Cuộc khảo sát đã hỏi ý kiến của hơn 5.000 người, trong đó hơn một nửa là người dân, còn lại là doanh nhân và công chức tại 10 tỉnh thành và năm bộ ngành.
Kết quả cho thấy, tham nhũng là một trong ba vấn đề được quan tâm nhất của người dân, bên cạnh mối quan tâm về giá cả sinh hoạt và an toàn thực phẩm.
Tại cuộc họp, đại diện WB, ông James Anderson, đã nhấn mạnh việc các doanh nghiệp vô hình trung đang trở thành “đồng minh” của nạn tham nhũng.
Theo kết quả khảo sát, khi doanh nghiệp gặp khó khăn do các cơ quan nhà nước gây ra, thì có khoảng 51% doanh nghiệp nhờ người có ảnh hưởng tác động để giải quyết; 59% doanh nghiệp chọn cách đưa quà hoặc tiền cho cán bộ có thẩm quyền giải quyết. Chỉ có 13% doanh nghiệp tìm đến các cơ quan bảo vệ pháp luật và chưa tới 6% đề nghị cơ quan báo chí can thiệp.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dính líu vào tham nhũng như một cách giải quyết công việc thuận tiện. Có 63% số doanh nghiệp trả lời tin rằng, chi phí không chính thức “tạo ra cơ chế ngầm giải quyết được công việc một cách nhanh chóng”, và hơn 53% cho rằng, nó khiến cán bộ tích cực thực hiện công việc.
Khoảng 32% doanh nghiệp được hỏi trả lời có chi trả chi phí ngoài quy định nói rằng, đây là cách nhanh nhất và dễ thực hiện nhất để được việc; 2% tin rằng chi phí ngoài quy định rất nhỏ so với lợi ích mang lại khi công việc được giải quyết và các doanh nghiệp khác cũng làm như vây. Khoảng 18% doanh nghiệp tin rằng nếu không có những khoản chi trả ngoài quy định như thế thì không giải quyết được công việc.
Vì thế, đứng từ cái nhìn ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc chi trả những chi phí không chính thức mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp so với việc không trả chi phí.
Theo đại diện WB, trong số các doanh nghiệp phải trả phí ngoài quy định, hơn 70% doanh nghiệp được hỏi trả lời đã chủ động đưa quà biếu/tiền, dưới 30% là được cán bộ, công chức yêu cầu.
Gia Minh tổng hợp