Những ngày đầu tháng 6, trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, cùng với đà tăng của dòng chảy tín dụng là việc lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại nhích nhẹ tại một số kỳ hạn dài. Các doanh nghiệp đang theo dõi diễn tiến này với đôi chút bất an, liệu điều này về lâu dài có ảnh hưởng đến lãi suất cho vay mà họ phải chịu?
Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đã ở mức 4,8%. Nếu xét kiểu “chia đều” thì mỗi tháng tăng trưởng tín dụng chưa đến 1%, so với mục tiêu 13 – 15% đặt ra cho năm nay là bình thường, thậm chí là chưa đạt kế hoạch. Thế nhưng, với kiểu tăng “chậm rãi trong nửa năm đầu, tăng tốc vào mấy tháng cuối năm” của tín dụng mấy năm qua, con số tăng 4,8% ấy là rất ấn tượng. Năm ngoái, khi ngành ngân hàng cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, thanh khoản dồi dào, nền kinh tế cũng ngưng đà suy thoái, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn rất ì ạch. Năm tháng đầu năm ngoái, tốc độ tăng tương ứng chỉ là 1,31% và đến cuối tháng 8-2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 4,5%, nghĩa là chưa bằng mức 4,8% của năm tháng đầu năm nay! Đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho rằng tín dụng tăng trưởng khả quan chứng tỏ các giải pháp của nhà điều hành thời gian qua là đúng hướng, việc xử lý nợ xấu đã có tác động tích cực tới tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, dòng vốn tiếp tục chảy vào các lĩnh vực ưu tiên đúng với định hướng, tín dụng nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm tỷ trọng gần 20% tổng dư nợ của nền kinh tế. Không những thế, việc tín dụng tăng khá trong những tháng đầu năm cho thấy tình trạng “no dồn đói góp” trong tăng trưởng tín dụng năm nay chắc chắn sẽ không còn.
Nền kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp phục hồi khiến cho nhu cầu vốn tăng lên. Thị trường chứng khoán và bất động sản đang trong giai đoạn “hút” vốn. Tốc độ tăng của vốn huy động ngày càng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng… Tất cả khiến cho tình trạng ế vốn của các ngân hàng – điều từng xảy ra cách đây không lâu – gần như không còn. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có dấu hiệu tăng dần, sau đó dĩ nhiên sẽ đến lượt lãi suất huy động phải tăng lên để khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng. Dù sao thì vấn đề thanh khoản của các ngân hàng vẫn chưa đến mức phải lo ngại, thiếu vốn có chăng chỉ là nguồn vốn ở các kỳ hạn dài. Cũng dễ hiểu, khi các khoản cho vay của ngân hàng đa phần thuộc về kỳ hạn dài này, từ đầu tư sản xuất cho đến cho vay mua nhà. Vậy nên, việc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài sớm muộn gì cũng phải xảy ra.
Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài được các chuyên gia đánh giá là cần thiết, nhằm đưa đường cong lãi suất ngày càng hợp lý hơn, về đúng với bản chất là rủi ro càng cao thì hưởng lãi suất càng cao và ngược lại. Ngoài ra, tăng tỷ lệ nguồn vốn dài hạn trong cơ cấu vốn sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu được rủi ro trong kinh doanh. Những số liệu về cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng đã chứng tỏ điều này. Theo đó, trong huy động vốn của các ngân hàng, các kỳ hạn ngắn chiếm đến gần 70% tổng số vốn huy động. Ngược lại, phía cho vay, dư nợ trung và dài hạn của các ngân hàng chiếm đến 53 – 55% tổng dư nợ. Dù các ngân hàng vẫn được phép cho vay tối đa 60% nguồn vốn ngắn hạn cho các khoản vay trung, dài hạn thì nâng cao tỷ lệ nguồn vốn dài hạn vẫn giúp các ngân hàng phòng chống rủi ro tốt hơn.
Minh Hằng (DNSGCT)