Bà Nguyễn Thị Sơn là thành viên trong một gia tộc có truyền thống kinh doanh, xuyên suốt một thời đoạn đầy biến động của dân tộc. Như chiếc gạch nối bền bỉ giữa hai thế hệ, bà kế tục, truyền thừa tinh thần kinh doanh cho lớp sau tiếp nối.
Đời kinh doanh của bà nhiều thăng trầm, gắn liền với mỗi khúc quanh lịch sử. Môi trường chính trị đổ bóng xuống môi trường kinh doanh. Nền kinh tế thị trường tự do ở miền Nam bị giật lùi về kinh tế tập trung bao cấp rồi lừng khừng quay lại thừa nhận thị trường. Từ đỉnh cao về vực sâu cách nhau một lằn ranh. Mong manh phận người. Có khi tiến bộ bị nghi kỵ, định đoạt bởi thiển cận, mông muội.
Bi kịch không chỉ xảy đến với cá nhân, mà còn trì níu sự phát triển của đất nước.
“Start-up” tuổi 18
Bà Nguyễn Thị Sơn là thân mẫu của 5 doanh nhân có sự nghiệp ở những lĩnh vực khác nhau, gồm bất động sản (Sơn Kim Land), kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng (Sơn Kim Retail), dược phẩm (Nanogen-Bio), thiết kế nội thất (Duy Quân), trà – cà phê (Golden Moutain), sản xuất hàng thời trang (VERA), bán hàng online, kênh truyền hình (GS.SHOP).
Thời trang là mảng kinh doanh được tiếp nối liên tục qua ba thế hệ của gia tộc quê gốc Bắc Ninh. Trước khi di cư vào Nam năm 1954, mẹ của bà sở hữu một cửa hiệu vải lụa tại phố Khâm Thiên, Hà Nội. Sau hai năm dừng chân ở Huế, cha mẹ bà quyết định lập nghiệp tại Sài Gòn, thành lập Đại Thành, chuyên sản xuất quần áo may sẵn cung cấp cho các hiệu bán buôn từ Chợ Lớn ra đến miền Trung.
Bà Sơn “hít thở” bầu khí quyển tự do của kinh tế thị trường khá sớm. Ở bậc trung học, cô nữ sinh đã phụ mẹ quản lý công việc điều hành, làm sổ sách kế toán, ký séc (cheque) thanh toán mua hàng cho đến theo dõi công nợ. Nhờ vậy mà có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trong giới doanh thương. Là người duy mỹ, lại sẵn xưởng may, cô tự thiết kế trang phục cho mình. Thấy đẹp, một bạn hàng của gia đình gợi ý cô gái trẻ thử thương mại hóa. Quyết định đến sau một đêm. Cô lựa vải, thiết kế, cắt, may, tự ướm đồ, điều chỉnh cho đến khi vừa mắt.
Hàng sản xuất thử đưa ra ngoài thị trường hết veo chỉ trong một ngày, cửa hàng đề nghị sản xuất thêm. Không lưu mẫu, cô tính sai công thức, nên hàng may xong hạ cổ quá sâu. Nào ngờ hạ cổ sâu còn hút hơn mẫu cũ. Nhận thấy con gái có năng khiếu thiết kế, gia đình quyết định đầu tư cho cô một nhánh riêng, chuyên về thời trang cho phụ nữ và thanh thiếu niên.
“Năm ấy tôi 18 tuổi”, bà nhắc lại cột mốc năm 1968. Thời trang thay đổi theo mùa, đòi hỏi năng lực sáng tạo liện tục. Mỗi năm, cô chủ trẻ đều có một chủ đề mới, sản xuất số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Start-up” tuổi 18 thành công rực rỡ.
Hồi ức tháng Tư
Gần 30 năm sau khi kết thúc chiến tranh, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Gia đình bà Sơn ở lại Sài Gòn, có vui, có buồn. Trước ngày kết thúc chiến tranh, Sài Gòn ở trong tình trạng hỗn loạn. Nhà bà Sơn ở giữa khoảng cách từ sân bay Tân Sơn Nhất, tổng hành dinh của Bộ Tổng Tham mưu quân đội cũ và dinh Độc Lập nên nằm giữa lằn đạn pháo kích của Giải phóng quân, bà Sơn nhớ lại: “Cứ nghe thấy tiếng rít của pháo kích là tôi bế các con chui xuống hầm, nhưng không có điện, tối quá các con tôi khóc ầm ĩ không chịu lại phải trèo lên. Lúc ấy đầu óc tôi rất rỗng, nếu có chết cũng chẳng có cảm giác gì”.
