Đà giảm mạnh hiện tại của Thị trường chứng khoán (TTCK) xuất phát từ yếu tố cung cầu ngắn hạn nhiều hơn là do sự bất ổn của các nền tảng cơ bản.
Đà điều chỉnh chưa dứt
Sau khi đã lao dốc mạnh trong nửa cuối tháng 4, đà điều chỉnh của VN-Index vẫn chưa dừng lại trong tháng 5. Chỉ số này tiếp tục trong quá trình dò đáy khi các ngưỡng hỗ trợ mạnh liên tục bị phá vỡ khá dễ dàng. Vào cuối phiên giao dịch ngày 25-5, chỉ số VN-Index đã giảm về mức thấp nhất kể từ đầu năm 2018 với 963,9 điểm, tương ứng với giảm đến 7,4% so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 5,59% xuống chỉ còn 114,49 điểm. Đáng chú ý là mặc dù giảm mạnh nhưng dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại trước những diễn biến khó lường của thị trường thời gian gần đây. Thanh khoản thị trường liên tục duy trì ở mức rất thấp, với trung bình chỉ khoảng 170 triệu cổ phiếu/phiên trên cả hai sàn.
Hầu như tất cả các cổ phiếu bluechips trụ cột thuộc mọi ngành nghề từ dầu khí, hàng tiêu dùng, bất động sản, ngân hàng, hàng không… trong rổ chỉ số VN30 đều bị bán rất mạnh. Lực bán này xuất phát đầu tiên từ khối ngoại nhưng sau đó nhanh chóng quấn cả nhà đầu tư nội vào khi vòng xoáy thua lỗ liên tục diễn ra. Điển hình như trong tuần giao dịch từ ngày 21 đến 25-5, khối ngoại đã bán ròng với giá trị lên đến trên 2.395 tỉ đồng, tương ứng 40,4 triệu cổ phiếu, trong đó bộ ba cổ phiếu VIC, VHM và VRE bị khối ngoại bán ròng rất mạnh. Cụ thể, VIC bị bán ròng lên đến hơn 1.000 tỉ đồng trong khi VHM, sau phiên mua ròng đột biến ở cuối tuần trước đó thì ngay lập tức cũng bất ngờ bị bán ròng gần 529 tỉ đồng. VRE cũng bị bán ròng mạnh với 211,7 tỉ đồng.
Điểm tựa nào cho thị trường?
Nếu coi TTCK là phong vũ biểu của nền kinh tế thì rất khó lý giải vì sao chỉ số VN-Index đã và đang trải qua đợt điều chỉnh mạnh như vậy vì hầu hết yếu tố vĩ mô đều vẫn đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. GDP quý I tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua (7,38%) cho thấy triển vọng lạc quan về một năm 2018 có mức tăng trưởng kỳ vọng cao hơn năm 2017. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,08% so với tháng trước, bình quân bốn tháng tăng 2,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu bốn tháng qua đạt 73,76 tỉ USD, tăng 19%. Xuất siêu tiếp tục duy trì ở mức 3,39 tỉ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Dự trữ ngoại hối đã đạt gần 63 tỉ USD, tăng thêm 32 tỉ USD trong vòng hai năm qua… Nếu so với các nước trong khu vực thuộc nhóm thị trường mới nổi thì các chỉ số vĩ mô của Việt Nam đều tương đối ấn tượng hơn.
Dựa trên cơ sở đó có thể cho rằng đà giảm mạnh của TTCK xuất phát từ yếu tố cung cầu ngắn hạn nhiều hơn là do sự bất ổn của các nền tảng cơ bản. Điển hình nhất là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã khiến thị trường vô cùng lo ngại. Về tổng thể thì khối ngoại vẫn đang mua ròng hơn 1,7 tỉ USD trên thị trường cổ phiếu và mua ròng 84,9 triệu USD trên thị trường trái phiếu Việt Nam kể từ đầu năm 2018 cho đến nay.
Nếu trừ đi lượng mua ròng của khối ngoại trong hai thương vụ đình đám gần nhất là FPT Retail và Vinhomes, thì khối ngoại vẫn mua ròng một lượng cổ phiếu giá trị hơn 7.000 tỉ đồng, tương đương 309 triệu USD. Đây là một con số đáng khích lệ khi so sánh với các thị trường trong khu vực (khối ngoại rút ròng 3,2 tỉ USD tại Thái Lan, hơn 3 tỉ USD tại Indonesia, 900 triệu USD tại Philippines). Tuy vậy vấn đề nằm ở chỗ các hoạt động tái cơ cấu và rút vốn của khối này trong tháng 4 và tháng 5 nhằm mua vào một số cổ phiếu tiềm năng mới niêm yết đã khiến thị trường tạm thời thiếu hụt một lượng vốn mà nhất thời dòng tiền của khối nội chưa thay thế được.
Mặc dù vậy, nếu nhìn xa hơn thì TTCK Việt Nam vẫn có các yếu tố vĩ mô cơ bản đủ để hỗ trợ VN-Index lấy lại đà tăng trưởng trong 3-6 tháng tới. Cụ thể, đợt điều chỉnh hiện tại sẽ đưa mặt bằng cổ phiếu về mức định giá thấp hơn (P/E về mức 15-16 lần so với mức đỉnh 22 lần), từ đó hấp dẫn dòng tiền đầu tư trung và dài hạn trở lại. Thêm vào đó, với bối cảnh vĩ mô thuận lợi, triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong các quý sắp tới được đánh giá là khả quan, sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư đáng kể. Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, động thái bán ròng của khối này có thể chưa chấm dứt ngay trong ngắn hạn nhưng khối lượng bán nhiều khả năng cũng sẽ giảm dần. Điều này sẽ tạo điều kiện để VN-Index sớm tìm được điểm cân bằng và phục hồi trở lại.