza như Alta Vista, Alamos, Catena, Trivento, Finca El Origen, Trapiche, Norton, Terrazas…
[/note]