Đầu năm, nếu chuyến “hành hương thập tự” trong nước có ý nghĩa tâm linh đặc biệt thì chuyến du xuân, viếng chùa ở những quốc gia có truyền thống Phật giáo có thể xem như sự gửi gắm lòng thành nơi chốn thiêng liêng, cầu mong một năm mới thật nhiều may mắn và bình an.
Quê hương rực rỡ sắc xuân
Miền Bắc là chiếc nôi của văn hóa cội nguồn dân tộc, nơi truyền thống “ăn tết, chơi tết, trảy hội” hòa quyện với nhau trong không khí xuân rộn rã và cũng là dịp nông nhàn. Dài nhất và thu hút đông người tham dự nhất phải kể đến hội chùa Hương (khai hội từ mùng 6 tháng Giêng, đến cuối tháng 3 Âm lịch mới kết thúc).
“Về đây Hương Tích dấu yêu ngàn năm
Trùng dương có biết nơi đây là bến…”
(trích lời ca khúc Hương Xuân)
Trảy hội chùa Hương gắn liền với thắng cảnh Hương Tích – đệ nhất động trời Nam. Ở đó, đời và đạo hòa làm một khi lòng người hành hương đã bén tiếng chuông chùa, đắm mình trong không gian những cánh rừng hùng vĩ, xa xa thấp thoáng hang động ẩn sâu trong lòng núi non tiên cảnh.
Cũng trảy hội suốt ba tháng mùa xuân, từ mùng 10 Tết cho đến hết tháng 3 Âm lịch là hội Yên Tử. Được mệnh danh trung tâm của Phật giáo Việt Nam, ở Yên Tử còn có tháp Huệ Quang, nơi đặt một phần xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngoài ý nghĩa tâm linh Phật giáo, hội Yên Tử còn là chốn phong cảnh hữu tình, núi non trùng điệp khiến bao người ngẩn ngơ, mê đắm. Toàn cảnh núi rừng Yên Tử mở ra trước mắt du khách như vô tận, nào tùng, nào đại, cây nào cũng hàng trăm năm tuổi. Hàng ngàn bậc đá xếp theo lối mòn dưới tán trúc rừng thông, suối Giải Oan có cây cầu đá xanh cổ kính bắc ngang… Đứng từ chùa Đồng vững chãi trên đỉnh Yên Tử cao 1.068m, du khách có thể bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn, thấy thấp thoáng cả những đảo nhỏ trong lòng vịnh Hạ Long.
Một điểm thiêng ở miền Bắc mà du khách cũng không thể bỏ qua vào mùa hành hương là chùa Bái Đính ở tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh việc thăm viếng ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam lẫn châu Á và lễ Phật, du khách còn có dịp khám phá cảnh đẹp Tràng An, Tam Cốc – Bích Động – “Nam thiên đệ nhị động” và cố đô Hoa Lư, quần thể đã được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới.
Cung đường hành hương miền Trung vào mùa xuân sẽ dẫn du khách đến cụm danh thắng hồ Truồi – Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, những ngôi cổ tự linh thiêng của xứ Huế. Sau đó du khách có dịp chiêm ngưỡng bức tranh sơn thủy Vũng Chùa và thăm nơi yên nghỉ của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở tỉnh Quảng Bình. Dịp này, du khách vui xuân kết hợp đón Tết Nguyên tiêu đầy màu sắc và thưởng ngoạn đêm rằm phố cổ Hội An.