Mọi người rủ nhau ra bến tàu di tản. Các gia đình xung quanh khu phố, hàng xóm cũng đi theo nhưng ra đến đầu đường thì gặp pháo kích. Lớp chết, lớp bị thương. Sợ hãi, mọi người đành quay về. “Khi đài phát thanh ngày 30-4-1975 đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, gia đình chúng tôi rất mừng, mừng thật sự vì không còn phải thấy cảnh chết chóc của chiến tranh”, bà Sơn nói.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Tất cả sĩ quan chế độ cũ được lệnh ra trình diện và phải đi học tập cải tạo. Chồng bà vui vẻ lên đường. Là sĩ quan quân y, không vướng nợ máu với cách mạng, ông nghĩ mình cũng sẽ nhanh về. Nào ngờ bặt tin. Hơn một năm sau vợ chồng mới gặp lại. Nghe tin được gặp vợ con, ông cuống quýt lo cạo râu, ăn mặc tươm tất nhưng “Nhìn mình không phải là mình”, bà Sơn đọc một câu trong bài thơ ông viết trong những ngày xa cách.
Kết thúc chiến tranh, gia đình bà kêu gọi các công nhân cũ tham gia thành lập tổ hợp sản xuất cung cấp cho hệ thống phân phối thương nghiệp, may mũ tai bèo, mùng, quân trang, quân dụng cho lực lượng thanh niên xung phong, tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Tổ hợp giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300 lao động tại địa phương, đa phần là vợ và con sĩ quan chế độ cũ cũng đang học tập cải tạo.
Qua năm 1976, kinh tế tư nhân chính thức bị xóa sổ trên toàn miền Nam, đúng như lời Karl Marx đã viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848: “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình trong thành một luận điểm duy nhất là: xóa bỏ chế độ tư hữu”. Quyền tài sản bị truất hữu. Cơ sở kinh doanh của gia đình được kêu gọi đưa vào hình thức sản xuất tập thể, thành lập tổ hợp may và sau đó nâng lên thành Hợp tác xã bậc cao Đại Thành vào năm 1977.
Thân sinh của bà được bầu làm chủ nhiệm HTX và từ năm 1990 là Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho đến khi nghỉ hưu. Còn bà đảm đương vị trí Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính của HTX. Một nách năm con, bà còn được giữ thêm vị trí Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ HTX, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Liên Hiệp Xã quận, đại biểu HĐND quận, rồi Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM.
Hai ngọn cờ đầu
Thay đổi chế độ sở hữu nhưng Đại Thành hoạt động vẫn đặc biệt hiệu quả trong tình hình mới, được ca ngợi như một trong những điển hình của kinh tế thành phố, hai lần được tặng thưởng Huân chương Lao động, hạng Ba năm 1982 và hạng Nhì năm 1984. Cá nhân bà cũng nhiều lần được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen. Năm 1979, bà là đại biểu chính thức được mời dự Hội nghị “Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp gỡ nhân dân tiêu biểu và anh chị em trí thức miền Nam” tại TP.HCM.
Cũng chính cái giấy mời này giúp bà hàn gắn quan hệ với người chú ruột trong lần đầu về thăm quê ở Bắc Ninh. Ông chú lạnh nhạt “vì bố cháu vào Nam mà chú ở ngoài này không được phấn đấu vào Đảng”. “Giọt máu đào” thắm lại sau khi ông chú xem thư mời dự hội nghị với Thủ tướng mà bà mang theo bên mình. Thời bình nhưng mặt trận lý lịch vẫn tiếp tục cam go, sâu rộng từng tế bào xã hội, làm chao nghiêng giềng mối gia đình.
Phẩm chất qua thử thách, năng lực được thừa nhận, năm 1984, bà nhận quyết định bổ nhiệm vị trí Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Dịch vụ quận 10 mới thành lập. Giám đốc là ông Tư Long, được đào tạo chính quy trong môi trường kinh tế chính trị với nền kinh tế kế hoạch tập trung, còn bà được nuôi dưỡng và lớn lên trong nền kinh tế thị trường tự do. Quan điểm có khi khác nhau, thậm chí có lúc tranh luận nảy lửa nhưng đôi bên đều dành cho nhau sự tôn trọng, đều hướng đến mục tiêu chung vì sự phát triển của doanh nghiệp còn non trẻ.
