Cuối năm rồi. Mưa dầm dề. Lá tre rụng cả lớp phủ dày, nước đọng từng vũng trên những dấu chân trâu trên đường làng. Mùa nông nhàn mà thêm mưa rả rích từ ngày tới đêm nữa thì buồn lắm. Vừa rảnh lại buồn vì thời tiết của những ngày đông đã tới, nên cánh đàn ông trong xóm bèn rủ nhau tụ tập…
Hồi đó tất nhiên là chưa có bia rồi, kể cả bia khổ uống có mùi khai như mùi nước đái bò. Rượu gạo cả làng cũng chỉ hai ba lò gì đó nấu, mà nghe đâu là phải nấu chui. Tiền mặt thì cũng không phải ai cũng có sẵn, nên khi gầy độ nhậu thì cứ quy ra thóc mỗi người góp vài lon bơ lúa để chung cuộc vui…
“Mồi” cũng đơn giản, dĩa cá khô trộn khế hay tô bầu khô, chột môn khô kho với tóp mỡ. Mỗi người một tay, người đi xách rượu, người đi hái rau, người vô bếp xào nấu… Chừng ba chục phút là vô cuộc nhậu…
Mâm nhậu được dọn trên cái sập gỗ nhà bác Chiu. Bạn nhậu chừng sáu, bảy người; có người tóc đã chớm bạc, có người là thanh niên mới biết đi cưa gái. Cái cửa sổ bằng liếp tre bên nhà được chống lên để nhìn mưa mà uống cho nó thấm. Rồi mấy đứa con nít trong xóm tiện thể đứng ngoài hiên coi người lớn uống rượu…
Trời mưa dầm dề mà ngồi nhà tranh vách tre nhậu thì phải nói là êm như ru. Nói chuyện làng xã, ruộng đồng hết rồi thì phải hát thôi. Có người chỉ thấy lầm lì cày ruộng cuốc vườn cả ngày không nói tới năm câu, vậy mà có vài xị đế vô thì bolero ngọt thôi rồi. Ban đầu thì mỗi người hát một bài ruột, sau đó thì cùng đồng ca hòa cùng tiếng gõ muỗng, tiếng tay đánh vô mặt gỗ cái sập đang ngồi rồi cả tiếng đàn bằng miệng nữa: Một mai qua cơn mê xa cuộc đời bềnh bồng anh lại về thăm em…
Bài này qua bài khác, cứ lê thê như mưa đang rơi ngoài trời kia. Rồi có chị vợ tới kêu chồng về ăn bữa tối, thấy cánh đàn ông hát vui quá cũng góp vui mấy khúc nhạc tình. Mấy đứa con nít đứng ngoài nhìn há hốc miệng vì thấy sao bữa nay cha mẹ mình tình cảm quá xá, cứ “con đường xưa em đi thời gian có quên gì”, rồi “trời lập đông chưa em cho lũ dơi đi tìm giấc ngủ vùi”, ghê nữa là “anh không phải là vua nên nào biết đến xa hoa”… ngọt như mía lùi.
Những khúc bolero vọng ra từ căn nhà tranh, lên bổng xuống trầm trong buổi chiều mưa cuối năm đã theo mấy đứa con nít năm nào lớn lên; để bây giờ cứ mưa dầm gió bấc là có người nhớ những khúc bolero xóm nhỏ…
Về làng chơi, nghe dì tôi kể chuyện đám cưới quê, cũng vui vui. Chuyện là trong đám cưới có một chú đăng ký lên hát bài “Con đường xưa em đi”. Hát tới hát lui, bị trật lời tùm lum tùm la à. Sau mấy tiết mục nữa lại có một cô cũng lên hát bài “Con đường xưa em đi” để chứng tỏ mình hát bài này mùi hơn chú đó; nhưng theo lời của dì là cũng lộn xuôi lộn ngược à. Dì nói là hát điệu bolero quan trọng là phải thuộc lời, rành điệu để cảm thấu được bài hát, bởi mỗi bài hát là một câu chuyện, mà chủ yếu là những câu chuyện tình đẹp và buồn: “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê – anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi…”. Dì còn nói thêm, hồi xưa ở làng không ai hát bài hát này qua được dì…
Mà hồi trước, dì là một cây văn nghệ nức tiếng của cả vùng ven phá Tam Giang. Dì nhớ lại, trong một hội thi văn nghệ đón xuân giữa các làng với nhau, biết dì hát hay, nên đến tiết mục của dì, thanh niên làng bên tụ tập nhau đứng sát ngay dưới sân khấu để chọc quê. Dì cất tiếng hát: “Trên đồng lúa vàng một bầy sơn ca – trên đồng lúa vàng chỉ mình đôi ta…”, ở dưới sân khấu mấy anh chàng làng bên cùng nhau đồng thanh chọc quê dì: “Ơ… ơ… ơ…”.
Dì thấy vậy nguýt một cái thật dài và cười thật tươi rồi hát tiếp: “Chỉ mình đôi ta nhìn mây mây ngập ngừng, nhìn chim ngại ngùng – mình nhìn nhau nhìn được lòng thẹn thùng trên má đôi má em hồng hào”. Vậy là mấy chàng thanh niên làng bên dưới sân khấu ngẩn tò te luôn vì dì hát hay quá…
***
Ở xóm quê tôi, chú Dũng là người hát bolero hay nhất. Đặc biệt nữa là có mấy bài không phải bolero mà qua giọng hát của chú cũng thành bolero luôn. Ví như bài “Bao giờ biết tương tư” của “ông vua nhạc sang” Phạm Duy: “Ngày nào cho tôi biết, biết yêu em rồi tôi biết tương tư. Ngày nào biết mong chờ, biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa…”, qua cách chú Dũng kéo giọng đã trở nên não nề, thê thiết và… thành ra một bài bolero luôn. Nói chung, chú Dũng là cây bolero số một của làng tôi suốt nhiều năm liền. Đám cưới nào mà chú chưa hát là chưa trọn vẹn, chú rể với cô dâu chưa vui, nhà gái nhà trai chưa thỏa lòng. Cả làng ai cũng công nhận điều đó.
Vậy mà có lần chú Dũng buồn và giận ghê lắm. Chuyện là xóm tôi có một cậu em mới lớn tên Hiếu, giọng hát thì khỏi phải chê. Khi ca sĩ Quang Linh nổi lên với mấy bài “Thương về miền Trung” rồi “Chim sáo ngày xưa”…, cậu ấy cũng hát những bài đó ngọt như mía lùi, không thua gì ca sĩ cả. Có một bữa liên hoan sau lễ cúng tất niên xóm, đến đoạn văn nghệ đang vui, chú Thương mới thật thà nói: “Hồi xưa bác Dũng là hát hay nhất xóm, nhất làng mình luôn ai cũng biết mà; nhưng giờ bác Dũng hát thua thằng Hiếu rồi!”. Nghe vậy, chú Dũng đứng dậy, mặt đỏ như gà chọi và đùng đùng nổi giận và bỏ cuộc vui. Cũng may là không lâu sau cơn giận, vì tình làng nghĩa xóm và cũng vì ai cũng mê bolero cả nên chú Dũng đã trở lại cuộc nhậu và xí xóa chuyện hơn thua, tiếp tục chương trình bolero xóm nhỏ ngày cuối năm…