Xuôi về phương Nam, du khách ghé Cần Thơ viếng thiền viện lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long mang tên Trúc Lâm phương Nam, đến Hà Tiên viếng chùa Thạch Động, Phù Dung, lăng Mạc Cửu hay hòa vào dòng người hành hương viếng miếu Bà Chúa Xứ Châu Đốc để cầu may mắn, đón phúc lộc đầu năm. Dịp này, tuyến Phú Quốc sẽ đưa du khách viếng Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc. Ra Côn Đảo có lịch trình chiêm bái chùa Vân Sơn và thăm nơi yên nghỉ của liệt nữ Võ Thị Sáu… Về Tiền Giang thì có chùa Vĩnh Tràng được xem là ngôi chùa cổ có kiến trúc đẹp nhất tỉnh, chùa cổ Bửu Lâm đã gần 300 năm tuổi, chùa cổ Phước Hưng cổ kính và trang nhã với 180 năm lịch sử. Đó là chưa kể những Kiến An Cung, chùa cổ Tây An, chùa cổ Huỳnh Đạo, miếu Bà Chúa Xứ… mà kiến trúc mỗi nơi mang một nét độc đáo riêng cùng những sự tích thú vị để du khách cảm nhận và lắng mình vào chốn tâm linh sâu thẳm, giúp tâm hồn trở nên nhẹ nhàng, hướng lòng đến những ý tưởng tốt đẹp, tìm kiếm sự an nhiên và cầu nguyện cho một năm mới vạn sự hanh thông. Hành trình càng thêm thú vị với chuyến du ngoạn, thưởng ngoạn toàn cảnh Núi Cấm bằng cáp treo ở độ cao hơn 710m, khám phá văn hóa, thưởng thức và mua sắm đủ loại đặc sản độc đáo của từng vùng đất.
Hành trình chiêm bái “tứ động tâm” (Ấn Độ và Nepal)
Với những du khách Phật tử, sẽ là một thỏa nguyện thiêng liêng khi đầu năm có dịp đặt chân đến chiêm bái “tứ động tâm” – bốn thánh tích thiêng liêng của Phật giáo ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật Thích Ca khi còn tại thế.
Bốn nơi này được phân bố rải rác trên vùng đất rộng lớn thuộc Ấn Độ và Nepal, gồm vườn Lumbini (Lâm Tì Ni) – nơi đức Phật đản sanh, Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) – nơi đức Phật thành đạo, Sarnath (vườn Lộc Uyển) thuộc thành cổ Varanasi, nơi cách đây hơn 2.500 năm Đức Phật đã tuyên thuyết bài pháp đầu tiên và chùa Mahaparinirvana (Đại Bát Niết Bàn) ở Kushinagar (Câu Thi Na), nơi đức Phật nhập niết bàn…
Tại Nepal, bên cạnh vườn Lumbini (di sản văn hóa thế giới của UNESCO) còn có đền Maya Devi thờ hoàng hậu Maya – thân mẫu của đức Phật và Ashoka Pillar – trụ đá vua A Dục được chính vị vua Phật tử này cho xây dựng từ năm 259 trước Công nguyên. Còn tại Ấn Độ, sau khi chiêm bái Bodhgaya, Sarnath và Kushinagar, du khách tham quan đại tháp Rambhar – nơi các đệ tử của đức Phật làm lễ trà tỳ và thu được 84.000 viên xá lợi Phật – những báu vật thiêng liêng của Phật giáo. Ở đó còn có thành Rajgriha (Vương Xá) – kinh đô cổ xưa nhất Ấn Độ thời đức Phật tại thế, Nalanda – Đại học Phật giáo lâu đời nhất thế giới, tháp Hòa Bình làm bằng đá cẩm thạch mang hình ảnh vàng của đức Phật… Thú vị không kém là trải nghiệm đi thuyền đón bình minh trên sông Hằng thiêng liêng trong văn hóa Ấn Độ giáo.
Sri Lanka – đất Phật, xứ chè
Ở khu vực Nam Á, bên cạnh Ấn Độ và Nepal còn có Sri Lanka – đất nước mà người dân thể hiện lòng tôn kính đức Phật vô biên với những dấu tích Phật giáo được lưu truyền từ Ấn Độ hồi thế kỷ thứ III trước Công nguyên bởi chính thái tử Thánh Tăng Mahinda, con vua A Dục (Ashoka). Du khách sẽ cảm nhận rõ hơi thở Phật giáo đã tồn tại lâu đời trên đảo quốc mang hình giọt nước này khi đặt chân đến Dambulla, nơi hầu như ở đâu cũng có thể nhìn thấy tượng Phật, bàn thờ Phật. Đến cố đô Kandy, tại ngôi chùa Xá Lợi răng Phật, du khách được chứng kiến cảnh hằng ngày các nhà sư đánh trống, thổi kèn và hành trì các nghi lễ Phật giáo, đón khách thập phương đến bái vọng xá lợi răng thiêng liêng của đức Phật.