Dưới sự lãnh đạo của cặp bài trùng này, Công ty Dịch vụ quận 10 nhiều năm trở thành lá cờ đầu của thành phố về ngành kinh doanh dịch vụ. Thế nên việc ông Tư Long được điều động về làm chủ tịch quận, lãnh đạo quận điều động một quận ủy viên khác về làm giám đốc công ty, khiến bà hụt hẫng, đệ đơn xin chuyển công tác với lý do muốn phấn đấu độc lập với tư cách giám đốc dù ở bất cứ đơn vị nào. Nguyện vọng được chấp nhận, bà nhận nhiệm vụ tại một đơn vị đang vật lộn với bộn bề khó khăn, công nhân bị nợ lương, đọng vốn do thành phẩm không đạt chất lượng, thiếu vốn lưu động… là Xí nghiệp Giày da May mặc trực thuộc quận 10.
Legamex: từ đỉnh cao đến vực sâu
Toàn quyền đồng nghĩa với chịu toàn bộ trách nhiệm về sự sống còn của doanh nghiệp. Tư duy thị trường dẫn dắt những giải pháp đồng bộ. Năng lực chưa đủ. Chỗ dựa vững chắc của bà là sự hậu thuẫn từ gia đình, sẵn lòng cho con gái mượn tiền thanh toán nợ lương công nhân. Thiếu vốn lưu động nhưng bà Sơn dư vốn xã hội. Đấy là niềm tin từ những đơn vị cung ứng vật tư từng là đối tác của Đại Thành, đồng ý cho vay vật tư xây dựng nhà máy, ngân hàng chấp thuận bảo lãnh thanh toán, hỗ trợ vốn lưu động… để thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy. Trong quá trình chuẩn bị, bà Sơn qua Đông Đức và Tiệp Khắc học sản xuất giày, mảng mà bà chưa có kinh nghiệm.
Phòng khách gia đình bà Sơn hiện trưng một cái ấm Samova của Liên Xô. Đấy là quà tặng của đối tác Liên Xô khi đến nghiệm thu lô hàng đầu tiên nhà máy mới xuất xưởng. Thành phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, đối tác đề nghị nhận thêm hàng ngoài kế hoạch có gia công cao hơn. Thanh toán theo hình thức đối lưu, tức là hàng đổi hàng. Không chỉ tất toán toàn bộ những khoản nợ vay phục vụ xây dựng nhà máy, bà còn được chấp thuận chủ trương đầu tư vào khu Hội chợ quận 10 nhằm giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng. Tháng 12-1988, công ty chính thức đổi tên thành Công ty xuất nhập khẩu Dệt Da May – LEGAMEX. Thương hiệu Lega -fashion cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức các chương trình giới thiệu thời trang, tôn vinh nghề người mẫu Việt Nam.
Chất lượng tạo nên uy tín. Uy tín mang lại cơ hội cho LEGAMEX trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tiếp cận được khoản tín dụng 6 triệu USD năm 1989 từ Ngân hàng Đầu tư quốc tế MIB của Liên Xô (Việt Nam có một ghế trong HĐQT tại ngân hàng này) dưới sự bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Qua năm 1992, Liên Xô bắt đầu sụp đổ. Một năm sau đó, MIB bắt đầu khó khăn về cơ chế hoạt động nên đề nghị rao bán nợ cho các ngân hàng phương Tây với giá bằng 40% nợ gốc.
Nhìn thấy cơ hội vàng, bà Sơn lập tức báo cáo với UBND TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời tiếp cận với một ngân hàng Hà Lan nhờ tư vấn mua nợ bởi vấn đề này quá mới, chưa từng có tiền lệ với Việt Nam. Trùng hợp là năm 1993 này LEGAMEX được chọn là đơn vị đầu tiên thí điểm chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cổ phần hóa thành công sẽ giúp LEGAMEX thu hút thêm vốn đầu tư mở rộng nhà máy, phát triển sản xuất kinh doanh khi mà ngành may tràn đầy triển vọng tăng trưởng.