Tại thủ đô Colombo, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng tuyệt tác kiến trúc của chùa Gangaramaya – một trong những ngôi chùa thờ Phật quan trọng nhất của Sri Lanka. Sự hòa trộn hài hòa giữa kiến trúc Sri Lanka, Ấn Độ và Trung Hoa khiến ngôi chùa càng nổi bật, trở thành một trong những địa điểm thu hút đông đảo du khách tứ phương.
Du ngoạn Dambulla, du khách sẽ bị chinh phục bởi những công trình kiến trúc, khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những chú voi thân thiện và cả đôi mắt sâu long lanh của những thiếu nữ bản xứ. Ngày xuân, khi tiết trời mát mẻ thì có gì tuyệt vời hơn đi xe jeep vào thăm vườn sở thú tự nhiên trong Minneriya – công viên thiên nhiên quốc gia lớn nhất Sri Lanka với trên 100 chú voi sinh sống. Băng qua những khu rừng còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ, du khách thu vào tầm mắt cả một không gian rừng rậm nhiệt đới bao la, hít thở bầu không khí trong lành, ngắm màu xanh bạt ngàn trải dài trước mặt.
Cách không xa Minneriya là núi đá Sigiriya (Sư Tử) – một trong tám di tích tại Sri Lanka đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Vào thời hoàng kim ở thế kỷ thứ V, Sigiriya là quần thể cung điện lộng lẫy được bảo vệ bởi hệ thống pháo đài vững chắc. Đến đây, du khách có dịp nhìn thấy di tích một đôi móng sư tử khổng lồ bằng đá nơi lưng chừng núi. Đi lên bậc thang từ chân sư tử lên đỉnh núi, du khách sẽ ngạc nhiên và thích thú khi phát hiện ra những dấu vết của cung điện ngày xưa và cả những bức họa vẽ những mỹ nữ nửa người với những đường nét uyển chuyển cùng bộ ngực trần trên vách đá.
Xứ Chùa Tháp
Đến Thái Lan, đâu đâu cũng sừng sững những bảo tháp và bóng áo vàng nhà sư, vì thế nơi đây còn có tên gọi xứ sở Chùa Tháp. Các ngôi chùa cổ ở đây đều mang trong mình những Phật tích và có phong cách kiến trúc truyền thống độc đáo.
Linh thiêng bậc nhất, cũng nổi tiếng nhất Thái Lan là chùa Wat Phra Kaeo (Phật Ngọc) ở ngay thủ đô Bangkok. Một trong ba đại quốc bảo của Thái Lan này tọa lạc tại góc đông bắc của Bangkok Grand Palace, tạo thành một chỉnh thể thống nhất nổi tiếng của thủ đô. Trong chùa tôn trí tượng Phật Ngọc tuy nhỏ nhưng quý giá và thiêng liêng (cũng vì vậy mà chùa mang tên Phật Ngọc). Ngôi chùa này còn có tên khác là chùa Hộ Quốc từ thời vương triều Chakri và là ngôi chùa duy nhất không có quý sư, được xây cất năm 1784 để làm nơi thờ cúng Phật Ngọc và tổ chức các nghi thức tôn giáo của hoàng gia Thái Lan, đã nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á.
Trong chùa, ngoài điện Phật Ngọc, hầu hết chóp đỉnh đều trang trí theo kiểu nhọn, thể hiện nét đặc sắc về mặt kiến trúc tự viện Thái Lan. Mỗi đỉnh nhọn đều được gắn sứ màu, thếp vàng lóng lánh, rất đẹp mắt. Đặc biệt, hành lang chùa được bao bọc bởi tấm bích họa dài khoảng một cây số, gồm 178 bức tranh màu sắc phong phú, họa tiết tinh xảo, lấy sử thi Ramayana trong văn học cổ điển Ấn Độ làm đề tài.
Chùa Wat Traimit (Phật Vàng) tọa lạc tại cuối đường Yaowarat, cạnh nhà ga tàu hỏa Hualampong và nằm trong khu phố người Hoa. Trong chánh điện có tôn trí bức tượng cổ Phật ngồi bằng vàng nguyên khối – điểm nhấn khiến Phật Vàng trở thành ngôi chùa được du khách viếng thăm nhiều nhất tại Bangkok. Với chiều cao 3 mét và nặng 5,5 tấn, đây được xem là bức tượng Phật bằng vàng nguyên khối lớn nhất thế giới. Du khách được tự do vào lễ Phật và tận mắt chiêm ngưỡng bức tượng Phật nổi tiếng này, điều mà không phải ngôi chùa nào ở Bangkok cũng cho phép du khách được thoải mái tiếp cận những bảo vật quý giá như vậy.
Nổi tiếng là thế nhưng bức tượng từng một thời bị lãng quên. Tượng Phật Vàng được cho là đã ra đời vào thời đại Sukhothai (từ khoảng thế kỷ XIII đến XV) – một trong những giai đoạn nổi tiếng nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của Thái Lan. Lúc đầu, tượng được tôn trí trong một ngôi chùa ở cố đô Ayutthaya, nằm gần Bangkok ngày nay. Trong thời gian quân Miến Điện xâm chiếm Thái Lan, bức tượng được bảo quản trong một lớp bê tông và giữ gìn rất cẩn mật. Sau đó, tượng được chuyển đến Bangkok và đặt tại chính điện của chùa Wat Phrayakrai dưới thời vua Rama III ở thế kỷ thứ XIX. Đến thập niên 1950, trong lần di chuyển đến ngôi chùa mới ở Bangkok, tượng bị rơi và bị quên lãng thêm một thời gian dài. Sau này người ta mới phát hiện ra và phục hồi lại ánh hào quang vốn có của pho tượng quý.
Chùa Wat Arun (Bình Minh) nằm bên bờ Tây sông Chao Phraya là một trong những công trình Phật giáo đẹp lộng lẫy nhất, thu hút nhiều khách du lịch nhất khi họ đến thủ đô Bangkok. Ngôi chùa có kiến trúc tinh xảo, mô phỏng kiến trúc núi vũ trụ Meru của người Ấn Độ. Trong chùa có tháp Phra Prang cao 79m được khảm sành sứ Trung Hoa trên mái và các bệ. Khi bình minh hay hoàng hôn buông xuống, cả ngôi chùa vàng rực, lấp lánh.
Người Thái tin là sau khi rút khỏi Ayutthaya, nơi bị quân Miến Điện chiếm đóng, vua Taksin đến ngôi chùa này vào lúc bình minh. Sau đó ông cho trùng tu và đổi tên thành Wat Chaeng – ngôi chùa của bình minh. Nơi đây từng lưu giữ tượng Phật Ngọc trước khi thủ đô và hoàng cung được dời sang bên kia sông. Hiện nay, du khách có thể thấy tượng Phật Ngọc ở đây.
Ngọn tháp trung tâm được mở rộng vào vương triều Rama III (từ năm 1824 đến 1851), giờ đây trở thành một trong những nơi được du khách viếng thăm nhiều nhất khi đến Thái Lan. Vua Rama III cũng là người đã thêm kiểu trang trí bằng sứ cho tháp nên chúng phản chiếu ánh sáng dưới ánh nắng mặt trời rất đẹp.
Asakusa Kannon – ngôi chùa cổ nhất Tokyo (Nhật Bản)
Theo truyền thuyết, vào năm 628, khi đang đánh cá trên sông Sumida, hai anh em nhà Hinokuma là Hamanari và Takenari đã vớt được một bức tượng Phật Quan Âm (Kannon), có chiều cao chỉ khoảng 5,5cm. Dù đã nhiều lần thả tượng xuống sông nhưng bức tượng luôn quay trở lại với họ. Vị trưởng lão trong làng là Hajino Nakamoto đã nhận thấy sự linh thiêng của bức tượng nên quyết định hiến một phần ngôi nhà của mình để lập ngôi chùa thờ bức tượng, tạo điều kiện cho dân chúng trong làng đến cầu viếng. Bức tượng Phật được đặt trong một cái hộp thiêng liêng bên trong chính điện lớn.