Trung ương và địa phương đều ủng hộ chủ trương cổ phần hóa LEGAMEX. Credit Lyonnairs Securities và Quỹ Việt Nam Fund hỗ trợ nghiên cứu khả thi theo tiêu chuẩn quốc tế. Đi qua đêm trường bao cấp, bà bị quật ngã trong buổi bình minh Đổi mới của đất nước. Quá trình thực hiện cổ phần hóa đang diễn ra thuận lợi thì xuất hiện một vệt bài trên báo L. Từ việc công kích cá nhân bà Sơn, gây mâu thuẫn giữa bà và một số vị lãnh đạo quận 10, hai tác giả các bài báo đã đẩy lên thành mâu thuẫn về quan điểm sở hữu, đặt vấn đề động cơ biến tài sản xã hội chủ nghĩa thành tài sản tư nhân. Thế là thanh tra. Ba ngày sau kết luận của Ủy ban Thanh tra TP.HCM (ký ngày 7-4-1994), UBND TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ toàn bộ ban giám đốc LEGAMEX. Bất thường là kết luận thanh tra không có nội dung kiến nghị chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra nhưng cơ quan này vẫn vào cuộc.
Hai tháng sau, ngày 10-6-1994, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự theo tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về hậu quả kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau 9 tháng bị tạm giam, bà Sơn được thả. Nghĩa là cơ quan tố tụng không đủ cơ sở để truy tố bà. Nhiều người khuyên bà xin về làm tư nhân nhưng bà đều khước từ. Bà đang làm tư nhân, nhà nước tuyển dụng vào làm cán bộ, tiến hành bổ nhiệm theo bậc ngạch do nhà nước quy định. Tự do đã trả, nhưng danh dự thì chưa. Bà còn muốn chứng minh rằng cán bộ vẫn còn những người thành công bằng sự trung thực và năng lực tự thân.
Niềm tin lụi tàn trong sự im lặng đáng sợ suốt hai năm đằng đẵng. Vực Công ty Giày Da May lên từ đáy vực, chèo lái lên đỉnh cao LEGAMEX nhưng thuyền trưởng lại bị hất xuống vực sâu. Liệu có hay không một kịch bản triệt hạ đại công thần đến giờ vẫn là một bí ẩn? Như rất nhiều bí ẩn chưa được bạch hóa trên đất nước này. Tai họa ập đến khiến gia đình xáo trộn. Cha bà, dù luôn tin rằng con gái vô tội, vẫn không tránh khỏi tổn thương. Con trai út, năm ấy mới 16 tuổi, bị bạn bè chế diễu nên không muốn đến trường. Về nhà lại bị anh chị la mắng bắt phải quay lại trường, cậu bỏ nhà, đi lang thang. Sau khi rời trại tạm giam, bà đi khắp nơi, tìm bằng được con mình về.
Oan khuất không làm bà gục ngã. Vẫn còn là biên chế cán bộ nhà nước, bà không quay lại với công việc kinh doanh, bà chuyển sang một lĩnh vực mới đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Là con nhà luật, bà tư vấn cho doanh nghiệp, đào tạo doanh nhân (Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp CBAM thuộc VCCI), Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế IBLA (thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), bền bỉ tham gia đóng góp ý kiến vào quy trình lập pháp nhiều dự thảo luật. Luật càng tiến bộ, càng có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Bà Nguyễn Thị Sơn hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học Phổ thông Tư thục Duy Tân. Theo mô hình tư thục, nhưng trường hàng năm đều dành 10 suất học bổng nội trú cho học sinh đến từ những tỉnh miền núi phía Bắc theo sự giới thiệu của Quỹ học bổng Vừ A Dính.
Bà mong muốn các em sau khi học tập ở môi trường TP.HCM sẽ quay trở lại quê hương làm thầy giáo, cô giáo, hoặc tham gia quản lý ở địa phương tốt hơn. Nghe bà nói “người nghèo thì ai cho gì nhận nấy và lệ thuộc vào người cho, nhất là những người phương Bắc sang buôn bán tiểu ngạch rồi lấy vợ Việt Nam, sinh con đẻ cái mang họ của bố, dần dần hình thành cả làng họ phương Bắc, chúng ta dần dần mất làng, mất biên giới là từ đó”, bà Trương Mỹ Hoa – Chủ tịch Quỹ Vừ A Dính đáp rằng “làm chính trị là ở đó đó em…”.
Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen-Bio là đơn vị dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine COVID-19 trong nước – Nano Covax. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Nanogen là ông Hồ Nhân, một nhà khoa học sinh năm 1966 lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại Mỹ, cũng là con rể bà Nguyễn Thị Sơn.
Nano Covax được Nanogen-Bio nghiên cứu và phát triển dựa trên công nghệ DNA/Protein tái tổ hợp, đã hoàn thiện và thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật với độ an toàn và khả năng miễn dịch cao. Vaccine bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người từ tháng 12-2020.