Từ cổng Kaminarimon (Thunder Gate), du khách di chuyển dọc theo một con đường được gọi là Naka-mise để đến cổng Hozomon (Treasure Gate) – cổng thứ 2 của ngôi đền, sau đó tới chùa Asakusa Kannon. Trên con đường dài hơn 200m này có các cửa hàng bán đồ lưu niệm và các quầy thức ăn truyền thống địa phương.
Chính điện lớn của chùa Asakusa Kannon là điện Quan Âm (Kannondo). Chính điện cũ được xây dựng lại vào năm 1649 và được công nhận là di sản quốc gia. Tuy nhiên, nó đã bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và một bản sao bằng bê tông cốt thép của chính điện đã được tái hiện lại vào năm 1958.
Chính điện quay mặt về phía nam, bên trong được chia ra thành khu vực dành cho tín đồ ở phía trước và khu vực đặt tượng Phật ở phía trong. Chính điện mở cửa vào ngày 13-12 hằng năm. Các tín đồ viếng chùa chỉ được thắp hương và chiêm bái tượng Phật Quan Âm ở phía ngoài, từ đó nhìn vào khu vực đặt tượng Phật quan trọng ở phía trong.
Chùa Asakusa Kannon là nơi diễn ra nhiều lễ hội trong năm mà lớn nhất là Sanja (Sanja Matsuri). Lễ hội được tổ chức vào cuối tuần thứ 3 của tháng 5 để tưởng nhớ ba người đàn ông đã lập nên ngôi chùa này. Những cuộc diễu hành cùng các hoạt động âm nhạc truyền thống và nhảy múa diễn ra trong suốt ba ngày của lễ hội. Kế đó là lễ hội đường phố (Asakusa Samba Carnival) diễn ra trong tháng 8, lễ hội Hagoita-ichi diễn ra trong tháng 11…
Theo ánh sáng vàng ở Yangon (Myanmar)
Shwedagon (chùa Vàng) chính là ngôi chùa linh thiêng nhất Myanmar. Tại đây lưu giữ bốn báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp, và xá lợi tám sợi tóc của Phật Thích Ca.
Bên trong chùa lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, nhưng ngay kiến trúc chùa Shwedagon đã được xem là một báu vật. Chùa nằm trên đồi Singuttara ở độ cao có thể quan sát được cả thành phố Yangon. Người Myanmar thường đi vòng quanh tháp chùa theo chiều quay của kim đồng hồ. Trong chùa có bảy bồn nước tương ứng với bảy hành tinh và với bảy ngày trong tuần. Đó cũng là nơi người mộ đạo thường tới tưới nước tắm cho tượng Phật.
Khu quần thể chùa xây dựng cách đây hơn 2.500 năm, gồm 1.000 ngôi chùa nhỏ bao quanh tòa tháp cao 99m, phủ kín bằng 9.300 lá vàng dát mỏng, 5.450 viên kim cương và 2.320 viên đá quý khác. Trên đỉnh tháp có 1.065 chuông vàng và 421 chuông bạc. Dưới ánh mặt trời, ngôi chùa sáng lấp lánh tựa vầng thái dương.
Chùa Pha That Luang (Lào)
Pha That Luang theo tiếng thổ ngữ nghĩa là tháp vĩ đại hay tháp xá lợi linh thiêng. Chùa mang tên này là một trong những di tích nổi tiếng nhất tại thủ đô Viêng Chăn. Chùa được xây dựng năm 1566 dưới triều đại vua Setthathirat, có hình dáng một khối tháp khổng lồ đại diện cho sự giác ngộ Phật giáo. Pha That Luang từng bị phá hủy bởi cuộc xâm lược của người Thái năm 1828, được xây dựng lại vào năm 1931.
Đây là một trong số ít những chùa chiền đạo Phật trên thế giới được lưu giữ xá lợi của Đức Phật Thích Ca Mầu Ni khi người nhập niết bàn. Không chỉ có vậy, các thư tịch cổ của ngôi chùa ghi lại rằng sau khi đạo Phật trở thành quốc đạo và Viêng Chăn trở thành kinh đô mới, cùng với việc xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, chùa chiền, nhà vua Setthathirat đã cho tu bổ lại Pha That Luang. Cách xây dựng là bọc lên ngôi tháp cũ bằng một tháp mới to, đẹp hơn và kiến trúc ấy giữ nguyên cho đến ngày nay.